Theo Thạc sĩ, BS Nguyễn Phương Anh (Trưởng bộ môn phục hình, chỉnh hình, khoa Răng hàm mặt, trường Đại học Y Dược Hải Phòng), với những người có hàm răng chen chúc, vẩu, móm, nên niềng răng.
Niềng răng, tức chỉnh nha, là một thuật ngữ được sử dụng trong nha khoa, là phương pháp sử dụng các khí cụ nha khoa để sắp xếp lại các răng mọc lệch lạc, hô, móm, thưa nhằm mang lại vẻ đẹp thẩm mĩ.
Theo thạc sĩ, BS Nguyễn Phương Anh, độ tuổi niềng răng thích hợp khoảng 10 tuổi. Nếu trẻ bị móm hoặc gia đình có yếu tố di truyền móm, răng ngầm thì nên nắn chỉnh răng từ khi trẻ 5 - 7 tuổi.
Bởi răng mọc lộn xộn thường kéo theo nhiều bệnh lý như: Sâu răng, viêm lợi, sang chấn lợi, niêm mạc miệng, răng cắn chéo nghiêng dần sau đó rụng.
Ngoài ra việc răng mọc lộn xộn sẽ khiến khuôn mặt thay đổi, ảnh hưởng đến khớp thái dương hàm, ảnh hưởng đường thở. Khuyến cáo mọi người không nên niềng răng khi quá 20 tuổi.
Ở độ tuổi này hệ xương đã cứng, răng đạt tuổi trưởng thành và hình thành đủ chân răng, nên những tác động vào răng không đem lại hiệu quả như mong muốn.
“Niềng răng là kỹ thuật khó, đòi hỏi điều trị thời gian dài, vì vậy bệnh nhân không nên sốt ruột, tự ý chỉnh răng theo ý thích, cần hợp tác với bác sĩ trong suốt quá trình điều trị”, BS Phương Anh khuyến cáo. Nếu niềng răng không đúng cách sẽ gây ra những tác dụng phụ như: Di chuyển một chiếc răng quá xa, xương răng cứng, thời gian điều trị quá lâu gây tiêu chân răng.
Quá trình niềng răng, bệnh nhân lưu ý phải tái khám đúng chu kì. Những móc cài, dây niềng, lò xo, các sợi chun cao su có thể giữ thức ăn và mảng bám lại trên răng, dần làm hại men răng và gây viêm lợi nếu thức ăn không được chải sạch.
Những người niềng răng phải đánh răng hết sức cẩn thận, đảm bảo loại sạch thực phẩm mắc kẹt trong niềng răng. Cách vệ sinh răng miệng phải cẩn thận gấp 2-3 lần người bình thường. Ví dụ, người bình thường chỉ cần một loại bàn chải, người niềng răng phải dùng nhiều loại bàn chải khác nhau, mỗi khi ăn xong phải đánh răng sạch sẽ.
Chế độ ăn và cách ăn của người niềng răng cũng rất nghiêm ngặt: Không cắn trực tiếp lên trái cây mà phải cắt thành những miếng nhỏ, chỉ ăn thức ăn mềm, không ăn thực phẩm dính như bánh dẻo, kẹo dừa, kẹo dẻo; cần tránh đồ ăn ngọt, nước uống có ga, các thức ăn có đường và nhiều tinh bột vì những loại thức ăn này dễ gây sâu răng và phát triển bệnh về lợi.
Nha sĩ tư vấn niềng và phòng tránh sâu răng./.