Cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác thi hành án dân sự

(PLO) - Chiều qua (15/11), Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) Mai Lương Khôi đã chủ trì Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị định số 62/2015/NĐ-CP (ngày 18/7/2015) của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật THADS. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng, Lãnh đạo Tổng cục THADS, các Cục THADS địa phương và đại diện nhiều bộ, ngành liên quan cùng tham dự.
Thứ trưởng Trần Tiến Dũng trao Quyết định bổ nhiệm cho các Chấp hành viên cao cấp.

Sau 3 năm thực hiện, Nghị định số 62/2015/NĐ-CP đã góp phần tạo hành lang pháp lý cơ bản bảo đảm cho công tác THADS hiệu quả hơn; cán bộ, công chức trong hệ thống THADS ngày càng được hoàn thiện; trình tự, thủ tục thi hành án được quy định đầy đủ, cụ thể, dễ thực hiện hơn; nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của cá nhân, tổ chức được nâng lên.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đến nay vẫn còn 58 nội dung khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện Nghị định số 62/2015/NĐ-CP mà cơ quan THADS địa phương còn chưa thống nhất được cách hiểu và biện pháp giải quyết do Nghị định chưa hướng dẫn cụ thể hoặc quy định của Nghị định đã bị hết hiệu lực. 

Trao đổi tại Hội nghị, Lãnh đạo Cục THADS TP Hải Phòng đã đề cập tới các khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc xử lý khoản tiền đặt trước của người trúng đấu giá. Theo khoản 2 Điều 38 Luật Đấu giá tài sản quy định tổ chức đấu giá tài sản tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá trong giờ hành chính, liên tục kể từ ngày niêm yết việc đấu giá tài sản cho đến trước ngày mở cuộc đấu giá 2 ngày. Còn khoản 2 Điều 39 Luật Đấu giá tài sản quy định tổ chức đấu giá tài sản chỉ được thu tiền đặt trước của người tham gia đấu giá trong thời hạn 3 ngày làm việc trước ngày mở cuộc đấu giá. 

Từ đó, dẫn tới tình trạng nhiều khách hàng đã đăng ký tham gia đấu giá mà chưa nộp tiền đặt trước có thể thông đồng, thoả thuận với nhau, sau đó chỉ có 1 hoặc vài người nộp tiền đặt trước để mua tài sản, những người khác không nộp tiền đặt trước chỉ bị mất tiền mua hồ sơ tham gia đấu giá.

Do vậy, cần quy định thời gian đăng ký tham gia đấu giá và thời gian nộp tiền đặt trước trong thời hạn 3 ngày làm việc trước ngày mở cuộc đấu giá để bảo đảm thực sự công khai minh bạch, giảm thiểu tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, “cò giá” trong bán đấu giá tài sản.

Còn đại diện Cục Thi hành án, Bộ Quốc phòng nêu lên thực tế hiện nay, việc đề nghị bổ nhiệm chấp hành viên (CHV) để bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, chỉ huy là Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng Thi hành án cấp quân khu thường chậm thời gian.

Từ đó dẫn tới một số trường hợp không ra được quyết định thi hành án đối với các bản án của Tòa án quân sự đã có hiệu lực pháp luật do đồng chí Trưởng phòng và đồng chí Phó Trưởng phòng chưa được bổ nhiệm chức danh tư pháp để Bộ Quốc phòng có cơ sở bổ nhiệm Thủ trưởng cơ quan thi hành án có thẩm quyền thực hiện công tác chuyên môn theo quy định của pháp luật.

Vì vậy, cần nghiên cứu, đề xuất việc bổ nhiệm CHV, thẩm tra viên (TTV) đề nghị chuyển giao thẩm quyền cho Bộ Quốc phòng, để bảo đảm bổ nhiệm kịp thời chức danh tư pháp đáp ứng nhiệm vụ được giao.

Dưới góc độ công tác kiểm sát THADS, Vụ trưởng Vụ 11, VKSNDTC Nguyễn Văn Nông đã chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong nhận thức và áp dụng các quy định của Nghị định 62/2015/NĐ-CP như: quy định về thời hiệu yêu cầu thi hành án cũng như hướng dẫn các trường hợp được coi là sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan; quy định về xác nhận kết quả thi hành án; thủ tục thanh toán tiền, trả tài sản thi hành án… Từ đó nêu lên một số đề xuất, kiến nghị sửa đổi Nghị định này.

Liên quan tới việc xử lý tài sản bảo đảm tranh chấp về quyền sở hữu tài sản, đại diện Chi cục THADS quận Bình Thạnh (TP HCM) cho biết, tại bản án có hiệu lực pháp luật tuyên người phải thi hành án nếu không thanh toán số tiền lãi và gốc tại hợp đồng tín dụng thì cơ quan THADS có thẩm quyền kê biên, phát mại tài sản bảo đảm để thu hồi nợ cho tổ chức tín dụng (TCTD).

Nhưng trong quá trình xử lý tài sản phát sinh tình trạng tài sản bảo đảm có sự tranh chấp về quyền sở hữu nhưng thời điểm phát hiện tranh chấp này có thể khác nhau, gây nên nhiều khó khăn. Do đó, đề xuất bổ sung thêm quy định của Luật theo hướng bảo vệ tuyệt đối các trường hợp TCTD giao dịch ngay tình nhằm thu hồi nợ cho TCTD, tình trạng người phải thi hành án đưa người thân quen tham gia vào quá trình tranh chấp nhằm kéo dài thời gian, khiếu nại gay gắt.

Phát biểu kết luận, Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Mai Lương Khôi nhận định các đại biểu đã chỉ ra được những khó khăn, vướng mắc trong thực tế và đề xuất được các giải pháp cụ thể, phù hợp với đặc điểm của mỗi cơ quan, đơn vị nói riêng và trong bối cảnh hiện nay nói chung.

Từ đó, tạo tiền đề quan trọng để chuẩn bị cho việc tổ chức sơ kết Luật THADS và tiếp tục có những sửa đổi, bổ sung Luật THADS, đảm bảo hoàn thiện thể chế, đáp ứng các yêu cầu trong tình hình mới. 

Nhân dịp này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đã trao Quyết định của Bộ trưởng Bộ Nội vụ bổ nhiệm 16 CHV cao cấp và 7 TTV cao cấp. Chúc mừng và ghi nhận nỗ lực của các tân CHV cao cấp và TTV cao cấp khi đã xuất sắc vượt qua kỳ thi đầy thử thách, khó khăn, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng mong muốn các đồng chí sẽ không ngừng phát huy tinh thần trách nhiệm, năng lực chuyên môn để tiếp tục có nhiều đóng góp đối với hệ thống cơ quan THADS, đáp ứng yêu cầu, mong mỏi của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Lãnh đạo Bộ. 

Đọc thêm