Công tác thi hành án dân sự năm 2018 góp phần phát triển kinh tế - xã hội

(PLO) -Năm 2018, mặc dù số việc và tiền thụ lý mới tiếp tục tăng so với năm 2017 và cao nhất từ trước đến nay về tiền (gần 200.000 tỷ đồng) song các cơ quan thi hành án dân sự (THADS) đã đạt nhiều kết quả tích cực: thi hành xong gần 600 nghìn việc tương ứng với số tiền trên 34.000 tỷ đồng. Nhiều vụ việc có giá trị lớn, phức tạp, kéo dài đã được tập trung chỉ đạo giải quyết.
Bộ trưởng Lê Thành Long thăm và làm việc với Cục THADS tỉnh Điện Biên.
Bộ trưởng Lê Thành Long thăm và làm việc với Cục THADS tỉnh Điện Biên.

Quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành

Trên cơ sở Chương trình công tác trọng tâm của Bộ Tư pháp trong lĩnh vực THADS, Tổng cục THADS, các cơ quan trực thuộc Tổng cục, 63 Cục THADS cấp tỉnh và 710 Chi cục THADS cấp huyện đã ban hành Kế hoạch công tác năm của đơn vị làm căn cứ triển khai thống nhất, kịp thời, toàn diện các mặt công tác.

Tổng cục THADS cũng đã ban hành Quyết định giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cho các cơ quan THADS địa phương năm 2018 với 13 nhóm chỉ tiêu cơ bản, trên cơ sở đó, các Cục THADS đã quán triệt, triển khai và ban hành Quyết định giao chỉ tiêu cụ thể cho từng Chi cục và Chấp hành viên.

Tiếp tục sâu sát, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành, Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS đã tổ chức sơ kết công tác THADS, hành chính 06 tháng đầu năm 2018, tổ chức nhiều buổi Giao ban trực tuyến toàn diện các mặt công tác và giao ban trực tuyến chuyên đề để đánh giá, đôn đốc kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án của các địa phương, qua đó giúp các địa phương khắc phục những tồn tại, hạn chế và đề ra các giải pháp khắc phục.

Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS cũng đã ban hành nhiều công văn quán triệt, chỉ đạo các Cục THADS tập trung, quyết liệt thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, trên cơ sở kết quả THADS các tháng, Tổng cục đã ban hành nhiều công điện đôn đốc, chỉ đạo đối với các Chi cục THADS có lượng án lớn, nhưng kết quả đạt được còn thấp, ảnh hưởng lớn đến kết quả THADS của địa phương; yêu cầu địa phương rà soát, báo cáo giải trình kết quả thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS năm 2018.

Kết quả THADS ngày càng thực chất và bền vững

Bằng nhiều giải pháp quyết liệt, các cơ quan THADS trong cả nước đã thi hành xong 571.708 việc trong số có điều kiện thi hành, đạt tỉ lệ 80,30%. Về tiền, đã thi hành xong  trên 34.520 tỷ đồng, đạt tỷ lệ trên 38%. Về kết quả thi hành án của người phải thi hành án đang chấp hành án phạt tù thu các khoản tiền, tài sản mà người phải thi hành án, thân nhân của người phải thi hành án nộp để thi hành án: Thi hành xong 51.708 việc, thu được số tiền hơn 2.303 tỷ đồng.

Các cơ quan THADS cũng đã chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai quy định về việc xác nhận kết quả thi hành án đối với phạm nhân đã thực hiện xong nghĩa vụ thi hành án. Về thi hành án đối với các khoản nợ của tổ chức tín dụng, thi hành xong 4.251 việc, thu được số tiền là gần 24.576 tỷ đồng.

Năm 2018, toàn quốc có 20 địa phương hoàn thành 4 chỉ tiêu. Riêng 2 thành phố lớn là TPHồ Chí Minh có tổng số việc thụ lý là 111.137 việc, tương ứng với số tiền trên 69 nghìn tỷ đồng (chiếm 12% số việc và 35,27% số tiền thụ lý của toàn quốc), thi hành xong đạt tỷ lệ 78,33% về việc và 43,94% về tiền; TPHà Nội có tổng số việc thụ lý là 48.435 việc, tương ứng với số tiền gần 30.000 tỷ đồng (chiếm 5,22% số việc và 15,3% số tiền thụ lý của toàn quốc), thi hành xong đạt tỷ lệ 76,54% về việc và 19,34% về tiền.

Trong các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn, Bộ Tư pháp cũng đã tập trung chỉ đạo các cơ quan THADS nâng cao hiệu quả công tác xác minh điều kiện thi hành án, truy tìm tài sản, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và bộ, ngành chủ quản kiên quyết thực hiện việc cưỡng chế.

Trong công tác xác minh, phân loại điều kiện thi hành án, thực hiện Điều 44ª Luật THADS (sửa đổi, bổ sung năm 2014) và chỉ đạo của Chính phủ, trong những năm qua, công tác xác minh, phân loại điều kiện thi hành án luôn được Bộ Tư pháp quan tâm thực hiện.

Bộ Tư pháp đã chỉ đạo các cơ quan THADS thực hiện nghiêm chỉ tiêu này, đồng thời tổ chức các đoàn kiểm tra toàn diện và chuyên đề, định kỳ và đột xuất, trong đó chú trọng kiểm tra công tác xác minh điều kiện thi hành án, qua đó đã giúp kết quả phân loại án có điều kiện và chưa có điều kiện thi hành chính xác hơn, kết quả THADS ngày càng thực chất và bền vững. 

Tổng cục THADS đã ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động
Tổng cục THADS đã ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động 

Bên cạnh đó, công tác theo dõi thi hành án hành chính tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện nghiêm túc. Các cơ quan THADS đã thực hiện theo dõi 363 bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính.

Các cơ quan THADS đã ra văn bản thông báo về trách nhiệm tự nguyện thi hành án đối với 336 việc; đăng tải công khai 57 Quyết định buộc thi hành án hành chính của Tòa án; tổ chức làm việc với người phải thi hành án là 128 vụ việc; có văn bản kiến nghị xử lý đối với 13 trường hợp do không chấp hành án.

 Hệ thống văn bản pháp luật hướng dẫn triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS năm 2014 tiếp tục được hoàn thiện. Tổ chức bộ máy các cơ quan THADS tiếp tục được củng cố, kiện toàn; kỷ cương, kỷ luật hành chính được tăng cường. Theo Bộ Tư pháp, năm 2018 công tác THADS tiếp tục có những tiến bộ, qua đó, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và từng địa phương.

Nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế

Tuy nhiên, Bộ Tư pháp cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như một số địa phương kết quả thi hành án đạt thấp, đặc biệt là về giá trị; còn một số sai sót, vi phạm của Chấp hành viên, công chức thi hành án trong thực hiện trình tự, thủ tục thi hành án; công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành và chuyên môn còn chậm, chưa có đột phá; công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo một số đơn vị còn chậm được đổi mới, chưa thực sự quyết liệt...

Đặc biệt, còn nhiều khó khăn trong thi hành các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn do việc truy tìm, kê biên, phong tỏa tài sản để bảo đảm thi hành án trong giai đoạn tố tụng còn hạn chế; đa phần tài sản đã bị che giấu, hợp lý hóa hoặc cố tình tẩu tán nên giá trị tài sản bảo đảm rất nhỏ hoặc thậm chí không có tài sản để thi hành án; tài sản bảo đảm thi hành án nằm rải rác ở nhiều địa phương, trong khi chưa có cơ chế xử lý đồng bộ...

Năm 2019, nhiệm vụ trọng tâm của toàn hệ thống là triển khai hiệu quả đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; tiếp tục hoàn thiện thể chế; phát huy hiệu quả công tác phối hợp; tập trung kiện toàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hệ thống tổ chức THADS; tăng cường cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin; bảo đảm cơ sở vật chất, phương tiện làm việc cho các cơ quan THADS trong toàn Hệ thống.

Đặc biệt, toàn hệ thống xác định, tập trung hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS, thi hành án hành chính. Trong đó ưu tiên các nguồn lực tập trung thi hành dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành; tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của công chức THADS, tập trung, quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc, tăng cường phối hợp liên ngành, nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.

Thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về THADS và các quy định pháp luật có liên quan, chú trọng công tác xác minh điều kiện thi hành án và phân loại án có điều kiện và không có điều kiện, bảo đảm chính xác, kịp thời; hạn chế sai sót, bảo đảm tính khách quan trong công tác thẩm định giá, đấu giá tài sản kê biên; tập trung xử lý dứt điểm các vụ việc giao tài sản đã bán đấu giá thành. 

Cùng đó, tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về THADS; thực hiện nghiêm túc chế độ Thủ trưởng cơ quan trực tiếp tiếp công dân định kỳ; tăng cường đối thoại trực tiếp, giải quyết triệt để các khiếu nại, tố cáo của công dân từ cơ sở, hạn chế phát sinh các khiếu nại, tố cáo vượt cấp làm phức tạp tình hình. 

Tiếp tục sâu sát, quyết liệt trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, bám sát từng lĩnh vực, địa bàn, vụ việc phụ trách, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính trong toàn Hệ thống và chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nội bộ.  

Đọc thêm