Tiền lẻ, pháo nổ “tung hoành” mạng xã hội dịp giáp Tết

(PLO) - Lợi dụng thời điểm cận Tết, nhu cầu tiền lẻ của người dân càng tăng cao, hoạt động mua bán, trao đổi tiền lẻ trên mạng hoạt động rất công khai và sôi nổi dưới nhiều hình thức. Cùng với tiền lẻ thì pháo nổ cũng ngang nhiên được mời bán trên mạng với những lời quảng cáo hấp dẫn.
Tiền lẻ được rao công khai trên mạng
Tiền lẻ được rao công khai trên mạng
Dường như những lời cảnh báo, tuyên truyền về việc đổi tiền lẻ và sử dụng, tàng trữ, buôn bán chất cháy nổ không có hiệu lực với các “con buôn” mạng xã hội.
Nhà nước không in mới nhưng trên mạng vẫn có tiền nguyên sêri

Tết Bính Thân năm nay, Ngân hàng Nhà nước có chủ trương không in mới tiền mệnh giá thấp. Tuy nhiên, nhu cầu đồi tiền mới, tiền lẻ  vẫn đang tăng cao theo từng ngày do nhu cầu của người dân. Chính vì vậy, chỉ cần một lick chuột tìm kiếm với từ khóa “đổi tiền lẻ” trên mạng xã hội, người dân đã có thể tìm được dịch vụ phục vụ rất tận tình, chu đáo đưa đến tận nơi. 

Vào vai một người có nhu cầu đổi tiền lẻ, trò chuyện với một fanage có hơn 4.000 lượt theo dõi ở Nguyễn Khang, Cầu Giấy, Hà Nội tất cả các loại tiền 10.000, 1.000, 2.000, 500 nguyên seri đều luôn sẵn sàng có để phục vụ khách hàng có nhu cầu.

Đối với tiền 1.000 đồng sẽ mất 25% phí/ 1 triệu đồng, 2.000 đồng thì sẽ là 20% phí/1 triệu đồng. 

Đặc biệt với loại tiền 500 đồng thì một cọc 1.000 tờ sẽ mất 800.000 đồng, chênh lệch hơn nữa là 2 ăn một (100.000 đồng chỉ đổi được 50.000 đồng). Ắt hẳn đây là một khoản “siêu lời” từ dịch vụ đổi tiền lẻ online.  

Trên các trang web như: muaban.net. hanoi, dichvudoitienle, … trong mấy ngày gần đây bắt đầu xuất hiện rất nhiều mẩu tin về dịch vụ đổi tiền lẻ được rao một cách ồ ạt. Mức phí chênh lệch có khi là 4%, 7% hay thậm chí là cao hơn đối với các loại tiền 10, 20, 50, 100.000 đồng bằng chất liệu cotton. 

Nhiều người dân có tâm lí thích tiền lẻ để đi chùa nên nếu không đổi được tiền ở ngân hàng thì họ chấp nhận ra chợ đen. Chính bởi tâm lí nên phí đổi bị đẩy lên cao đến khó tin nhưng vẫn không hề lo là không có khách.

Lý do chợ mạng đổi tiền online lại có cơ hội lên ngôi là vì theo Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ, việc đổi tiền lẻ ở các đền, chùa, lễ hội nếu bị phát hiện có thể bị phạt đến 40 triệu đồng, nên các cửa hàng ở các cổng chùa, đền thường không dám công khai hoạt động. 

Trả lời báo chí về vấn đề này, Phó Thống đốc Ngân hàng Đào Minh Tú chia sẻ, việc dừng in các đồng tiền mệnh giá nhỏ này trong 4 năm qua đã giúp Ngân hàng Nhà nước tiết kiệm được 1.500 tỉ đồng cho ngân sách nhà nước.

Mục đích của việc này là dừng in mới các loại tiền mệnh giá nhỏ vào dịp Tết để hạn chế sử dụng các đồng tiền này vào hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, lễ hội.  

Cũng theo ý kiến của các chức sắc Giáo hội Phật giáo thì phật tử đến chùa bằng cái tâm của mình, nếu thực tâm thì bỏ tiền vào hòm công đức, không mang tiền rải khắp nơi từ tay Phật, tượng Phật, thậm chí ném cả xuống giếng… là hành động rất không đúng, phản cảm. 

"Hoảng hồn" với pháo nổ chào bán công khai 

Cũng như dịch vụ đổi tiền lẻ, mặc dù là sản phẩm bị cấm bán trên thị trường nhưng bất chấp mọi luật lệ, các loại pháo vẫn được bày bán công khai trên mạng, đủ các mẫu mã và các loại giá, lại còn có hẳn một hệ thống phân phối hàng trên toàn quốc. 

Vào vai một người có nhu cầu mua pháo sử dụng ngày Tết, phóng viên đã nhanh chóng được cập nhật vào trang “Hàng Hóa – Phụ kiện – Đồ chơi” với hơn 18 nghìn lượt theo dõi đang hoạt động chuyên về cung cấp các loại pháo như pháo hoa, pháo diêm, pháo dây, pháo bi, pháo trứng. 

Ở đây, theo quan sát, lượng khách đặt hàng, khách tò mò về giá cả khá đông. Giá tiền cho mỗi loại pháo cũng khá cao, điển hình như Giang Pháo Hoa loại 36 quả: 600 nghìn đồng, pháo diêm 1 tút 10 hộp 250 nghìn đồng... 

Điều đáng nói đây không phải là trang mạng xã hội duy nhất quảng cáo bán chất pháo nổ công khai. Tuy nhiên, họ lại bí mật cách thức mua hàng mà chỉ trao đổi qua điện thoại với từng khách hàng đơn lẻ. 

Hàng ngày, báo đài thường xuyên đưa tin về những vụ bắt giữ người buôn bán pháo, chất cháy nổ trái phép ở biên giới, cửa khẩu, ở các cửa hàng trá hình. Nhưng  bằng cách nào đó, các cửa hàng bán pháo trên mạng xã hội vẫn hoạt động rất sôi động với “thị phần” và sức mua không hề nhỏ. 

Một trong những chiêu của các “con buôn pháo” trên mạng là chịu khó bán nhỏ lẻ, như “ngòi châm” kích thích giới trẻ để nhân rộng lượng người sử dụng chất pháo nổ lớn hơn. 

Nhiều người dân lo lắng về hiện tượng chơi pháo lại tái xuất hiện những ngày giáp Tết này. Anh Minh Đức ở phố Đê La Thành, HN cho biết: “Tầm này đi ngoài đường đã thường xuyên nghe thấy tiếng pháo diêm nổ ở bất cứ đâu.

Đặc biệt, nhiều thanh niên sẵn sàng ném pháo cho nổ ngoài đường để mọi người giật mình, xem như trò mua vui của mình, rồi lại kháo nhau xem mua ở đâu… Cứ như vậy sẽ nhiều người biết đến pháo và tìm mua pháo nhiều hơn”. 

Chị Minh Hằng ở phố Bà Triệu, Hà Nội đề nghị: “Chỉ cần nhìn thấy ném quả pháo dù gây ra tiếng động lớn hay bé cũng nên phạt thật nặng, như vậy mới răn đe được người chơi, đảm bảo an toàn cho mọi người”. 

Thiết nghĩ, để ngăn chặn việc đổi tiền lẻ trái phép trên mạng gây ảnh hưởng trực tiếp tới việc lưu thông tiền tệ và môi trường, cảnh quan khu di tích, lễ hội và việc buôn bán pháo nổ coi thường pháp luật, thiết nghĩ các cơ quan chức năng tuyên truyền thôi chưa đủ mà cần sớm có phương án để xử lý triệt để trên mọi phương diện vì một xã hội văn minh và vì một Tết Nguyên đán an toàn.

Đọc thêm