- Thưa ông, trong xã hội hiện nay người giàu là đối tượng thường được mọi người ngưỡng mộ, tôn vinh, tuy nhiên kèm theo đó có cả những định kiến tiêu cực, tình trạng này dường như không chỉ có ở Việt Nam, mà là thực trạng phổ biến trên thế giới?
- Đúng vậy, là một nhà sử học và xã hội học người Đức, trong nhiều năm trở lại đây tôi nhận thấy định kiến và trong một số trường hợp là thái độ thù ghét nhằm vào người giàu ngày càng trở nên gay gắt hơn. Tại Berlin, quê hương tôi, người ta chứng kiến hình ảnh những tấm áp phích của nhóm biểu tình in hình chiếc máy chém đi kèm với dòng chữ “Phản đối một thành phố của người giàu”. Thái độ thù ghét người giàu cũng tăng nhanh tại nhiều quốc gia châu Âu khác.
Tại tất cả 11 quốc gia mà tôi khảo sát, chúng tôi đã cho những người trả lời xem danh sách 11 đặc điểm tính cách cả tích cực và tiêu cực, rồi hỏi họ: “Theo bạn, yếu tố nào sau đây là đúng nhất với người giàu?”. Kết quả cho ra những đặc điểm tính cách tiêu cực như thực dụng, tham lam, ích kỷ, ngạo mạn, hời hợt, tàn nhẫn và lạnh lùng được khá nhiều người lựa chọn. Trong đó, người Tây Ban Nha dễ chọn những đặc điểm tiêu cực gán cho người giàu nhất, sau đó là Ý, Đức, Thụy Điển, Hàn Quốc, Mỹ,…
- Theo ông, đâu là những nguyên nhân dẫn đến định kiến đối với người giàu trong xã hội hiện nay?
- Có thể nói định kiến tiêu cực với người giàu được hình thành do nhiều nguyên nhân xã hội tác động. Quan điểm “tổng bằng 0” là một trong số đó. Theo đó, nhiều cá nhân trong xã hội hiện nay vẫn giữ quan điểm cho rằng sự giàu có của một số người được tạo nên từ sự nghèo đói của người khác. Cách suy nghĩ này là sai lầm, nhưng chính niềm tin vào trò chơi có tổng bằng 0 là nguyên nhân then chốt làm nảy sinh đối kị và định kiến nhằm vào những nhóm xã hội. Bên cạnh đó, khi người giàu được cho là nguyên nhân dẫn đến nghèo đói, họ sẽ đóng vai trò như những “kẻ gánh tội”, đặc biệt là khi xảy ra khủng hoảng xã hội.
Tiến sĩ Rainer Zitelmann. |
- Đó có lẽ là những nguyên nhân cốt lõi không chỉ bây giờ mới có, vậy đâu là những yếu tố tác động mới trong bối cảnh đương đại, thưa ông?
- Chính do truyền thông và báo chí. Những hình ảnh về người giàu qua phương tiện truyền thông đóng vai trò then chốt trong việc định hình cảm nhận của công chúng. Qua nghiên cứu khảo sát, chúng tôi phát hiện ra rằng phần lớn người giàu trong các bộ phim của Hollywood được thể hiện là những người thiếu đạo đức, trái ngược hoàn toàn với những người không phải người giàu, những người được mô tả tích cực hơn về khía cạnh đạo đức. Còn theo nghiên cứu hình ảnh người giàu trên phương tiện truyền thông Đức, thì phần lớn các bài báo về người giàu, dù trong bối cảnh tích cực, vẫn có những định kiến tiêu cực. Những định kiến tiêu cực đều thể hiện rõ trong các bản tin và các bài xã luận với tỉ lệ trên 80%.
- Chúng ta đang nói về thực trạng định kiến tiêu cực với người giàu trên thế giới nói chung, còn với Việt Nam thì sao thưa ông? Tôi được biết trong các quốc gia ông khảo sát có cả đất nước chúng tôi?
