“Đến hẹn lại lên”, cứ vào dịp giáp Tết là nhu cầu đổi tiền lẻ để đi chùa, mừng tuổi lại nở rộ. Đi kèm với cầu là nguồn cung cũng hết sức dồi dào từ các chùa, phủ…lẫn mạng xã hội. Dù quy định không cho phép dịch vụ đổi tiền cũ lấy tiền mới tính phí nhưng các dịch vụ vẫn hoạt động rất sôi nổi.
Đổi tiền lẻ phí với giá “trên trời”
Nếu để ý, có thể thấy tại các cổng chùa, đền, đình ở đâu có cắm biển “Cấm đổi tiền lẻ” thì y như rằng ở đấy đang diễn ra rất sôi nổi dịch vụ đổi tiền lẻ với giá “cắt cổ”. Bên cạnh đó, các website, fanage và tài khoản cá nhân trên facebook cũng có nhiều người mở dịch vụ đổi liền lẻ, tiền mới…
Tại các “điểm nóng” ở Hà Nội như chùa Trấn Quốc, phủ Tây Hồ, “chợ đen” tiền lẻ Đinh Lễ gần bờ hồ Hoàn Kiếm, các đầu mối đổi tiền bắt đầu hoạt động. Và dù giao dịch ở ngoài hay trên mạng xã hội thì hoạt động đổi tiền lẻ vẫn thu hút đông đảo người tham gia tìm hiểu, mua bán bất chấp mức phí “trên trời”.
Qua khảo sát, ở thời điểm hiện tại, các loại tiền mệnh giá nhỏ như 1.000 đồng, 2.000 đồng và 5.000 đồng được giao dịch khá mạnh, nhưng mức phí cũng khá “chát”. Mỗi thếp 1.000 đồng trị giá 100.000 đồng, người đổi phải trả thêm 50.000 (phí 50%); 1 thếp 2.000 đồng (trị giá 200.000 đồng) phí 40%, tương đương 80.000 đồng. Qua mỗi năm thì các mệnh giá tiền được săn đón cũng khác nhau, nếu như năm ngoái tờ 10.000 đồng, 20.000 đồng được nhiều người săn đón thì năm nay tiền 50.000 đồng lại là mệnh giá khan hiếm nhất. Theo đó, nếu khách hàng đổi tờ 50.000 đồng sẽ chịu phí là 5%, như vậy một cọc 5 triệu VND thì sẽ phải chịu phí lên đến 250.000 đồng.
Cũng bởi mức phí ngày càng cao nên những người có tiền để đổi cũng sẽ sợ các cơ quan chức năng hơn so với mọi năm. Không còn cảnh cầm cọc tiền lẻ đi hỏi từng người dừng xe trước cổng chùa, đền phủ. Trên mạng xã hội cũng đã chấm dứt “cảnh” giao dịch thông qua comment (phần bình luận – PV) mà kín đáo hơn bằng cách hẹn khách sử dụng chat riêng.
Vào vai một người có nhu cầu đổi tiền lẻ, phóng viên liên hệ với một tài khoản cá nhận có địa chỉ tại CT3A-X2, KĐT Bắc Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội và được biết: “Hiện nay tờ tiền mệnh giá 500 đồng dường như là khan hiếm và không thể có để phục vụ khách. Tiền 2.000 đồng sẽ đóng theo cọc 2 triệu đồng với phí là 200.000 đồng/ cọc, tiền 5.000 thì tùy vào lấy nhiều hay ít có thể linh động bán lẻ với mức phí là 10% - 15%”. Điều đáng nói là khách hàng muốn bao nhiêu thì “nhà cung cấp” cũng có thể đáp ứng và giao hàng rất nhanh.
Vi phạm nhưng vẫn tái diễn năm này qua năm khác
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong những năm qua, nhu cầu tiền mới mệnh giá nhỏ (đặc biệt là tiền mới nguyên seri chưa qua sử dụng) trong dịp Tết Nguyên đán ngày một tăng cao đã tạo áp lực rất lớn đối với NHNN nói riêng và ngành ngân hàng nói chung. Số tiền mệnh giá nhỏ này chỉ một phần dùng làm phương tiện thanh toán trong lưu thông, phần còn lại được sử dụng vào các hoạt động khác, trong đó có hoạt động lễ hội, tín ngưỡng.
Qua khảo sát, việc sử dụng tiền mệnh giá nhỏ không hợp lý của người dân ở một số đền, chùa, lễ hội, nơi thờ tự (chủ yếu ở các tỉnh Bắc Trung bộ trở ra)… còn phổ biến. Tiền mệnh giá nhỏ được đặt một cách tùy tiện, rải khắp các khu vực trong các đền, chùa, khu vực lễ hội tâm linh tạo hình ảnh phản cảm, ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của di tích, làm sai lệch giá trị bản sắc văn hóa xã hội và làm xấu đi hình ảnh đồng tiền Việt Nam. Bên cạnh đó, tiền mệnh giá nhỏ được sử dụng không hợp lý, đúng chức năng gây ra lãng phí lớn cho xã hội trong việc in ấn, phát hành, kiểm đếm, phân loại, vận chuyển, bảo quản lượng tiền này.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP HCM cho biết: “Theo quy định, các ngân hàng thương mại đổi tiền cho người dân khi tờ tiền đó hư hỏng, không còn giá trị lưu thông, chứ các dịch vụ thu đổi tiền mới lấy phí là không đúng quy định. Trong quá trình tiền lưu thông trên thị trường hàng năm hư hỏng nhất định nên mới có lượng tiền mới này. Nhu cầu tiền mới cuối năm cao nhưng thường sau Tết, lượng tiền mới này lại quay lại ngân hàng”.
Từ góc độ pháp luật, Luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, theo quy định tiền tệ, thì những hành vi trao đổi tiền trên đây là vi phạm pháp luật. Do vậy, để hạn chế những tiêu cực xảy ra đối với hình thức kinh doanh đổi tiền hưởng chênh lệch, góp phần khuyến khích người dân tham gia lễ hội gìn giữ, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống, bảo vệ hình ảnh đồng tiền Việt Nam và tiết kiệm chi phí cho xã hội, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý các cá nhân, tổ chức kinh doanh dịch vụ đổi tiền hưởng chênh lệch tại các điểm di tích, đền, chùa, lễ hội, tạo môi trường và cảnh quan văn hoá nơi lễ hội tâm linh.