Ngày 15/4, ông Nguyên Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, cho biết, Sở đã báo cáo về tình hình hoạt động xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp TP Cần Thơ gửi Bộ Công Thương và Bộ Tài chính.
Tìm “lối thoát” cho doanh nghiệp lúa gạo
Theo báo cáo, ngày 10/4, Bộ Công Thương ban hành quyết định công bố hạn ngạch xuất khẩu gạo trong tháng 4/2020 là 400.000 tấn. Quyết định có hiệu lực từ 0 giờ ngày 11/4. Tuy nhiên, khi Tổng cục Hải quan mở cửa hệ thống khai báo trở lại cho ngành xuất khẩu gạo thì đến sáng 12/4 doanh nghiệp phản ánh Tổng cục Hải quan thông báo số lượng gạo khai báo đã lấp đầy 400.000 tấn. Hiện tại các doanh nghiệp trên địa bàn chưa thực hiện mở tờ khai hải quan để thực hiện thông quan xuất khẩu hàng hóa hiện nằm chờ xuất khẩu tại các cảng.
Tính đến ngày 14/4, lượng hàng lưu tại kho của 41 doanh nghiệp ước đạt gần 86.000 tấn lúa và gần 360.000 tấn gạo. Hợp đồng ký kết phải giao gần 217.000 tấn. Trong đó, đã chuyển đế cảng gần 26.000 tấn (chưa mở tờ khai Hải quan).
|
Ưu tiên giải quyết lượng gạo đang kẹt tại cảng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và bà con trồng lúa. |
Điều đó làm cho các lô hàng đang nằm chờ ở cảng phải chịu nhiều chi phí phát sinh như: lưu bãi, tiền phạt chậm giao hàng, đồng vốn bị đọng, không thể trả cho nông dân trong khi các doanh nghiệp đã đặt cọc tiền mua lúa vụ tới... “Đây là gánh nặng cho doanh nghiệp. Ước tính riêng chi phí lưu bãi, tiền phạt, tiền đóng công... thất thoát từ 260 - 350 triệu đồng/ngày (đối với mỗi doanh nghiệp, tùy vào số lượng hàng năm tại cảng)”, báo cáo nêu rõ.
Ngoài ra, việc này còn ảnh hưởng lớn đến các hợp đồng xuất khẩu của doanh nghiệp đã ký kết, uy tín của doanh nghiệp và tác động rất lớn đến các doanh nghiệp trong việc cân đối tài chính.
Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong bối cảnh hiện nay, Sở Công Thương TP Cần Thơ đề xuất Bộ Công Thương, Bộ Tài chính tạo điều kiện thuận lợi để giải quyết hàng hóa đang nằm trên các cảng của doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Cụ thể, ưu tiên 1 là thực hiện mở tờ khai và thông quan đối với lượng gạo xuất khẩu đang kẹt ngoài cảng cho 10 doanh nghiệp với số lượng gần 26.000 tấn (từ ngày 23/3 đến 30/3). Ưu tiên 2 là thực hiện mở tờ khai và thông quan đối với lượng gạo xuất khẩu phải giao tháng 4/2020 cho 14 doanh nghiệp với số lượng 50.000 tấn (từ ngày 1 đến 10/4).
Doanh nghiệp yêu cầu đảm bảo tính công khai, minh bạch
Trước đó nhiều doanh nghiệp lúa gạo đã gửi văn bản “cầu cứu” Văn phòng Chính phủ và các bộ ngành liên quan về việc Tổng cục Hải quan mở cửa khai báo lúc nửa đêm thiếu tính công khai, minh bạch. Các doanh nghiệp cho rằng, không nhận được bất kỳ thông báo chính thức nào từ phía hải quan.
Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, đã có đơn khiếu nại lần 2 về vấn đề nêu trên, đồng thời kiến nghị hủy bỏ toàn bộ tờ khai từ 0 giờ ngày 12/4 đến nay. Bên cạnh đó, ông cũng đề xuất nhiều giải pháp phân bổ hạn ngạch xuất khẩu gạo một cách minh bạch, tránh gây thiệt hại cho các doanh nghiệp. Đầu tiên, hải quan phải cho khai báo các lô hàng đang dang dở và cho thông quan toàn bộ số hàng đang “kẹt” tại cảng. Sau đó mới tính đến chuyện cho doanh nghiệp đăng ký mới. Tờ khai nào đăng ký trước sẽ được xuất khẩu trước và thông quan đến 400.000 tấn thì dừng.
|
Tương tự, bà Huỳnh Thị Bích Huyền, Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Ngọc Quang Phát (Cần Thơ), cũng đồng tình với phương án giải quyết hàng hóa đang kẹt ở cảng. “Hiện công ty còn kẹt ngoài cảng 3.000 tấn gần một tháng chưa đi được. Tại sao không ưu tiên giải quyết hàng còn tồn cảng để trống trải rồi mới cho các doanh nghiệp tiếp tục khai báo? Còn việc khai báo Hải quan mà mở cửa lúc nửa đêm thì thiếu tính công bằng và không minh bạch”, bà Huyền nói.
Theo bà Huyền: “Phải giải quyết các hàng tồn đọng ngoài cảng để cảng thông thoáng rồi những hợp đồng mới sau này thì tạm thời ngưng ký. Hợp đồng nào chưa có hàng, thì từ từ ra. Trước tiên phải cho thông cảng đồng thời giữ uy tín cho Việt Nam của mình với nước ngoài”.
Còn theo ông Nguyễn Văn Nhựt, Giám đốc Công ty CP Hoàng Minh Nhựt, Cần Thơ cũng cho rằng nên giải quyết hàng hóa đang nằm ở cảng để giảm thiệt hại cho doanh nghiệp.