- Để phục vụ cho mục đích đo lường, chúng tôi tính toán tỉ lệ trung bình giữa đặc điểm tích cực và tiêu cực dựa trên Hệ số Đặc điểm tính cách (PTC). Kết quả cho thấy, Việt Nam là quốc gia có hệ số PTC thấp nhất trong các nước mà chúng tôi đã khảo sát, nghĩa là người Việt Nam có quan điểm vô cùng tích cực về những đặc điểm tính cách của người giàu.
Tôi không bất ngờ, vì chúng tôi đã khảo sát và kết quả cho ra là 76% người Việt Nam muốn trở nên giàu có, cao hơn rất nhiều so với mức trung bình 28% tại châu Âu và châu Mỹ. Điều đó chứng tỏ người Việt Nam coi người giàu có là hình mẫu mà họ muốn hướng tới trong xã hội, cũng có nghĩa là họ quan niệm việc trở nên giàu có là một bước tiến thành công. Đúng vậy, người Việt khao khát thành công và điều đó phần nào lý giải cho động lực phát triển kinh tế mạnh mẽ tại đây. Thái độ tích cực với người giàu chính là một tiền đề quan trọng cho khả năng dịch chuyển về kinh tế tại Việt Nam kể từ khi tiến hành công cuộc đổi mới vào năm 1986. Đó là một tín hiệu rất tốt, bởi khi con người có cơ hội để làm giàu, chúng ta sẽ tạo ra nhiều của cải vật chất, nhiều việc làm cho người lao động, góp phần thúc đẩy nền kinh tế quốc gia.
- Vậy theo ông, đâu là giải pháp để phá vỡ những “rào cản” định kiến với người giàu, tạo nên sự hài hòa, đoàn kết trong cộng đồng, xã hội?
- Trước hết, để thoát khỏi định kiến thì những cá nhân có định kiến tiêu cực cần phải nhìn nhận lại quan điểm về giàu nghèo, lựa chọn một cách nhìn đúng đắn, lành mạnh. Bên cạnh đó, báo chí truyền thông cần đưa thông tin một cách khách quan, chân thực, tránh đưa những phán xét mang định kiến cá nhân. Cuối cùng, người giàu cũng là đối tượng cần phải có trách nhiệm. Thực tế cho thấy, phần lớn cộng đồng có thái độ tiêu cực với những người giàu là bởi vì một bộ phận người giàu luôn giữ thái độ im lặng, tách biệt với xã hội. Kể cả khi có xảy ra trường hợp hiểu nhầm, họ cũng không lên tiếng giải thích.
Nếu bây giờ, những người giàu cởi mở hơn, sẵn sàng chia sẻ nhiều hơn, ví dụ như họ có thể đến đến các trường học chia sẻ với các em học sinh, sinh viên hàng tuần chẳng hạn, thì định kiến của xã hội đối với nhóm người giàu cũng sẽ giảm bớt đi rất nhiều. Định kiến sẽ biến mất khi những người giàu không im lặng nữa, mà đứng dậy và truyền cảm hứng, chắc chắn là vậy!
- Trân trọng cảm ơn ông!
Tiến sĩ Rainer Zitelmann là một chuyên gia lịch sử và xã hội học đồng thời là một doanh nhân, một triệu phú tự thân người Đức. Ông bắt đầu sự nghiệp tại Viện nghiên cứu khoa học xã hội trung tâm, sau đó là Tổng Biên tập của Ullstein-Propyläen, nhà xuất bản lớn thứ ba nước Đức. Ông hiện là tác giả của 25 cuốn sách được dịch và xuất bản trên nhiều quốc gia. Trong đó có nhiều tác phẩm được dịch ra tiếng Việt như: “Người giàu theo quan điểm công chúng”, “Đọc vị tâm lý hành vi của giới giàu và siêu giàu”, “Quái kiệt làm điều khác biệt”…