Ngày 13/9, Đoàn công tác do đồng chí Lê Thành Long (Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp) đã làm việc với Thường trực Tỉnh ủy, UBND Đắk Lắk. Buổi làm việc có sự tham gia của ông Phạm Ngọc Nghị (Chủ tịch UBND tỉnh) cùng đại diện Thường trực Tỉnh ủy; đại diện các sở, ban ngành chức năng của tỉnh Đắk Lắk.
Tham mưu sâu hơn vào các vấn đề của địa phương
Sau khi nghe báo cáo về công tác tư pháp và thi hành án dân sự (THADS) trên địa bàn tỉnh, các đại biểu đã thảo luận, đánh giá và bàn nhiều phương hướng để cùng tìm cách nâng cao chất lượng công tác, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại.
Đại diện Sở Tư pháp cho biết, Sở Tư pháp đã chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện đúng, kịp thời các quy định của Luật Đấu giá tài sản và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Lãnh đạo Cục THADS cho rằng, ngành Tòa án, Kiểm sát, Công an đã phối hợp rất tốt và duy trì thường xuyên trong công tác THADS, khi có việc cần giải quyết thì các ban ngành liên quan tập trung họp để giải quyết “nút thắt”.
Ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao những thành công và hoạt động của các Trung tâm đấu giá đã mang được nhiều lợi ích cho địa phương. Cục Thi hành án dân sự tỉnh làm việc hiệu quả, chuyên môn, bản lĩnh, công tâm, khách quan, hạn chế tối đa được những sai sót, tiêu cực. Trong thời gian tới, THADS cần quyết tâm hơn, làm tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao.
Ông Phạm Minh Tấn, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy cũng kiến nghị Bộ Tư pháp quan tâm tới việc thành lập Phân hiệu Đại học Luật Hà Nội tại địa phương. Đây là một việc làm rất cấp thiết, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng về đào tạo trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Đoàn Luật sư tỉnh, các luật sư cần tích cực tiếp xúc, trao đổi và hướng dẫn cho người dân, giúp người dân hiểu rõ được các quyền lợi, pháp luật, có thể giảm được những vụ khiếu kiện phức tạp.
Ông Nguyễn Văn Sơn (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS) kiến nghị, trên địa bàn tỉnh còn tồn tại một số vụ việc, vụ án khó thi hành án, không giải quyết dứt điểm nên dễ để xảy ra khiếu nại, khiếu kiện kéo dài; Một số cuộc đấu giá thành nhưng không giao được tài sản cho người trúng đấu giá, dễ dẫn đến việc phải bồi thường. Quá trình tổ chức THA còn khó khăn do sự phối hợp với cơ quan tài nguyên môi trường chưa tốt.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Thành Long nhận định, khối lượng công việc trong lĩnh vực tư pháp ngày càng tăng, tuy nhiên nguồn lực còn thiếu, kinh phí hạn hẹp. THADS thì vẫn còn khó khăn, các vụ việc khiếu nại tố cáo kéo dài vẫn còn; Án tín dụng, tài chính ngân hàng... phức tạp, khó thi hành. Nhiều vụ việc liên quan trực tiếp đến người dân, nếu xảy ra sai sót dễ bị khiếu nại, bồi thường. Từ đó, Bộ trưởng kiến nghị lãnh đạo các cấp ủy, chính quyền tỉnh Đắk Lắk quan tâm, tạo điều kiện giúp sức cho ngành Tư pháp và THA trong quá trình công tác.
Bộ trưởng Lê Thành Long lưu ý, trong thời gian tới ngành Tư pháp và THA cần tham gia sâu hơn nữa trong công tác tham mưu các vấn đề soạn thảo, dự thảo văn bản của địa phương. Bên cạnh đó cần bám sát các nhiệm vụ trọng tâm, tranh thủ sự ủng hộ và giúp sức của các cấp ủy, chính quyền địa phương để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Trường Trung cấp Luật Buôn Ma Thuột: Cần quan tâm hơn công tác tuyển sinh
Trong buổi làm việc cùng Đoàn công tác của Bộ Tư pháp với Trường Trung cấp Luật Buôn Ma Thuột (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), Bộ trưởng Lê Thành Long đã có nhiều ý kiến, chỉ đạo nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Tham dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Hải Ninh (Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk).Trước buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Thành Long dẫn đầu Đoàn công tác đã đi khảo sát và kiểm tra thực tế hiện trạng toàn bộ cơ sở vật chất của nhà trường.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hùng Vừa (Hiệu trưởng Trường Trung cấp Luật Buôn Ma Thuột) đã có báo cáo công tác 8 tháng năm 2017: Bên cạnh công tác kiện toàn tổ chức bộ máy, lãnh đạo nhà trường luôn chú trọng đến việc phát triển đội ngũ viên chức, giáo viên có trình độ cao để đáp ứng với yêu cầu trong hoạt động đào tạo.
Trong công tác tuyển sinh, đào tạo, ngay từ đầu năm 2017, trường đã bắt đầu thực hiện công tác tuyển sinh bằng nhiều hình thức và các giải pháp nên đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Công tác quản lý học tập, rèn luyện của học sinh dần ổn định và đi vào nền nếp, cơ bản đáp ứng nhu cầu giảng dạy, học tập, sinh hoạt của học sinh.
Đối với công tác phối hợp thành lập Phân hiệu Đại học Luật Hà Nội tại Đắk Lắk, đến nay, Trường Trung cấp Luật Buôn Ma Thuột đã phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội và các đơn vị của Bộ Tư pháp và tỉnh Đắk Lắk hoàn thiện đề án, đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt chủ trương, hiện đang hoàn thiện các thủ tục cuối cùng.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, nhà trường vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như nguồn tuyển sinh hiện nay càng thu hẹp, cơ cấu tổ chức của Nhà trường cũng chưa được hoàn thiện, số lượng giáo viên cơ hữu của Trường chưa đảm bảo đáp ứng đủ đối với số lượng các học phần trong chương trình giảng dạy (theo quy định 30 học sinh/1 giáo viên). Công tác tổ chức đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp lên các bậc học cao hơn như cao đẳng, đại học và các chức danh tư pháp khác mới bắt đầu thực hiện, còn gặp nhiều khó khăn...
Đồng chí Nguyễn Hải Ninh khẳng định: “Với quãng thời gian 8 năm thành lập và đi vào hoạt động của Trường Trung cấp Luật Buôn Ma Thuột có thể thấy trường đã đóng góp vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ”.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Thành Long đánh giá cao những kết quả trong công tác của nhà trường. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh những điểm chưa được của nhà trường như chỉ tiêu tuyển sinh giảm qua các năm, chưa thấy được sự chuyển biến trong công tác tuyển sinh và công tác bồi dưỡng nghiệp vụ. Qua đó, nhà trường cần cố gắng trong đề án chung, cần chủ động và quyết liệt hơn nữa.
Bộ trưởng Lê Thành Long chỉ đạo: nhà trường cần thực hiện Đề án thành lập Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội tại Đắk Lắk. Coi đây là nhiệm vụ chính trị, cần có sự tâm huyết của toàn bộ cán bộ nhân viên của nhà trường. Trước những khó khăn chung, nhà trường cần tiếp tục quan tâm đến công tác tuyển sinh; cần tận dụng các cơ sở vật chất để tránh lãng phí, rà soát lại để thấy được những thiếu sót; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên…