Stephanie Carvin - Phó Giáo sư Trường Norman Paterson thuộc Đại học Carleton - cho rằng, các vụ việc trên là sự kiểm nghiệm đối với Canada trong bối cảnh thế giới đang nổi lên làn sóng chống khủng bố, bài Hồi giáo và lo sợ làn sóng người tị nạn.
Cảnh giác
Những sự việc này sẽ khiến nhiều người Canada phải xem xét và đánh giá lại sự hiểu biết của mình về chủ nghĩa bạo lực cực đoan và nguy cơ khủng bố nội địa, nhất là lâu nay ở Canada vẫn tồn tại một số quan điểm nhầm lẫn về vấn đề này.
Trước hết, nhiều người Canada xưa nay luôn cho rằng khủng bố xâm nhập từ bên ngoài lãnh thổ Canada, chứ không phải được nuôi dưỡng từ trong nước. Tất nhiên, cũng có một vài cá nhân đến Canada mang theo tư tưởng cực đoan, nhưng phần lớn những kẻ bạo lực cực đoan ở Canada là cư dân sinh ra tại đây hoặc đến Canada từ khi còn nhỏ (thường dưới 10 tuổi).
Trong 3 vụ tấn công nghiêm trọng nhất tại Canada gần đây có liên quan đến mạng lưới khủng bố al-Qaeda hay tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS), cả 3 thủ phạm chính là Martin Couture-Rouleau, Michael Zehaf-Bibeau và Aaron Driver đều sinh ra ở Canada. Tư tưởng cực đoan của những người này tự phát ở Canada, chứ không phải ở nước ngoài. Hơn nữa, kể từ sau vụ khủng bố 11/9 tại Mỹ, theo ghi nhận của cảnh sát Canada, chưa có một đối tượng bạo lực cực đoan nào nhập cảnh được vào Canada dưới bất kỳ hình thức nào.
Nhầm lẫn thứ hai là quan điểm cho rằng những người nhập cư là mối đe dọa tiềm ẩn đối với an ninh nội địa Canada. Tuy là quốc gia có tỷ lệ người nhập cư tính bình quân dân số thuộc hàng cao nhất thế giới, nhưng Canada có rất ít nghiên cứu về mối quan hệ giữa người nhập cư với tội phạm hoặc bạo lực cực đoan.
Tuy nhiên theo một nghiên cứu của Cơ quan Thống kê Canada năm 2009, những khu phố có tỷ lệ người nhập cư càng cao, tỷ lệ tội phạm ma tuý, bạo lực, trộm cắp càng thấp. Kết luận của nghiên cứu còn nêu rõ: “So sánh giữa hai khu vực có cùng điều kiện tiếp cận với các nguồn lực kinh tế-xã hội, khu vực có tỷ lệ nhập cư cao hơn thường có tỷ lệ tội phạm thấp hơn”.
Cảnh sát Canada điều tra tại hiện vụ tấn công ở Edmonton |
Nhiều người chủ quan
Nhầm lẫn thứ ba, có liên quan đến hai điểm trên, là quan điểm cho rằng ban hành lệnh cấm nhập cư đối với người Hồi giáo sẽ đảm bảo an ninh tốt hơn cho Canada. Trên thực tế, một lệnh cấm như vậy không thể mang lại hiệu quả, vì nếu muốn, những kẻ cố ý hoàn toàn có thể ngụy tạo ra những bộ hồ sơ hoàn hảo để có thể qua mắt các cơ quan xét duyệt. Điểm mấu chốt là Canada không thể áp dụng yếu tố nhân khẩu học để đưa ra lệnh cấm theo kiểu chủ quan duy ý chí.
Nhầm lẫn cuối cùng là suy nghĩ cho rằng khủng bố không phải là mối đe dọa lớn đối với Canada. Thực tế cho thấy số người thiệt mạng vì khủng bố ở Canada thấp hơn nhiều so với các lý do khác, nhưng nếu chỉ nhìn vào con số thống kê thì không thể lường hết bản chất và sự nguy hiểm của chủ nghĩa cực đoan bạo lực, cũng như những tác động có thể gây ra đối với cộng đồng.
Chủ nghĩa khủng bố không chỉ là giết chóc, mà còn là hăm dọa, gieo rắc sợ hãi và gây cảm giác bất an. Các thành phần cực đoan thường nhận tiền từ các tổ chức tôn giáo và nhắm đến đối tượng thanh niên để gieo rắc hận thù. Ngay cả khi họ không trực tiếp tham gia các hành vi bạo lực thì cũng có thể huấn luyện hoặc hỗ trợ những đối tượng khác làm việc này.
Vì vậy, nói rằng chủ nghĩa cực đoan không phải là một vấn đề ở Canada vì có quá ít nạn nhân là một đánh giá thiển cận. Có thể chủ nghĩa khủng bố chưa phải là mối đe dọa lớn nhất với Canada ở thời điểm này, nhưng đây vẫn sẽ là một vấn đề nghiêm trọng liên quan đến yếu tố an ninh mà mọi cơ quan chức năng đều phải nỗ lực giải quyết ngay.../.