Cẩn trọng với tội phạm lừa đảo mua bán nông sản

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Thời gian gần đây, vì nhẹ dạ cả tin mà một số người trở thành nạn nhân của trò lừa đảo mua bán nông sản trên mạng xã hội.
Hình minh họa.
Hình minh họa.

Mới đây nhất, Công an huyện Phù Yên (Sơn La) đã bắt đối tượng Hà Đình Hào (SN 1998, ngụ huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) để điều tra hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Trước đó, do biết người dân địa bàn xã Mường Do, huyện Phù Yên đang vào mùa thu hoạch và bán số lượng lớn mặt hàng nông sản là củ gừng tươi; có nhiều gia đình và thương lái thu gom; nên Hào đã sử dụng thông tin và hình ảnh đăng tải trên tài khoản mạng xã hội cá nhân để thu hút sự chú ý. Sau khi có người hỏi mua, Hào thoả thuận giá và lừa đặt tiền cọc qua tài khoản ngân hàng.

Một người đàn ông SN 1983 (ngụ thị trấn Phong Hải, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) đã bị Hào yêu cầu chuyển khoản đặt tiền cọc 35 triệu đồng và hẹn ngày, địa chỉ đến nhận hàng. Đến ngày hẹn, người mua phát hiện đã bị lừa, bị chặn liên lạc. Khi bị bắt, Hào khai nhận hành vi.

Tương tự, đối tượng Nguyễn Thế Trung (SN 1983, ngụ tổ 54, phường Kim Tân, TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai) cũng mới bị Công an huyện Yên Châu (Sơn La) bắt giữ.

Thiếu tá Đào Duy Huấn, Đội trưởng Đội hình sự - kinh tế - ma túy Công an huyện Yên Châu, cho hay, cuối năm 2022, Trung hành nghề trung gian bán nông sản là ngô hạt, nên nắm được thông tin ông Phí Văn Sáu, sống ở nước ngoài, có ngô hạt vận chuyển từ Lào về Việt Nam tiêu thụ. Trung gọi điện thoại cho ông Sáu, giới thiệu tên là Hùng, khi có ngô bán thì Trung thỏa thuận mức giá 8.750đ/1kg.

Sau đó, Trung thỏa thuận bán lại cho cơ sở của chị Bùi Vân Anh (tiểu khu 1, thị trấn Yên Châu) với giá 8.150đ/1kg. Chị Vân Anh đã chuyển 300 triệu đồng tiền cọc đến số tài khoản mang tên Hoàng Thị Thu Giang theo đúng yêu cầu. Trung gọi điện cho chị Giang, đề nghị trừ số tiền đang nợ chị Giang, còn lại chuyển lại vào tài khoản của Trung. Sau đó Trung bắt taxi đến bản Phủ, xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên rút tiền trong tài khoản rồi đến nhà em trai ở xã huyện Mường Nhé (Điện Biên) và tắt điện thoại. Nhận thấy có dấu hiệu bị lừa đảo, các nạn nhân viết đơn trình báo công an.

Thiếu tá Huấn cho biết, kiểm tra xác minh sơ bộ, xác định đây là vụ án có tính chất nghiêm trọng, số tiền bị chiếm đoạt lớn, thủ đoạn của đối tượng tinh vi, cố tình che giấu nhân thân, lai lịch… nên nhanh chóng vào cuộc điều tra. Dù bị hại và những người liên quan chưa từng gặp đối tượng và việc giao dịch chỉ thông qua điện thoại, thông tin về đối tượng hầu như không có; nghi phạm sau khi chiếm đoạt được tiền đã tắt liên lạc và lẩn trốn, nhưng công an đã phát hiện bắt giữ Trung.

Trung khai do lười lao động lại cần tiền tiêu xài, nên nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản từ việc liên hệ với người bán nông sản, môi giới đi bán với giá cao, rồi liên hệ các cơ sở thu mua nông sản dọc QL6 bán với mức giá thấp hơn thị trường để chiếm đoạt tiền cọc từ các cơ sở mua nông sản.

Theo cơ quan công an, trong thời gian tới, sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật tới người dân về phương thức, thủ đoạn hoạt động của một số loại tội phạm mới để người dân nâng cao cảnh giác. Người dân cần tỉnh táo trước những thủ đoạn của các đối tượng, không đặt mua hàng hóa, giao dịch tài sản qua mạng xã hội khi chưa biết thông tin chính xác cụ thể.

Đọc thêm