Vốn chính sách giúp giảm nghèo và tăng gắn bó cộng đồng
Nói về những hiệu quả của nguồn vốn vay từ NHCSXH, bà Châu Ngọc Như Lan - Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn (TK&VV) khu vực 1, phường Hưng Phú, quận Cái Răng, TP Cần Thơ cho biết, lúc Tổ mới đi vào hoạt động với 35 thành viên, cả Tổ được vay số tiền là 175 triệu đồng để đầu tư vào trồng trọt và chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình.
Nhờ đồng vốn ưu đãi cho vay của NHCSXH đã thoát nghèo bền vững được 20 hộ. Tiếp tục hàng năm phát triển thêm tổ viên mới, hiện nay tổ có 59 thành viên vay vốn với dư nợ là 2,336 tỷ đồng, gồm 6 chương trình cho vay là: Hộ nghèo, Hộ cận nghèo, Học sinh sinh viên, Giải quyết việc làm, Nước sạch và vệ sinh môi trường và Hộ mới thoát nghèo. Đến nay, số dư tiết kiệm của Tổ cũng đã được hơn 618 triệu đồng.
Có thể dễ dàng nhận thấy, vốn chính sách đã tạo dấu ấn trong các “ngóc ngách” cuộc sống của người dân Cần Thơ. Hội Cựu chiến binh TP Cần Thơ cho biết, dù nguồn vốn vay ưu đãi được ủy thác thông qua Hội Cựu chiến binh vẫn còn chưa “thỏa mãn”, nhưng từ nguồn vốn vay này, Hội đã giúp đỡ cho nhiều hội viên có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo, làm kinh tế giỏi.
Song song với thực hiện vốn ưu đãi xóa nghèo, Hội còn tranh thủ nguồn vốn giải quyết việc làm để phát triển mô hình kinh tế hộ gia đình, qua đó mô hình kinh tế hợp tác có hiệu quả và được nhân rộng, đã giải quyết được nhiều việc làm cho con em Cựu chiến binh, Cựu quân nhân trên địa bàn, hàng năm đã giải quyết cho hàng trăm lao động có việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định.
Tương tự như những kết quả mà Hội Cựu chiến binh đã đạt được, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Cần Thơ cũng cho biết, để nâng cao hiệu quả nguồn vốn vay, các cấp Hội còn phối hợp tổ chức lồng ghép vào các buổi sinh hoạt tổ, nhóm hướng dẫn cách làm ăn, xây dựng và nhân rộng các dự án, mô hình giảm nghèo bền vững, làm kinh tế hiệu quả như: Câu lạc bộ làm bánh dân gian ở quận Ninh Kiều; chằm nón lá, đan giỏ nhựa ở huyện Thới Lai; trồng bưởi ở quận Ô Môn; làm bánh tráng ở quận Thốt Nốt; trồng nấm rơm, trồng hoa kiểng quận Bình Thủy; trồng chanh không hạt, trồng vú sữa ở huyện Phong Điền; may gia công ở quận Cái Răng…
Qua mô hình đã hỗ trợ tạo việc làm thường xuyên cho chị em, thu nhập ổn định, góp phần giảm nghèo bền vững. Từ những hoạt động trên đã thu hút hộ nghèo tham gia thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, từng bước làm quen với sản xuất hàng hóa, sử dụng vốn đúng mục đích, nhiều hộ đạt mức thu nhập cao đã thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu chính đáng.
|
Mô hình bánh dân gian ở quận Ninh Kiều |
Góp phần xây dựng nông thôn mới
Ông Huỳnh Văn Thuận - Giám đốc Chi nhánh NHCSXH TP Cần Thơ - cho biết, những năm qua, hoạt động của Chi nhánh NHCSXH TP Cần Thơ không ngừng phát triển và ngày càng ổn định. Nguồn vốn phục vụ cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách ngày càng tăng, chất lượng tín dụng ngày một tốt hơn, chính sách tín dụng ưu đãi đã đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, đặc biệt là các tầng lớp dân cư có thu nhập thấp.
Sau 5 năm (2012-2016) thực hiện Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, Chi nhánh NHCSXH TP Cần Thơ đã đạt được nhiều kết quả cao, tổng nguồn vốn đạt 1.866 tỷ đồng, tăng 884,7 tỷ đồng (tăng 90,16%) so với cuối năm 2011. Doanh số cho vay hơn 2.859 tỷ đồng cho 184.404 lượt hộ được vay vốn, doanh số thu nợ 1.810 tỷ đồng để tạo nguồn vốn cho vay quay vòng, dư nợ đến cuối năm 2016 hơn 1.814 tỷ đồng, tăng 853 tỷ đồng so cuối năm 2011.
Ông Thuận cho biết thêm, thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách cùng với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội đã góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, đã góp phần giúp cho gần 45 ngàn hộ thoát nghèo vươn lên làm giàu, giải quyết việc làm cho gần 140 ngàn lao động, giúp cho gần 13,5 ngàn học sinh, sinh viên có vốn để trang trải chi phí học tập; hơn 37 ngàn hộ được xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh; xây dựng 439 căn nhà ở cho hộ nghèo… duy trì các làng nghề truyền thống như: làm bánh tráng, trồng rau sạch, câu lạc bộ trồng hoa kiểng...
Nguồn vốn tín dụng chính sách cũng đã góp phần cùng với địa phương hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đến nay Cần Thơ đã có 1 huyện và 20/36 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Hiện, NHCSXH TP Cần Thơ có mạng lưới hoạt động rộng khắp có mặt tại các quận huyện trên địa bàn thành phố gồm: 85 Điểm giao dịch cấp xã, có 2.040 Tổ TK&VV ở ấp và khu vực. Hoạt động của chi nhánh đã không ngừng phát triển và ngày càng ổn định, góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố.