Cẩn trọng với muôn kiểu săn tour giá rẻ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Săn tour giá rẻ, “chốt deal nửa giá”… là những “bẫy” du lịch tràn lan trên các trang website bán tour thiếu uy tín. Không chỉ “bẫy” giá rẻ, ngay cả với những dịch vụ du lịch cao cấp, khách du lịch cũng rất dễ rơi vào chiêu trò của những kẻ lừa đảo.
 Khách mua tour cao cấp cũng cũng là “con mồi” cho đối tượng lừa đảo.
Khách mua tour cao cấp cũng cũng là “con mồi” cho đối tượng lừa đảo.

Chiêu thức cũ

Xuân An (27 tuổi, Bắc Từ Liêm) suýt trở thành “con mồi” cho “chiếc bẫy” combo giá rẻ. Cụ thể, vị khách này dự định mua combo Phú Quốc có giá 4 triệu đồng vào dịp lễ 30/4. Người bán quảng cáo combo này bao gồm vé máy bay khứ hồi, 3 đêm ở khách sạn 5 sao. Kiểm tra thấy vé máy bay đi Phú Quốc dịp lễ rẻ nhất cũng đã có giá 3,5 triệu đồng, Xuân An đặt câu hỏi với người bán thì chỉ nhận được lời giải thích quanh co rồi nhanh chóng bị block. Sau đó cô mới biết người kia chỉ dùng tài khoản ảo và đã lừa đảo không ít người nhẹ dạ.

Trên các hội nhóm review về du lịch đồng loạt xuất hiện nhiều bài đăng quảng cáo các combo du lịch, tour trải nghiệm với giá “siêu hời”. Đa phần các bài đăng hướng đến những địa điểm du lịch nổi tiếng như Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang… Theo lời quảng cáo, chỉ với mức giá từ 3 - 4 triệu đồng, du khách đã có thể sở hữu những combo du lịch với rất nhiều tiện ích như: Lưu trú tại các khách sạn, resort từ 3 sao trở lên với bữa sáng miễn phí, view gần biển, miễn phí vé vui chơi… Thậm chí, với mức giá này, một số bài đăng sẵn sàng “nổ” trong combo đã bao gồm luôn vé máy bay khứ hồi kèm hành lý ký gửi. Phía dưới những bài đăng này luôn kèm theo số điện thoại để du khách có thể dễ dàng liên hệ.

Chị Trần Thị Chi Linh (26 tuổi, nhân viên văn phòng tại Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Mình và người yêu có ý định du lịch Phú Quốc nên đã tham gia vào các hội nhóm review du lịch tại đây. Tuy nhiên, bài review thì ít mà mấy bài quảng cáo tour du lịch thì nhiều. Đa phần đều là những combo có giá rẻ hơn rất nhiều so với những người đã du lịch review lại nên mình chỉ lướt qua, không tham khảo”.

Không chỉ tour giá rẻ, những tour cao cấp có giá từ chục triệu đồng đến hàng trăm triệu cũng được những kẻ lừa đảo sử dụng chiêu thức tinh vi để lợi dụng khách hàng. Anh T.C.D (ngụ TP HCM) bị lừa đảo đến 104 triệu đồng. Theo anh D., những lần trước, anh đặt vé máy bay từ một người quen trên mạng và mọi chuyện đều diễn ra thành công. Nhưng vào giữa tháng 7/2022, sau khi đặt vé, người quen trên yêu cầu anh D. chuyển 104 triệu đồng đặt cọc, thanh toán 2 vé máy bay khứ hồi cho chuyến Việt Nam - Ukraine, vì tin tưởng nên anh D. đã chuyển tiền. Thế nhưng, ác mộng của anh D. bắt đầu từ đây.

Đến ngày đi tour, anh D. cùng đồng nghiệp đóng hành lý, bắt xe ra sân bay, chờ đến giờ khởi hành. Tuy nhiên, đến giờ bay, anh D. không nhận được vé, liên lạc thì người này viện lý do chuyến bay bị dời đến ngày 19/7. Hai ngày sau, anh D. cùng đồng nghiệp tiếp tục tay xách nách mang hành lý ra sân bay ngồi chờ nhiều giờ đồng hồ, nhưng cũng không có vé… “Đến lần thứ 3, tôi bảo thôi chị làm thế này thì em không làm việc tiếp, mong chị trả lại tiền cho em. Xong chị ấy hứa sẽ trả, nhưng tôi gọi mãi thì không được”, anh D. bức xúc.

Chị H. (SN 1973, ở Đống Đa) cũng là nạn nhân của tour du lịch cao cấp. Chị H. liên hệ với một đối tượng thường xuyên đăng bài bán tour du lịch nước ngoài để đặt tour du lịch Hà Nội - Bắc Kinh - Thượng Hải, thời gian 5 ngày, 4 đêm. Đối tượng nói có thể ghép tour cho nhà chị H. với giá hơn 16 triệu đồng/người, tổng giá trị là hơn 84 triệu đồng, đồng thời cam kết sẽ hoàn trả lại 25% giá trị tour sau khi chị H. tham gia tour du lịch về. Tin tưởng đối tượng, chị H. giao cho đối tượng hơn 84 triệu đồng và được nhận lại phiếu thu có dấu của Công ty mà đối tượng này đại diện. Sau đó gần 3 tháng, đối tượng trên đã nói với chị H., tour du lịch đã bị hủy do sai sót của công ty tổ chức du lịch và sẽ ghép đoàn cho gia đình chị H. vào tour của công ty khác. Chị H. không đồng ý, đòi lại tiền thì bị khất lần không trả.

Nhiều trường hợp khách hàng đăng ký tour du lịch Nga - Bắc Âu với chi phí gần 342 triệu đồng, theo lời của đối tượng đăng bán tour là chi phí chứng minh tài chính, chuẩn bị thủ tục xin visa. Nhưng sau đó, nhóm khách phát hiện đã bị lừa và không nhận được visa du lịch, lúc đòi lại tiền gần như không liên lạc được với đối tượng bán tour.

Cẩn trọng khi mua tour du lịch

Nhiều hướng dẫn viên trong quá trình dẫn tour đã từng gặp rất nhiều khách hàng mua combo du lịch giá rẻ trên mạng xã hội, đổi lại là những trải nghiệm du lịch rất tệ. Có trường hợp khi đến khách sạn làm thủ tục nhận phòng thì chỉ biết tên người bán combo để báo cho khách sạn chứ không có giấy tờ gì căn cứ. Cũng có du khách khi nhận phòng tại khách sạn mới thấy phòng không được như quảng cáo, xa khu du lịch, phòng chất lượng thấp,… Do đó, hướng dẫn viên du lịch khuyến cáo, khách hàng cần tỉnh táo trong việc đặt tour, ký kết hợp đồng du lịch với việc xem xét rõ ràng các điều khoản, tránh để tình trạng phát sinh các khoản phí không mong muốn. Điều này không chỉ giúp khách hành yên tâm hơn mà còn là căn cứ pháp lý nếu tour du lịch không đáp ứng các yêu cầu trong hợp đồng.

Cẩn trọng khi mua tour trực tuyến.

Cẩn trọng khi mua tour trực tuyến.

Làm công việc hướng dẫn viên du lịch nhiều năm nay, chị Trần Thị Thảo Hương (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên ngành du lịch gần như đóng băng trong suốt 2 năm qua. Đến nay khi đã trở lại bình thường mới, với những chính sách kích cầu du lịch và trong đợt cao điểm hè nên du lịch đã trở lại nhộn nhịp. “Tuy nhiên, không phải vì thế mà giá tour du lịch giảm sốc như quảng cáo trên mạng xã hội được. Đó chỉ là chiêu trò của những đối tượng cò mồi hoặc các công ty du lịch ma”, chị Hương khẳng định.

Cũng từng có kinh nghiệm dẫn tour nhiều năm trong một công ty du lịch lữ hành có tiếng tại Hà Nội, anh Kiều Văn Tuấn cho biết: “Trên mạng xã hội hiện đang rộ lên những thông tin bán combo theo mô hình: Xe + phòng với giá rẻ, được rao bán tràn lan. Thực ra, đúng là có những dịp kích cầu của các nhà cung cấp dịch vụ du lịch với giá tốt để thu hút khách du lịch nhưng cũng không có giá rẻ như hiện nay”.

Là nhân viên kinh doanh của một công ty du lịch với thâm niên 3 năm trong nghề, anh Trịnh Ngọc Dương đã có những chia sẻ chi tiết giúp phát hiện dấu hiệu lừa đảo khi mua voucher, tour du lịch trong giai đoạn cao điểm này. Kiểm tra độ uy tín của người bán trên các hội nhóm du lịch mà bạn đã đăng bài tìm combo, voucher là bước đầu tiên. Bước này cực kỳ quan trọng, vì đa số các nick lừa đảo sợ điều này nhất vì gần như không thể lọt qua hàng trăm người bán trên hội được.

Tiếp theo cần kiểm tra trang Facebook cá nhân xem người bán có đăng những bài viết về cuộc sống hàng ngày hay không. Nếu là Facebook thật thì phải có bạn bè vào tương tác, trò chuyện. Rất hiếm khi chỉ đăng 100% toàn bài du lịch được. Kiểm tra trên hội xem người đó có đăng bài bán hàng bao giờ không, vì những ai đăng kí bán hàng thường sẽ phải hỏi qua admin, hoặc ít nhất admin cũng có duyệt bài.

Đa số kẻ lừa đảo không đăng bài trên group, chỉ rình bài nào khách hỏi mua rồi nhắn tin riêng. Việc gửi mã vé máy bay, mã đặt phòng chỉ là mã đặt giữ chỗ, chưa có xác nhận đã thanh toán, hết thời gian giữ chỗ, mã đó sẽ tự huỷ, hoặc đặt trên các ứng dụng đặt phòng, họ chỉ gửi xác nhận tạm thời. Nên việc gửi mã đặt chỗ này không có ý nghĩa về mặt xác thực uy tín. Vé máy bay khi xuất rồi nếu khách chưa cảm thấy yên tâm thì có thể gọi điện trực tiếp lên tổng đài của hãng để kiểm tra.

Đọc thêm