Trong đó, đáng chú ý một số bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương đã quan tâm chỉ đạo tổ chức pháp chế kịp thời phát hiện, ngăn chặn những sai sót ngay từ khâu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) thông qua việc góp ý, thẩm định, kiểm soát thủ tục hành chính các dự thảo văn bản, tự kiểm tra văn bản.
Tập trung những vấn đề dư luận quan tâm
Bộ Tư pháp cho biết, năm 2016, các bộ, cơ quan ngang bộ (bao gồm cả Bộ Tư pháp) và địa phương đã kiểm tra theo thẩm quyền đối với 49.512 văn bản; trong đó, các bộ, cơ quan ngang bộ kiểm tra được 6.990 văn bản (trong đó có 6.249 VBQPPL), các địa phương kiểm tra được 42.522 văn bản (trong đó có 31.179 VBQPPL).
Qua công tác kiểm tra văn bản theo thẩm quyền, các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương đã phát hiện 776 VBQPPL trái pháp luật về thẩm quyền ban hành và nội dung; ngoài ra có 4.402 VBQPPL sai sót về căn cứ pháp lý, thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản; 525 văn bản không phải là VBQPPL nhưng có chứa QPPL.
Trên cơ sở các văn bản đã phát hiện có dấu hiệu vi phạm các điều kiện về tính hợp pháp nêu trên, cơ quan kiểm tra văn bản đã tiến hành phân loại và tùy vào mức độ vi phạm của văn bản để tiến hành xử lý văn bản đó theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.
Cũng trong năm 2016, trên cơ sở các VBQPPL do các cơ quan cấp bộ và địa phương ban hành gửi đến để kiểm tra theo thẩm quyền và từ các nguồn thông tin do công dân, cơ quan, tổ chức, báo chí phản ánh, Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp) đã tiến hành kiểm tra 3.034 văn bản (gồm 790 văn bản của bộ, cơ quan ngang bộ và 2.244 văn bản của địa phương), phát hiện 124 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền, hiệu lực, hình thức văn bản; 681 văn bản sai sót về thể thức, kỹ thuật trình bày.
Cục Kiểm tra VBQPPL đã ra Thông báo/Kết luận kiểm tra để kiến nghị xử lý đối với 124 văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền, hiệu lực, hình thức văn bản. Đến nay, có 94 văn bản đã được xử lý hoặc có hướng xử lý, các văn bản còn lại đang được Bộ Tư pháp tích cực theo dõi, đôn đốc cơ quan ban hành xử lý theo quy định của pháp luật. Đối với những văn bản sai sót về thể thức, kỹ thuật, thông qua các cuộc họp, hội nghị tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ, Bộ Tư pháp đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương chấn chỉnh, rút kinh nghiệm.
Bộ Tư pháp đánh giá trong công tác kiểm tra VBQPPL, nhìn chung, các cơ quan cấp bộ và UBND cấp tỉnh đã thực hiện đồng bộ công tác tự kiểm tra và kiểm tra văn bản theo thẩm quyền, tập trung vào các lĩnh vực ban hành nhiều văn bản mới, những vấn đề kinh tế - xã hội được dư luận xã hội quan tâm; nhiều cơ quan đã chú trọng việc kiểm tra, rà soát văn bản theo chuyên đề, lĩnh vực, địa bàn, do đó đã phát hiện được nhiều hơn các văn bản trái pháp luật.
Quan tâm kiện toàn đội ngũ
Kết quả công tác kiểm tra văn bản nêu trên cùng với kết quả rà soát VBQPPL của Bộ Tư pháp trong năm 2016, đặc biệt là thực hiện rà soát nhiều chuyên đề có ý nghĩa quan trọng liên quan đến quy định đầu tư, kinh doanh đã góp phần tích cực đáp ứng chủ trương của Chính phủ về cải thiện, tạo sự thông thoáng về môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Tuy nhiên, công tác kiểm tra văn bản cũng còn những hạn chế nhất định, trong đó nhiều văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền đã được Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp) ra Thông báo/Kết luận kiểm tra văn bản và đôn đốc xử lý nhưng vẫn chưa được cơ quan, người ban hành văn bản tại các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương tiến hành xử lý hoặc xử lý chưa triệt để. Việc khắc phục hậu quả của văn bản trái pháp luật theo quy định là vấn đề đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Việc xử lý trách nhiệm của cơ quan, người đã ban hành văn bản trái pháp luật chưa được thực hiện nghiệm túc.
Để khắc phục những hạn chế, bất cập, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL trong thời gian tới, Bộ Tư pháp đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương quán triệt Kết luận số 01-KL/TW ngày 04/4/2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; thực hiện nghiêm túc các quy định: Gửi VBQPPL đến cơ quan có thẩm quyền kiểm tra văn bản; xử lý văn bản trái pháp luật; xem xét, xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân trong quá trình tham mưu soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, ban hành văn bản trái pháp luật.
Trong phạm vi thẩm quyền, trách nhiệm được giao, các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh cần quan tâm chỉ đạo, kiện toàn, bố trí biên chế chuyên trách về công tác pháp chế tại các đơn vị chuyên môn; biên chế chuyên trách về kiểm tra, rà soát VBQPPL; kinh phí cho công tác kiểm tra, rà soát văn bản.