Cẩn trọng với những bất thường về xương khớp ở trẻ nhỏ

Có một đôi chân lành lặn là ước nguyện cháy bỏng của những bệnh nhân (BN) chẳng may mắc phải dị tật về xương khớp (đặc biệt là các khớp liên quan đến bàn chân) đang điều trị (ĐT) tại Bệnh viện Nhi TƯ…

Có một đôi chân lành lặn là ước nguyện cháy bỏng của những bệnh nhân (BN) chẳng may mắc phải dị tật về xương khớp (đặc biệt là các khớp liên quan đến bàn chân) đang điều trị (ĐT) tại Bệnh viện Nhi TƯ…

Nỗi đau trên những đôi chân dị dạng…

Trong số các BN đang được can thiệp Khoa Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng, Bệnh viện Nhi TƯ thì BN bị dị tật bàn chân khoèo chiếm tỷ lệ nhiều hơn cả. Cháu Đào Thu Phương 2,5 tháng tuổi ở Thường Tín, Hà Nội bị bàn chân khoèo bên trái. Mẹ cháu biết dị tật này qua siêu âm thai vì thế nên cháu mới được đưa đi khám và ĐT sớm.

Theo Bác sĩ khám cho biết, bàn chân của cháu khoèo tới 90 độ đến mức bàn chân chạm vào cẳng chân nhìn rất đáng thương. Qua 5 lần bó bột, độ khoèo của bàn chân bé Phương đã giảm xuống còn 35 độ. Hiện cháu vẫn đang được tiếp tục ĐT với hy vọng có được đôi bàn chân lành lặn.

Một trường hợp đang được can thiệp ở bệnh viện Nhi
Một bệnh nhân đang được điều trị ở bệnh viện Nhi

Giường bên cạnh, chị Nguyễn Thị Hoa (quê Thường Tín, Hà Nội) cũng buồn bã cho hay, cháu Nguyễn Hà Thu 18 tháng tuổi, con chị bị dị tật chân đi vòng kiềng (chữ O) ngay từ khi mới sinh ra. Đến 11 tháng cháu biết đi thì chân càng khuỳnh ra một cách lạ thường, khiến cháu di chuyển ngày càng khó khăn hơn.

Không chỉ buồn vì đôi chân tật nguyền làm hỏng vóc dáng của con mình, vợ chồng chị Hoa còn mất ăn, mất ngủ vì lo sợ con mình không thể đi lại bình thường được…

BS Trịnh Quang Dũng, Trưởng khoa Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng, Bệnh viện Nhi TƯ cho biết: Lượng BN đến khám và ĐT tại bệnh viện ngày càng tăng theo thời gian và số BN có nhu cầu can thiệp về các bệnh lý xương khớp cũng tăng lên một cách chóng mặt.

Cũng theo BS Dũng, các dị tật về xương khớp bẩm sinh thường gặp nhất ở trẻ là bàn chân khoèo, vẹo cổ, trật khớp háng, cong vẹo cột sống…

Kết quả điều trị tuỳ thuộc vào mức độ tổn thương và giai đoạn can thiệp. Nếu những tổn thương ở mức độ nhẹ và được can thiệp sớm thì kết quả mang lại có thể lên tới hơn 90%.

Ví dụ, bàn chân khoèo kết quả thành công lên tới 95 -96%. Thời gian vàng để tiến hành can thiệp bàn chân khoèo là dưới 6 tháng tuổi, bàn chân chữ X, O là dưới 18 tháng tuổi.

BS Dũng cho hay, thực tế đáng buồn là đa số các BN đều đến viện trong tình trạng đã quá muộn nên việc can thiệp rất khó khăn. Thông thường, nếu được can thiệp phục hồi chức năng sớm, khả năng phục hồi của trẻ rất cao, chi phí chỉ khoảng 5-6 triệu đồng/ca, nhưng thực tế trẻ bị dị dạng xương khớp thường đến khám và ĐT quá muộn. Vì thế, có trường hợp vừa phẫu thuật và điều trị mất gần 200 triệu đồng, mà khả năng phục hồi vẫn không đáng kể.

Thậm chí, BS Dũng buồn rầu  cho biết, có bệnh nhi ở Nam Định bị dị tật chân từ nhỏ mà đến tận gần 1 tuổi gia đình mới đưa bé đi khám và can thiệp. Vì đến viện quá muộn và bị đa dị tật (cứng đa khớp, cong vẹo cột sống cổ, khoèo bàn chân…), bé đã tử vong, trong khi đó nếu đến trước 6 tháng tình trạng của BN hoàn toàn có thể giải quyết được.

Can thiệp sớm vẫn là giải pháp số 1

BS Trịnh Quang Dũng cho biết, các dị dạng bẩm sinh trên là do có sự rối loạn bất thường về cấu trúc khi đứa trẻ còn ở trong bào thai. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra trong quá trình này như tình trạng bệnh lý nhiễm trùng, do sang chấn trong thời kỳ mang thai, do môi trường sống tiếp xúc nhiều với hóa chất độc hại…

Qua một vài nghiên cứu ở những vùng chịu tác động của dioxin cho thấy tỷ lệ trẻ mắc các dị tật về xương khớp cao hơn. Nếu không được phát hiện, quản lý, theo dõi ĐT thường để lại những di chứng nặng nề như biến dạng lồng ngực, biến dạng cột sống, biến dạng chân… dẫn đến trẻ phát triển không đầy đủ về thể chất, gày gò, ốm yếu với lồng ngực biến dạng rất xấu về mặt hình thể và không đảm bảo được chức năng (đặc biệt ở phụ nữ), đó là chức năng làm mẹ, làm vợ.

BS Dũng nhấn mạnh đối với các dị tật xương khớp bẩm sinh, ngoài việc dự phòng, điều quan trọng số 1 vẫn là phát hiện sớm và can thiệp kịp thời.

Trước kia với quan niệm để trẻ lớn lên cho cứng cáp mới đi can thiệp là hết sức sai lầm. Lúc đó xương của trẻ trở nên cứng hơn, gân, cơ, dây chằng chắc hơn thì việc nắn chỉnh các biến dạng này sẽ càng trở nên khó khăn hơn.

Điều đáng mừng là trong vòng 5 năm trở lại đây ở nước ta đã hình thành các bệnh viện nhi và sản nhi ở tuyến tỉnh cũng đã giải quyết được phần nào số lượng BN bị các dị tật này ngay ở tuyến cơ sở.

Nhưng, theo BS Dũng, để phát hiện sớm cần phải đào tạo bài bản, đồng bộ cho nữ hộ sinh và chuyên khoa nhi các  tuyến (từ tỉnh đến xã) về cách đánh giá, phát hiện các dị tật bẩm sinh ngay sau khi sinh, cần có có quy trình, thang sàng lọc, phương pháp can thiệp và đánh giá sau can thiệp thống nhất, đồng bộ trong toàn quốc. Khi thấy có sự bất thường về hình thể, cấu trúc, chức năng ở trẻ đều cần được đưa đi đánh giá để được can thiệp kịp thời.

Trà Long