Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên môn và từ thực tiễn của các nước đang trong “bão dịch” thì không vì thế mà chủ quan. Dịch bệnh diễn biến khó dự đoán, còn kéo dài, nguy cơ dịch ở nước ta còn hiện hữu.
Thời gian vừa qua Việt Nam thực hiện việc giãn cách xã hội nhằm hạn chế việc tiếp xúc, tránh lây lan dịch bệnh. Đồng thời, việc tự cách ly tại nhà ít nhất 2 tuần giúp những người có triệu chứng nhẹ không biết mình mắc bệnh hoặc những người không triệu chứng có nguy cơ mắc bệnh không có cơ hội lây bệnh ra cộng đồng. Ở ngoài cộng đồng chỉ bỏ sót một đối tượng cũng có thể khiến dịch bùng lên. Đây là bài học của Singapore, giai đoạn đầu quốc gia này được cho là kiểm soát dịch rất tốt, nhưng thời gian qua số mắc tại quốc gia này lại tăng nhanh (hơn 8.000 ca bệnh, 11 người tử vong).
Trên thế giới, Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và có thể kéo dài. Nếu tự tin quá, “thả lỏng” các trường hợp nhập cảnh, đặc biệt là các những người nhập cảnh qua đường mòn, lối mở thì vẫn có thể có ca bệnh xâm nhập vào. Và nữa, có thể tồn tại ca bệnh ở cộng đồng, người này lại tiếp xúc người kia làm lây lan dịch bệnh thành ổ dịch nhỏ. Điều này không ai hoài nghi.
Vì thế, với người dân cần tiếp tục áp dụng các biện pháp chống dịch như hiện nay: đeo khẩu trang; rửa tay với xà phòng/dung dịch sát khuẩn thường xuyên; tránh tiếp xúc, giao tiếp gần dưới 2m; không tập trung đông người; không đi ra khỏi nhà khi không cần thiết, đặc biệt là người có bệnh nền và người già; khai báo y tế.
TS.Takeshi Kasai, Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO cho rằng Việt Nam cần luôn sẵn sàng cho “làn sóng thứ 2” của dịch có thể ập đến bất cứ lúc nào. Cuộc chiến với Covid-19 là một cuộc chiến trường kỳ. Bất kỳ quốc gia nào cũng cần phải tính đến các biện pháp để có thể chung sống an toàn với dịch bệnh. Việt Nam nên thận trọng trong việc nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. Theo đó, phải thực hiện từng bước một, đây là quan điểm của quan chức WHO này.
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19 mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh tình hình dịch bệnh có chuyển biến tốt, cần phải nới lỏng từng bước nhưng phải có kiểm soát đúng mức để không có tình trạng chủ quan, coi thường khiến dịch bệnh có thể bùng phát trở lại.
Phải “nới lỏng” vì cuộc sống, đảm bảo “mục tiêu kép”. Tuyệt đối không được chủ quan, không để dịch lan rộng nhưng đồng thời cũng phải ổn định và phát triển. Trong mục tiêu kép này, mục tiêu tuyệt đối là phải kiểm soát được dịch bệnh, không để dịch bệnh lây lan, để chết nhiều người.
Càng gần thắng lợi, càng nhiều gian nan, cuộc chiến nào cũng thế!