Căng băng rôn để “né”phí dịch vụ, hiện tượng ngày càng phổ biến ở các chung cư

(PLVN) - Phí dịch vụ quản lý vận hành chung cư được cho là một trong số những nguyên nhân hàng đầu của các vụ tranh chấp quản lý nhà chung cư hiện nay. Chỉ cần một bất đồng nhỏ về thời điểm tính phí, giá dịch vụ, diện tích thu phí… là cư dân có thể thổi bùng lên thành một cuộc phản đối đình đám với băng rôn, khẩu hiệu đả kích nhằm uy hiếp chủ đầu tư.

Căng băng rôn phản đối phí dịch vụ ở nhiều nơi

Câu chuyện cư dân “đấu tranh” đòi phí dịch vụ như ý muốn không phải là câu chuyện của riêng chủ đầu tư nào. Chỉ tính trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có thể chỉ ra rất nhiều những vụ việc biểu tình, căng băng rôn để phản đối mức phí dịch vụ mà chủ đầu tư đưa ra như: Artemis (Thanh Xuân, Hà Nội), Happy Star Tower (Long Biên, Hà Nội), Imperia Garden (Thanh Xuân, Hà Nội), Thăng Long Victory (Hoài Đức, Hà Nội), Capital Garden (ngõ 102 Trường Chinh, Đống Đa, Hà Nội), Eco Lake View (Hoàng Mai, Hà Nội), The Golden Palm (Thanh Xuân, Hà Nội). Tại TPHCM tình trạng tương tự cũng đã diễn ra tại các chung cư 584 (quận Tân Phú), Hoàng Anh Gia Lai 2 (quận 7)...  

Như tại chung cư Smile Building (Hoàng Mai, Hà Nội), người dân cho rằng mức phí dịch vụ quản lý, vận hành 5.000 đồng mỗi m2 một tháng tại đây là quá cao với chất lượng dịch vụ quản lý "chưa tương xứng". Sau nhiều lần đối thoại nhưng một số cư dân chưa đồng tình, không chịu đóng khoản phí dịch vụ nói trên.   

Đáng nói, trong các vụ phản đối liên quan đến thu phí dịch vụ nói trên, chính cư dân cũng không tìm được tiếng nói chung. Đơn cử như tại một chung cư ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), nhiều cư dân lúc đầu không nộp phí vì cho rằng mức thu cao so với chất lượng dịch vụ. Tuy nhiên, sau khi đơn vị quản lý giảm phí dịch vụ từ 10.000 đồng/m2/tháng xuống 8.000 đồng/m2 thì vẫn còn một số hộ dân không đồng tình và tiến hành căng băng rôn phản đối.

Cá biệt, tại dự án Goldsilk Complex (Hà Đông, Hà Nội), mặc dù mức phí dịch vụ đã được đại diện cư dân, Ban quản trị tòa nhà và đại diện đơn vị quản lý vận hành thống nhất thông qua hàng loạt biên bản làm việc, và vẫn nằm trong mức phí như đã đề xuất trong hợp đồng mua bán, thế nhưng, đến thời điểm thu phí một bộ phận cư dân lại cố tình trì hoãn vì những lý do như chất lượng dịch vụ chưa tương xứng với giá tiền hay mức phí dịch vụ cao hơn nhiều so với các khu chung cư trong cùng khu vực. Sau một thời gian dài cung cấp dịch vụ mà không thể thu về chi phí quản lý, đơn vị quản lý vận hành buộc phải áp dụng các biện pháp mạnh tay hơn với những cư dân không có thiện chí, thì ngay lập tức, nhóm cư dân này tiến hành căng băng rôn và phản đối quyết liệt nhằm gây sức ép với đơn vị vận hành. Được biết, trước phản ứng thái quá và thái độ chây ì không đóng phí quản lý của cư dân, đơn vị vận hành đã quyết định ra thông báo chỉ duy trì mức dịch vụ tối thiểu tương ứng với giá dịch vụ cư dân đã đóng và xin rút khỏi dự án vì không đủ kinh phí vận hành. 

Vì đâu nên nỗi?

Lý giải cho những mâu thuẫn không hồi kết giữa chủ đầu tư và cư dân, một chuyên gia trong lĩnh vực quản lý vận hành bất động sản cho rằng nguyên nhân chính nằm ở việc phần lớn người dân quen sống ở nhà phố nên tâm lý khó chấp nhận những khoản phí dịch vụ mà chỉ ở nhà chung cư mới có. Cũng theo vị chuyên gia này, việc người dân có tâm lý so sánh phí dịch vụ giữa chung cư nơi mình sinh sống và các chung cư khác trong cùng một khu vực là mang tính chủ quan và không hợp lý, bởi tùy vào quy mô, tính chất, các dịch vụ tiện ích đi kèm... mà mức phí quản lý dịch vụ ở mỗi khu chung cư là khác nhau.

Ví dụ đơn giản, một dự án có bể bơi, phòng tập gym, điều hòa ở thang máy hoặc hành lang, lễ tân và bảo vệ trực 24/7 ngay dưới sảnh tòa nhà sẽ có mức phí dịch vụ khác với dự án không có những yếu tố này. Mặt khác, các dự án chung cư càng ít căn hộ càng khó vận hành bởi các hạng mục của dự án vẫn phải được đảm bảo đầy đủ các khâu như bảo vệ, vệ sinh và lễ tân; trong khi đó, số căn hộ ít sẽ khiến giá dịch vụ bị đội lên cao hơn so với các dự án có quy mô lớn.

Chính vì vậy, những so sánh, cảm nhận mang tính chủ quan như trên sẽ khiến cho cư dân không đánh giá đúng về mức phí dịch vụ nơi mình đang sống, từ đó dẫn tới những mâu thuẫn với chủ đầu tư hoặc đơn vị quản lý vận hành. 

Căng băng rôn là “hạ sách”

Để đảm bảo hoạt động của các khu chung cư, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 02 về quy chế quản lý, sử dụng chung cư. Theo đó, Thông tư 02 quy định rõ quyền và trách nhiệm của mỗi bên. Đối với cư dân, Điều 39 Thông tư 02 quy định chủ sở hữu nhà chung cư có trách nhiệm “Đóng góp đầy đủ, đúng thời hạn kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư, kinh phí bảo trì phần sở hữu chung và các chi phí, lệ phí khác theo quy định của pháp luật hoặc theo thỏa thuận với nhà cung cấp dịch vụ”.

Đối với chủ đầu tư, đơn vị cung cấp dịch vụ, trường hợp chủ sở hữu, người sử dụng không đóng góp khoản kinh phí này thìĐược tạm ngừng cung cấp các dịch vụ hoặc đề nghị đơn vị cung cấp điện, nước, năng lượng... cho nhà chung cư tạm ngừng cung cấp các dịch vụ này trong trường hợp chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư đã được thông báo bằng văn bản đến lần thứ hai yêu cầu nộp kinh phí quản lý vận hành và kinh phí khác do Bên B thu nhưng vẫn không nộp các kinh phí này (theo Điểm đ, khoản 1, Điều 6, Phụ lục 02, Thông tư 02).

Theo một chuyên gia về giao dịch bất động sản, việc người dân không tuân thủ quy định và có những hình thức phản ứng tiêu cực bằng việc căng băng rôn hay biểu tình diễu hành, ngoài việc gây xung đột mâu thuẫn giữa CĐT và cư dân, còn ảnh hưởng tới tình hình an ninh, trật tự xã hội và thậm chí chính những cư dân tham gia biểu tình cũng đón nhận những thiệt đơn thiệt kép từ cách hành xử này.

Thứ nhất, cư dân không đóng tiền phí dịch vụ khiến chủ đầu tư không có tiền chi trả cho các đơn vị vận hành, quản lý và cung cấp điện nước của toà nhà. Thực tế, đã có dự án, đơn vị vận hành cực chẳng đã, đã phải cắt giảm dịch vụ tới mức tối thiểu vì không thể tiếp tục vận hành đầy đủ các dịch vụ với bộ máy nhân sự lớn trong khi không thu được kinh phí từ các hộ dân đang hàng ngày tận hưởng các dịch vụ, tiện ích. Việc cắt giảm dịch vụ tới mức tối thiểu sẽ khiến cho chính những cư dân tại dự án phải đối mặt với những bất cập của cuôc sống chung cư như: thiếu vệ sinh, thiếu an ninh – an toàn….

Thứ hai, việc một chung cư xuất hiện hàng loạt các băng rôn với những nội dung tiêu cực chắc chắn sẽ khiến cho hình ảnh và tâm lý cộng đồng ở khu chung cư mà họ đang sinh sống sẽ bị ảnh hưởng, làm giảm giá trị khu chung cư. Trên thực tế, một số chung cư có giá trị giao dịch ngày càng giảm mà vẫn không ai dám hỏi mua vì thấy căng băng rôn triền miên.

Thứ 3, nhiều khi chính những cư dân tham gia đấu tranh theo lời kêu gọi của một nhóm người kích động, lại không thực sự hiểu được góc khuất đằng sau những vụ việc ồn ào đó là gì. Câu chuyện về một nhóm cư dân “chủ trì” trong các tranh chấp chung cư không phải hiếm trên thị trường bất động sản thời gian gần đây. Và cũng không thể loại trừ những cá nhân “mượn gió bẻ măng”, kích động tập thể để đạt mục tiêu riêng của bản thân, hay sâu xa hơn là để tính toán với miếng bánh “quỹ bảo trì” vô cùng hấp dẫn.

Đọc thêm