Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) nhận định, trong đại dịch Covid-19, chính phủ các nước áp dụng các biện pháp phong tỏa, cách ly, đóng cửa biên giới… làm đứt gãy các chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ khu vực, toàn cầu và cả trong nước, làm gián đoạn các hoạt động sinh hoạt bình thường của xã hội…, thì một số loại hình KTCS đã “biến nguy thành cơ” để phát triển, chiếm lĩnh thị phần của kinh tế truyền thống.
Phụ thuộc vào “bên thứ ba”
Phát triển các loại hình KTCS làm gia tăng nhanh các giao dịch kết nối trên mạng internet, gia tăng áp lực lên hạ tầng số trong điều kiện tài nguyên số, tài nguyên internet còn hạn chế, các nền tảng công nghệ lớn chủ yếu tập trung ở nước ngoài nên sẽ làm gia tăng mức độ phụ thuộc của nền kinh tế vào công nghệ của nước ngoài.
Theo thông tin mà Bộ KH-ĐT dẫn trong dự thảo, trong số khoảng 200 công ty đang hoạt động trong lĩnh vực Fintech ở Việt Nam hiện nay, chủ yếu bên thứ ba cung cấp dịch vụ nền tảng là các doanh nghiệp từ nước ngoài. Một số hoạt động của Fintech có thể làm gia tăng độ lệ thuộc vào bên thứ ba của hệ thống tài chính. Chẳng hạn: công nghệ Robot tư vấn và các công ty Fintech trong lĩnh vực cho vay phải dựa hoàn toàn vào bên thứ ba, hay như việc các tổ chức tài chính hiện đang dần phụ thuộc vào các công ty cung ứng dịch vụ điện toán đám mây (cloud) để thực hiện các hoạt động tài chính liên quan đến công nghệ này thay cho việc phải đầu tư cơ sở hạ tầng cần thiết.
|
Bộ KH-ĐT lo ngại, phát triển các loại hình KTCS có thể làm gia tăng mức độ lệ thuộc của hệ thống tài chính vào bên thứ ba là các doanh nghiệp nước ngoài, dẫn đến rủi ro hệ thống, gia tăng nguy cơ mất an toàn tài chính quốc gia. |
Sự phát triển các loại hình KTCS làm gia tăng nguy cơ mất an ninh mạng, chủ quyền quốc gia trên không gian mạng do hoạt động kinh tế chia sẻ làm gia tăng sự tương tác giữa cá nhân và tổ chức, doanh nghiệp trên môi trường “ảo”, tạo ra một hệ thống dữ liệu khổng lồ về thông tin và hoạt động của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Trong khi đó, Việt Nam cũng như các nước đang phát triển khác, hệ thống dữ liệu này hiện đang được các nhà cung cấp dịch vụ Internet xuyên quốc gia, các nhà cung cấp nền tảng lớn lưu trữ tại hệ thống máy chủ đặt tại lãnh thổ quốc gia khác.
Tuy Việt Nam có quyền tài phán, quyền chủ quyền đối với cơ sở dữ liệu người dùng internet là công dân Việt Nam, nhưng hệ thống cơ sở dữ liệu này lại được đặt trong phạm vi lãnh thổ một quốc gia khác. Việc này làm phát sinh quyền chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia đó đối với tài nguyên quốc gia của Việt Nam, xâm phạm đến chủ quyền quốc gia của Việt Nam trên không gian mạng.
Bên cạnh đó, sự thiếu đồng bộ và chưa hoàn thiện của hệ thống bảo mật khiến cho các loại hình KTCS tiềm ẩn rủi ro, lộ ra lỗ hổng về an ninh mạng, đe dọa quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân Việt Nam.
Phát triển các loại hình KTCS có thể làm gia tăng mức độ lệ thuộc của hệ thống tài chính vào bên thứ ba là các doanh nghiệp nước ngoài, dẫn đến rủi ro hệ thống, gia tăng nguy cơ mất an toàn tài chính quốc gia. Sự phát triển các loại hình KTCS làm gia tăng nhanh các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế, gia tăng nhanh các giao dịch thanh toán xuyên biên giới. Sự bùng nổ nhu cầu giao dịch thanh toán điện tử tạo áp lực và thách thức lớn đối với các tổ chức tài chính-ngân hàng trong nước nhằm đảm bảo an toàn hệ thống và an ninh tài chính quốc gia.
Gia tăng các hoạt động kinh tế bất hợp pháp, gây bất lợi cho nền kinh tế và an sinh xã hội.
