Cảnh báo của Bộ Giao thông Vận tải về phương tiện bay không người lái

(PLVN) - Sau khi liên tiếp xảy ra hai sự cố tàu bay bị móp mũi che ra-đa nhưng không có biểu hiện va đập của chim, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho rằng có khả năng tàu bay bị va chạm với phương tiện bay không người lái.
Máy bay bị móp và rách chóp mũi che ra-đa thời tiết khi hạ cánh tại Tân Sơn Nhất hôm 20/9.
Máy bay bị móp và rách chóp mũi che ra-đa thời tiết khi hạ cánh tại Tân Sơn Nhất hôm 20/9.

Theo báo cáo của Bộ GTVT, ngày 16/10, tàu bay Airbus A321-271N, số đăng ký VN-A607, thực hiện chuyến bay VJ331 từ TP HCM đi Phú Quốc. Khi tàu bay hạ cánh, nhân viên kỹ thuật phát hiện chóp mũi che ra-đa thời tiết của tàu bay bị móp một vết, nhưng không có biểu hiện va đập của chim.

Theo báo cáo của cơ trưởng, trong quá trình bay, tàu bay gặp mưa to kết hợp mây giông và tàu bay có biểu hiện rung lắc nhẹ. Tuy nhiên, theo quan sát thực tế, thời tiết không có biểu hiện mưa đá.

Trước đó, hôm 20/9, tàu bay Boeing 737 của hãng hàng không Tway Air (Hàn Quốc) cũng đã gặp phải hiện tượng tương tự (móp và rách chóp mũi che ra-đa thời tiết) khi hạ cánh tại TP HCM.

Đánh giá rủi ro, báo cáo do Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn ký nêu rõ: Hiện nay tại Việt Nam, hoạt động của tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ đang dần trở lên phổ biến, chủ yếu qua hình thức các thiết bị bay điều khiển từ dưới đất để chụp ảnh, quay phim (flycam).

Cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ, phương tiện bay không người lái được phát triển đa dạng, được ứng dụng, sử dụng rộng rãi trên nhiều lĩnh vực mang lại nhiều lợi ích trong đời sống kinh tế - xã hội. Về khoa học, công nghệ, phương tiện này liên tục được cải tiến, nâng cấp, dễ sử dụng, có giá thành rẻ. 

Tuy nhiên, do đặc điểm gọn nhẹ, dễ vận chuyển, dễ điều khiển, dễ chế tạo, lắp ráp, sử dụng, có thể hoạt động trong các điều kiện môi trường mà con người khó có thể tiếp cận, giá thành rẻ, lại được quản lý chưa chặt chