Cần trợ lực để doanh nghiệp giảm “dấu vết các bon”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Hiện một số doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã mất đơn hàng do chưa chuyển dịch năng lượng. Do đó, Việt Nam không thể chậm trễ hơn trong việc thay đổi sản xuất để thích ứng với xu thế toàn cầu.
Cần sớm chuyển đổi phương thức sản xuất hàng hóa. (Ảnh minh họa).
Cần sớm chuyển đổi phương thức sản xuất hàng hóa. (Ảnh minh họa).

Khẩn trương giảm dấu vết các bon

Ông Nguyễn Sỹ Linh, Trưởng ban Ban Biến đổi khí hậu (BĐKH) và các vấn đề toàn cầu - Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) cho biết, các cam kết quốc tế về khí hậu mà Việt Nam tham gia gần đây đa phần liên quan đến vấn đề về phát triển kinh tế, trong khi Việt Nam là một quốc gia có giá trị phụ thuộc vào xuất khẩu (XK) rất lớn. Do đó, các cam kết quốc tế như cam kết về giảm phát thải ròng bằng 0, giảm phát thải metan toàn cầu hay cam kết liên quan đến chấm dứt tình trạng phá rừng, đặc biệt là rừng nhiệt đới đều sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp (DN) của Việt Nam.

Ví dụ với cam kết liên quan đến phát thải ròng bằng 0, một số thị trường lớn như thị trường của châu Âu đã đề cập đến những quy định liên quan đến dấu vết các bon hay chuyển dịch năng lượng. “Có thể thấy rõ, trong thời gian vừa qua ngành Dệt may Việt Nam đã chịu ảnh hưởng rất nhiều do các đơn hàng dịch chuyển sang một quốc gia khác, dù đó cũng là một quốc gia đang phát triển nhưng họ đã chuyển dịch năng lượng theo hướng sử dụng năng lượng xanh và ít phát thải hơn, đó là Bangladesh” - ông Linh nói.

Do đó, theo ông Linh, đã đến lúc DN cần phải thực hiện chuyển đổi để theo kịp xu thế của thế giới. Với DN sử dụng nhiều năng lượng trong sản xuất thì phải theo lộ trình chuyển dịch năng lượng theo hướng vừa sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng vừa chuyển đổi nguồn năng lượng sử dụng. Chẳng hạn chuyển từ nguồn điện hóa thạch (than, khí) sang nguồn năng lượng tái tạo để giảm dấu vết các bon đối với sản phẩm của DN sản xuất.

“Đặc biệt với DN XK, giảm được dấu vết các bon như có một tấm hộ chiếu hoặc một chứng nhận để tiếp cận được với thị trường khó tính, nhất là những thị trường đã yêu cầu tính toán về phát thải, dấu vết các bon cho từng sản phẩm” - ông Linh nhận định.

Ngoài ra, DN liên quan đến chuỗi nông sản, đặc biệt là lúa gạo, cà phê, ca cao cũng cần phải có động thái ngay như cần phải xem hoạt động sản xuất của mình, vùng nguyên liệu của mình có nằm trong khu vực có thể xuất hiện tình trạng phá rừng hay không, cần bảo đảm rằng những hồ sơ, các thông tin về sản phẩm hay vùng nguyên liệu sản xuất cho DN của mình, đáp ứng được những yêu cầu, đòi hỏi của các thị trường quốc tế.

Trợ lực nào cho doanh nghiệp?

Ông Hoàng Văn Tâm - Phó Chánh Văn phòng BĐKH và Tăng trưởng xanh (Bộ Công Thương) khẳng định, hiện toàn thế giới đang thực hiện rất nhiều giải pháp để giảm phát thải khí nhà kính (KNK), để giảm dấu vết các bon thì tất cả những thành tố trong thế giới này cũng phải thực hiện đồng loạt theo. Hiện các Bộ, ngành cũng đang thực hiện các quy định liên quan đến giảm phát thải KNK theo lộ trình đã đặt ra.

Theo ông Tâm, mặc dù theo quy định, bắt đầu từ năm 2025 DN mới phải thực hiện nghĩa vụ về kiểm kê phát thải KNK nhưng Bộ Công Thương dự kiến sẽ ban hành Thông tư về hướng dẫn về kiểm kê KNK vào tháng 11 tới. Trong năm 2024 Bộ sẽ tổ chức các hoạt động đào tạo, tập huấn để giúp DN thực hành tốt với những quy định, đặc biệt là quy định về kiểm soát phát thải KNK và tính toán được dấu vết các bon của họ trong toàn bộ chuỗi cung ứng.

Đáng chú ý, ông Tâm cho biết, Bộ Công Thương cũng đã và đang triển khai một loạt những nghiên cứu (do các tổ chức quốc tế hỗ trợ) để xây dựng những danh mục, các công nghệ phát thải các bon thấp để giúp cho DN có được thông tin về nguồn, về các loại công nghệ mới nhất hiện nay trên thế giới và có khả năng thích ứng đưa vào trong điều kiện của Việt Nam cả về chi phí, về vốn, các vấn đề về kỹ thuật, về hạ tầng…

Ông Linh thông tin, Việt Nam hiện đã có định hướng chính sách chung ứng phó BĐKH nhưng vì việc chuyển đổi sẽ cần rất nhiều yêu cầu về vốn, về công nghệ, về nhân lực. Do đó, trong giai đoạn này Chính phủ cần có những trợ lực cho DN. Cụ thể, ngoài việc thường xuyên cung cấp, cập nhật thông tin, đặc biệt là các cơ chế, chính sách mang tính chất toàn cầu, điều chỉnh và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN thì Nhà nước cần hỗ trợ cho các DN, đặc biệt là giai đoạn đầu khi thực hiện các quy định bắt buộc về kiểm kê phát thải KNK cũng như là các giải pháp về giảm phát thải.

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có những cơ chế và khuyến khích, đặc biệt là khuyến khích áp dụng các mô hình phát triển kinh tế các bon thấp hay là những mô hình kinh doanh ít phát thải để DN có động lực theo đuổi. Trước mắt, trong thời điểm hiện nay để trợ lực cho DN thì cần có những ưu đãi về thuế đối với những hàng hóa hoặc dịch vụ được sản xuất theo phương thức các bon thấp hoặc ít phát thải.

Đọc thêm