Hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông do virus Corona (Mers-Cov) là bệnh truyền nhiễm nhóm A. Bệnh ghi nhận ca mắc đầu tiên vào tháng 4/2012 tại Arab Saudi.
Mới đầu giới khoa học gọi nó là virus mới giống SARS vì cùng họ Corona. Tuy nhiên, nó nguy hiểm hơn SARS vì tỷ lệ tử vong có thể lên đến 40%, trong khi SARS chỉ 10%.
Dịch hiện có xu hướng lây lan nhanh tại Hàn Quốc khi trong vòng 10 ngày quốc gia này đã có 25 ca mắc; 2 người tử vong.
Theo Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế; bệnh có khả năng lây truyền từ người sang người, chủ yếu trong nhóm người có tiếp xúc gần với người bệnh.
Nguồn Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế. |
Lạc đà có thể là ổ chứa virus và có khả năng lây nhiễm sang người. Nhóm nguy cơ cao mắc bệnh là những người mắc bệnh đái tháo đường, suy thận, bệnh phổi mãn tính, những người bị bệnh miễn dịch.
Người mắc bệnh có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp tính: sốt, ho, viêm phổi nặng và nhanh chóng dẫn đến suy hô hấp cấp. Ngoài ra có thể kèm theo các triệu chứng đường tiêu hóa như tiêu chảy và có thể gây suy tạng đặc biệt là suy thận, nguy cơ tử vong cao. Một số người nhiễm virus có thể có biểu hiện lâm sàng nhẹ không rõ triệu chứng gây khó khăn cho việc phát hiện. Đến nay, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và văcxin phòng bệnh. Tỷ lệ tử vong có thể lên đến 40%.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, việc bệnh nhân lọt qua cửa khẩu xâm nhập vào là điều đương nhiên, virus ủ bệnh đến 14 ngày.
Biểu hiện của bệnh tương tự như các bệnh viêm đường hô hấp khác, như bệnh cúm thông thường. Vì thế, công tác giám sát trong bệnh viện hết sức quan trọng. Người bệnh khi đi khám cần khai báo tiền sử đi về từ các nước có dịch, bác sĩ khi khám bệnh cũng cần hỏi kỹ điều này. Người nghi ngờ nhiễm virus sẽ được lấy mẫu bệnh phẩm để làm xét nghiệm chẩn đoán xác định.
Việt Nam hiện áp dụng tờ khai y tế tại tất cả các cửa khẩu với 11 nước, trong đó có 9 nước vùng Trung Đông, mới đây thêm Hàn Quốc và Bahrain.
Đến nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo ghi nhận 1.154 ca mắc, 434 tử vong tại 26 nước. Trong đó 85% số ca mắc tập trung tại 9 nước vùng Trung Đông (Arab Saudi, Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Oman, Yemen, Kuwait, Lebenon, Jordan và Iran). Châu Âu có 9 quốc gia (Anh, Pháp, Đức, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Hà Lan, Italy, Áo, Thổ Nhĩ Kỳ). Châu Mỹ có một quốc gia là Mỹ. Châu Phi có 3 quốc gia (Ai Cập, Tunisia và Algeria). Châu Á có 4 quốc gia (Malaysia, Philippines, Hàn Quốc, Trung Quốc).
Để chủ động phòng chống dịch bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp sau:
- Hạn chế đi tới các quốc gia đang có dịch bệnh tại khu vực Trung Đông khi không cần thiết. Trước khi đi du lịch cần tìm hiểu các thông tin tình hình dịch bệnh tại nơi đến để chủ động có các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho bản thân.
- Giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng.
- Cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.
- Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính; khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc.
- Tránh tiếp xúc với động vật, vật nuôi, nếu đã tiếp xúc phải rửa tay bằng xà phòng.
- Những người trở về từ khu vực Trung Đông, trong vòng 14 ngày nếu có dấu hiệu của viêm đường hô hấp cấp như sốt trên 38°C, ho, khó thở hoặc có tiếp xúc gần với người có dấu hiệu như trên, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, kiểm tra, xét nghiệm Mers-Cov.