70% bệnh nhân không biết mình mắc bệnh
Theo số liệu của ngành y tế cho thấy, hiện nay tất cả các quốc gia trên thế giới đều phải đối mặt với sự gia tăng nhanh chóng của các bệnh không lây nhiễm. Theo báo cáo của Bộ Y tế, cứ 5 người trưởng thành thì có 1 người mắc tăng huyết áp và trong 25 người thì có 1 người bị bệnh đái tháo đường. Trong nhóm tuổi từ 18 đến 69, tỷ lệ hiện mắc tăng huyết áp là 18,9%. Bệnh không lây nhiễm đang trở thành gánh nặng lớn về kinh tế, dự báo trong 20 năm tới, toàn thế giới sẽ mất đi 47.000 tỷ USD do các bệnh không lây nhiễm gây ra.
Trong các bệnh không lây nhiễm, bệnh đái tháo đường chiếm tỉ lệ tử vong đứng thứ 3. Theo số liệu Liên đoàn đái tháo đường thế giới (IDF) đã công bố năm 2017, ước tính cứ 11 người trưởng thành (20-79 tuổi) lại có 1 người bị đái tháo đường (tiểu đường) tương đương 425 triệu người. Ước tính đến năm 2045 sẽ có gần 700 triệu người mắc bệnh tiểu đường.
Đáng lo ngại, hiện nay chỉ có trên 30% số bệnh nhân đái tháo đường trong độ tuổi từ 18-69 tuổi được chẩn đoán, còn đến gần 70% chưa được chẩn đoán.Trong khi, bệnh đái tháo đường căn nguyên là do tình trạng tăng glucose máu mạn tính, tiến triển sẽ gây tổn thương nhiều cơ quan trong cơ thể như tim, mạch máu, mắt, thận và thần kinh, hệ miện dịch… chính vì vậy căn bệnh này được coi như là kẻ giết người thầm lặng.
GS.TS Trần Văn Thuấn - Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện K Trung ương cho biết, đái tháo đường là một trong những vấn đề y tế toàn cầu của thế kỷ 21, là gánh nặng tài chính cho chăm sóc y tế cản trở quá trình đạt mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt ở các nước thu nhập thấp và trung bình.
Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cũng cho biết, bên cạnh các yếu tố nguy cơ hành vi như: hút thuốc, sử dụng rượu bia, dinh dưỡng không hợp lý, thiếu vận động thể lực, căng thẳng thường xuyên... thì một trong những nguyên nhân dẫn đến số người mắc đái tháo đường gia tăng và trẻ hóa là do dịch vụ khám, phát hiện sớm, tư vấn, truyền thông nâng cao nhận thức còn chưa được quan tâm đúng mức. Sự vào cuộc của các cấp, các ngành và cộng đồng trong giai đoạn đầu vẫn còn nhiều hạn chế, thậm chí, ngay trong gia đình người bệnh cũng chưa có sự nhận thức đầy đủ về các triệu chứng của bệnh để có những hành động kịp thời.
Tỷ lệ mắc bệnh tăng và trẻ hóa
Nguy hiểm hơn nữa là tỷ lệ người mắc bệnh đái tháo đường đang tăng chóng mặt và ngày càng trẻ hóa, rất nhiều người độ tuổi 25-30 mắc đái tháo đường mà không hay biết, thậm chí có những trường hợp trẻ 12, 13 tuổi bị đái tháo đường tuýp 2 đã được ghi nhận.
Điển hình, trường hợp của bé Nguyễn Anh M (Hưng Yên), từ nhỏ cháu khỏe mạnh, ăn uống tốt. Khi được 13 tuổi, bé M luôn háo nước, đi tiểu nhiều lần, đưa con đến viện khám, bố mẹ cháu M sững sờ khi phát hiện con mắc bệnh của người già, bởi anh chị vốn nghĩ chỉ người già mới mắc đái tháo đường. Từ đó đến nay, bé điều trị ngoại trú, thực hiện chế độ ăn kiêng, tập luyện thể dục theo chỉ định của bác sĩ.
Theo các chuyên gia, đa phần trẻ em mắc bệnh không được phát hiện sớm mà chỉ đến khi các biểu hiện của bệnh quá rõ ràng. Với đái tháo đường tuýp 1, yếu tố di truyền từ cha mẹ chiếm tỷ lệ khoảng 10-20%. Đái tháo đường tuýp 2 thường xảy ra ở các bé có tình trạng thừa cân, béo phì hoặc chế độ dinh dưỡng không hợp lý, với tỷ lệ thừa cân - béo phì ở trẻ cao trong trẻ như hiện nay (10-12%), nguy cơ đái tháo đường tuýp 2 ở trẻ lại càng cao.
Triệu chứng của bệnh này ở trẻ thường được gọi tóm tắt bằng “4 nhiều”: uống nhiều, tiểu nhiều, ăn nhiều và sụt cân nhiều, nhưng theo nghiên cứu của các bác sĩ, việc phát hiện trẻ bị đái tháo đường hiện nay không phải dễ dàng đối với phụ huynh cũng như nhân viên y tế vì bệnh sử diễn tiến không điển hình như triệu chứng 4 nhiều trên. Khi trẻ mắc bệnh này, thường các dấu hiệu trong giai đoạn đầu rất khó nhận biết, trẻ chỉ khát nước nhiều, hay đói, tiểu nhiều và sụt cân nhanh. Các dấu hiệu như: co giật, hôn mê, nhiễm trùng, lơ mơ, thở nhanh, đau bụng, mất tri giác thường xuất hiện khi bệnh đã trở nặng. Việc phát hiện bệnh ở trẻ thường rất tình cờ khi làm xét nghiệm hoặc trẻ đang được chữa trị cho một bệnh khác.
Trong khi đó, đáng lo ngại, đối với người trẻ bị đái tháo đường type 2, vấn đề kiểm soát đường huyết rất khó khăn vì trẻ đang độ tuổi đi học, dậy thì, nhu cầu phát triển cơ thể cao, nhận thức chưa đủ chín chắn, chưa hiểu rõ về tầm quan trọng của bệnh, khó tuân thủ một chế độ dinh dưỡng, tập luyện thể lực hợp lý.
Mặt khác, sự vào cuộc của các cấp, các ngành và cộng đồng trong giai đoạn đầu vẫn còn nhiều hạn chế, thậm chí, ngay trong gia đình người bệnh cũng chưa có sự nhận thức đầy đủ về các triệu chứng của bệnh để có những hành động kịp thời.Trong khi, 80% số bệnh nhân tim mạch giai đoạn đầu, đái tháo đường tuýp 2, 40% ung thư hoàn toàn có thể phòng ngừa qua tập thể dục, không lạm dụng rượu bia, thuốc lá…
Bởi vậy, theo các chuyên gia y tế, người dân hãy tăng cường vận động, dinh dưỡng hợp lý nhằm phòng tránh bệnh đái tháo đường, ung thư, tim mạch và để có một cơ thể khỏe đẹp. “Chúng tôi đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tầm soát sớm bệnh, giảm thiểu nguy cơ biến chứng, từ đó hạ tỷ lệ tử vong cũng như giảm chi phí điều trị đối với người bệnh”, GSThuấn khuyến cáo. Theo đó, người dân nên duy trì khám sức khỏe 6 tháng/lần để có thể phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ.