Cần tự giác, chủ động hơn trong việc học

(PLVN) - Với chương trình tinh giản mà Bộ GD-ĐT công bố, theo các thầy cô, học sinh cần tự giác, chủ động hơn trong việc học của mình. Những nội dung mà thầy cô giảm tải không dạy như chương trình chính khóa không có nghĩa là các em không cần học và lược hoàn toàn ra khỏi chương trình học của mình…
Hình minh họa.

Bản thân học sinh cần phải tự xây dựng cho mình một kế hoạch học tập hợp lí, làm sao tự học được toàn bộ kiến thức. Trẻ có thể tham khảo các chương trình học qua truyền hình, học trực tuyến và vẫn phải tự bản thân thực hành lại thông qua việc hoàn thành các bài tập để bù đắp cho các tiết luyện tập và luyện tập chung.

Vậy các em có cần điều chỉnh thời gian và cách học không? Câu trả lời là không cần điều chỉnh nhiều về thời gian học nhưng cần điều chỉnh về cách học, phương pháp, nền nếp học tập.

Cùng với kỳ thi cuối cấp đã gần kề, mọi sự tập trung đều dồn vào các em học sinh  lớp 9,  trong đó, đối với môn Tiếng Anh cũng được quan tâm rất nhiều.

Nhưng các em cũng cần hiểu rõ, đề thi tiếng Anh vào 10 sẽ tổng hợp các kiến thức chương trình cho toàn khối THCS chứ không chỉ tập trung vào khối lớp 9. Do đó, việc giảm tải của Bộ GD-ĐT cũng không ảnh hưởng nhiều tới những nội dung các em cần nắm vững cho kỳ thi.

Do đó, việc điều chỉnh nội dung này gần như không thay đổi quá lớn nên lộ trình ôn của các bạn học sinh lớp 9 cũng không thay đổi nhiều, chỉ cần điều chỉnh lại các mốc thời gian theo sự điều chỉnh thời gian năm học, chọn giai đoạn tăng tốc cho phù hợp.

Tư vấn lộ trình học, các lưu ý cho học sinh trong thời gian học kì II và ôn thi vào 10, nhất là với các phần tự học, thầy Hồng Trí Quang, giáo viên Toán tại Học Mãi cho biết, phần tự học có hướng dẫn thuộc hai loại là: Kiến thức đó rất cơ bản, mang tính giới thiệu nên để học sinh tự đọc; kiến thức đó không quá cần thiết để tiếp thu bài học sau hoặc năm học sau.

Do đó, mặc dù thời gian học ở lớp bị rút ngắn, kiến thức có được giảm đi nhưng để đạt được kết quả tốt thì chúng ta cần tăng cường khả năng tự học để đảm bảo đủ lượng kiến thức.

Sau giai đoạn dịch này, những học sinh nào biết tận dụng thời gian học hiệu quả hơn thì chắc chắn kết quả học sẽ tốt hơn.

Đối với nội dung tinh giản của các môn học, nhiều giáo viên và chuyên gia nhận định, các môn học từ lớp 1 đến lớp 12 đều tinh giản trên nguyên tắc đảm bảo mục tiêu giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông và sự liên tục có tính logic của mạch kiến thức thống nhất giữa các khối lớp trong cùng môn học. Đồng thời tạo thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện tại các cơ sở giáo dục.

Theo thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên Toán, Trường THPT Lương Thế Vinh, một điểm đáng chú ý trong hướng dẫn tinh giản nội dung chương trình đó là Bộ GD-ĐT yêu cầu không kiểm tra, đánh giá đối với những nội dung kiến thức đã tinh giản và các nội dung “Không dạy”, “Không làm”, “Không thực hiện”, “Khuyến khích học sinh tự học (tự đọc, tự xem, tự làm, tự thực hiện)”.

Tuy vậy, một số ý kiến cũng cho rằng, hiện dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, chưa biết khi nào học sinh mới đi học trở lại, nên Bộ GD-ĐT cần mạnh dạn cắt giảm nội dung của học kỳ 2 nhiều hơn nữa để đảm bảo hoàn thành chương trình theo kế hoạch năm học. 

Đọc thêm