Cần Thơ: Lựa chọn sách giáo khoa đảm bảo tính dân chủ, đề cao nguyện vọng nhà trường

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Từ năm học 2020-2021 đến nay, việc lựa chọn Sách Giáo khoa (SGK) theo Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới được TP Cần Thơ thực hiện nghiêm túc, đúng theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Đặc biệt, địa phương quan tâm và đề cao nguyện vọng của nhà trường, giáo viên.

Trong 4 năm qua, Bộ GD&ĐT đã ban hành 3 Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn SGK chương trình phổ thông. Theo đó, TP Cần Thơ đã tuân thủ các thông tư hướng dẫn của Bộ.

Đặc biệt, dù quyền quyết định của Hội đồng thành phố hay của cơ sở giáo dục thì Cần Thơ đều chủ trương đảm bảo tính dân chủ và đề cao nguyện vọng nhà trường. Việc lựa chọn đều dựa trên danh mục SGK do cơ sở giáo dục đề xuất lựa chọn. Sau đó, tham mưu UBND thành phố phê duyệt.

TP Cần Thơ đề cao ý kiến và nguyện vọng của các trường trong việc lựa chọn SGK. Ảnh minh họa

TP Cần Thơ đề cao ý kiến và nguyện vọng của các trường trong việc lựa chọn SGK. Ảnh minh họa

Theo số liệu thống kê, khối lớp từ 2-11 (trừ 5 và 9) có 371 đầu sách được Bộ GD&ĐT phê duyệt. Các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP Cần Thơ đã đề xuất lựa chọn 341 đầu sách. Trên cơ sở đó, Hội đồng lựa chọn 329 đầu sách. Như vậy có thể thấy, SGK do Hội đồng lựa chọn chiếm tỷ lệ 96,5% những sách được cơ sở giáo dục đề xuất. Từ đó, thể hiện được tính tập trung và đề cao ý kiến, nguyện vọng của các cơ sở giáo dục.

Tuy nhiên, TP Cần Thơ vẫn có một số đầu sách được Bộ GD&ĐT phê duyệt nhưng không có trong danh mục lựa chọn của địa phương. Việc này xuất phát từ lý do các cơ sở giáo dục không đề xuất lựa chọn hoặc Hội đồng lựa chọn thành phố không đảm bảo trên ½ số phiếu đồng ý lựa chọn. Những bộ sách không được lựa chọn đa phần chưa phù hợp với địa phương.

Ông Võ Hồng Lam - Trưởng phòng GD&ĐT quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) cho biết, những năm qua việc lựa chọn SGK cấp Tiểu học và THCS trên địa bàn quận đều được triển khai thực hiện đúng quy định.

Phòng đã tiếp nhận sách mẫu của các NXB cung cấp và triển khai cho giáo viên sớm nhất để có thời gian nghiên cứu và thực hiện quy trình so sánh, lựa chọn, thẩm định tại cơ sở. Trên địa bàn quận Ninh Kiều, hầu hết ở các ở các bộ môn, SGK đều được lựa chọn có sự phân bố ở các đầu SGK của nhiều NXB, hiếm có trường hợp tập trung ở một NXB với 1 đầu sách.

TP Cần Thơ lựa chọn đảm bảo đều khắp các đầu SGK Bộ phê duyệt

TP Cần Thơ lựa chọn đảm bảo đều khắp các đầu SGK Bộ phê duyệt

Ông Trần Thanh Bình - Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ cho biết, việc lựa chọn SGK được Sở rất quan tâm và triển khai thực hiện một cách tốt nhất. Sở đã ban hành và tham mưu ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục tổ chức lựa chọn SGK đảm bảo đúng quy trình, đúng pháp luật. Việc lựa chọn đảm bảo đúng mục đích và nguyên tắc, đồng thời phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương và năng lực của giáo viên và học sinh.

Kế đó, việc lựa chọn đảm bảo đều khắp các đầu SGK Bộ phê duyệt. Kết quả lựa chọn nhận được sự đồng tình của đội ngũ nhà giáo, phụ huynh học sinh và được các cơ sở giáo dục triển khai hiệu quả trong 04 năm học vừa qua.

Theo ông Bình, năm học 2024-2025 áp dụng Thông tư 27 của Bộ GD&ĐT, các cơ sở giáo dục vẫn có quyền chọn lại những sách đã chọn. Thực tế trong những năm qua, một số cơ sở giáo dục vì những lý do chính đáng vẫn đề xuất chọn lại SGK. Sở cũng đã tiếp nhận yêu cầu và tham mưu UBND thành phố Quyết định phê duyệt danh mục SGK lựa chọn lại của các cơ sở giáo dục theo đúng thẩm quyền. Các cơ sở giáo dục căn cứ kiến nghị của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh rồi báo cáo về Sở, Phòng. Sau đó, Sở GD&ĐT sẽ thẩm định hồ sơ và trình UBND thành phố xem xét, quyết định phê duyệt danh mục SGK của cơ sở giáo dục lựa chọn.

Chia sẻ về kinh nghiệm cũng như cách thức thực hiện lựa chọn SGK, ông Bình cho biết, trong chỉ đạo thực hiện cần nâng cao nhận thức đổi mới trong đội ngũ cán bộ, giáo viên. Trước tiên là hiểu đúng ý nghĩa của chủ trương “Thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa; có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học; việc xuất bản sách giáo khoa thực hiện theo quy định của pháp luật”.

“Từ đó, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên nhận thức đúng đắn về công tác này, dành nhiều thời gian nghiên cứu sâu từng đầu SGK trên cơ sở các tiêu chí lựa chọn SGK. Việc lựa chọn phải thực hiện theo quy trình trên tinh thần khách quan, không áp đặt, tôn trọng mọi quyết định lựa chọn của giáo viên, của tổ chuyên môn, của hội đồng trong cơ sở giáo dục”, ông Bình nhấn mạnh.

Đảm bảo lựa được SGK phù hợp cho việc dạy và học của giáo viên và học sinh

Đảm bảo lựa được SGK phù hợp cho việc dạy và học của giáo viên và học sinh

Theo ông Bình, việc xã hội hóa biên soạn SGK giúp tiết kiệm một khoản ngân sách rất lớn, tránh được tình trạng độc quyền trong xuất bản. Đồng thời, giáo viên và học sinh có thể tham khảo nhiều nguồn học liệu khác nhau, hỗ trợ việc giảng dạy, học tập. Chọn nhiều SGK khác nhau để sử dụng, bước đầu thể hiện tính dân chủ, minh bạch trong quá trình lựa chọn, sử dụng SGK. Qua đó, thể hiện được sự tôn trọng việc lựa chọn SGK của giáo viên, của cơ sở giáo dục - nơi trực tiếp sử dụng SGK. Nếu chỉ chọn 1 SGK cho 1 môn học sẽ làm hạn chế tính “mở” của SGK, giáo viên hạn chế sử dụng những ngữ liệu khác nhau của các bộ sách khác nhau.

Đọc thêm