Hiện nay, có hiện tượng một số công ty P2P lending là kênh phân phối, tìm kiếm khách hàng cho công ty cầm đồ hoặc công ty cầm đồ hợp tác với công ty công nghệ xây dựng nền tảng giao dịch trực tuyến để công ty cầm đồ tìm kiếm người đi vay và thực hiện cho vay.
Trong số khoảng 100 công ty P2P lending đã đi vào hoạt động chính thức và đang trong giai đoạn thử nghiệm ở Việt Nam, phần lớn là các công ty của nhà đầu tư nước ngoài (Tima, Trust Circle, Lendomo, Wecash, Interloan…). Trong đó, có một số công ty P2P lending có nguồn gốc từ Trung Quốc, Nga, Singapore, Indonesia...
(Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam)
Bộ KH-ĐT cho biết, một số đối tượng có thể lợi dụng sự biến dạng của mô hình kinh doanh chia sẻ P2P lending kiểu như vậy để thực hiện hành vi tội phạm, bất hợp pháp (như rửa tiền, hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi, cho vay cầm đồ biến tướng, hoạt động tài chính theo kiểu kinh doanh đa cấp…), đưa ra quảng cáo sai sự thật, hứa hẹn lợi nhuận cao, lãi suất cạnh tranh để lừa đảo, chiếm dụng vốn của người dân…Do vậy, sẽ tác động tiêu cực đến cuộc sống của người dân, gây bất ổn đến an sinh xã hội.
Sự xuất hiện và phát triển với tốc độ nhanh của các loại hình KTCS, nhất là các loại hình P2P lending, Fintech trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng, đã và đang khiến các cơ quan Nhà nước, nhất là các cơ quan quản lý tài chính phải đối mặt với những thách thức và khó khăn trong công tác quản lý, giám sát để phòng chống hiệu quả nguy cơ rửa tiền, tài trợ khủng bố (ALM/CFT); đồng thời kiềm chế và kiểm soát các rủi ro liên quan đến an ninh, an toàn, bảo mật thông tin; sử dụng trái phép thông tin cá nhân…
Đặc biệt, hoạt động của các công ty P2P lending, Fintech hiện nay hầu hết chưa có quy định pháp lý điều chỉnh, tiềm ẩn nhiều rủi ro phát sinh do môi trường pháp lý chưa được đầy đủ. Tình hình đó cũng tạo ra những thách thức rất lớn đối với công tác quản lý nhà nước đối với các mô hình thanh toán mới, chuyển tiền xuyên biên giới, chia sẻ dữ liệu người dùng qua giao diện lập trình ứng dụng mở (open APIS)…
Hoạt động cho vay ngang hàng cũng chứa đựng rủi ro “kép” về thuế và quản lý ngoại hối trong trường hợp người tham gia giao dịch là người không cư trú. Rủi ro ngày cũng xảy ra với trường hợp người tham gia giao dịch cố tình lừa đảo, ẩn danh, mạo danh thì khó có khả năng truy thu được thuế thu nhập; hoặc nếu người tham gia lại không cho vay bằng các đồng tiền pháp định (VNĐ hoặc các đồng tiền ngoại tệ khác) mà cho vay bằng tài sản ảo, tiền kỹ thuật số…, thì việc quản lý, giám sát, phòng chống rửa tiền, thu thuế thu nhập, quản lý ngoại hối, quản lý dòng tiền vào, ra của nền kinh tế, đăng ký khoản vay nước ngoài, cho vay nước ngoài trở nên khó khăn và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Mặt khác, đối với thị trường thanh toán, sự phát triển của các dịch vụ thanh toán bằng mã QR code xuyên biên giới chưa được điều chỉnh bởi hệ thống pháp luật hoàn thiện, nên chưa thể kiểm soát được dòng thanh toán qua biên giới.
Vì thế, Bộ KH-ĐT đưa ra đề xuất xây dựng cơ chế phòng ngừa và nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo sớm các nguy cơ mất an toàn của thị trường tài chính, có kịch bản ứng phó để giảm thiểu những tổn thương của thị trường kể cả trong trường hợp một số công ty Fintech, P2P lending nào đó gây ra tổn thất lớn không lường trước cho người sử dụng dịch vụ, làm tổn thương nghiêm trọng lòng tin của người sử dụng dịch vụ đối với thị trường, đe dọa đến sự an toàn của hệ thống tài chính-ngân hàng truyền thống. Đồng thời, tăng cường quản lý, giám sát để phòng chống hiệu quả nguy cơ rửa tiền, tài trợ khủng bố; đồng thời kiềm chế và kiểm soát các rủi ro liên quan đến bảo mật thông tin, sử dụng trái phép thông tin cá nhân của các công ty Fintech, P2P lending.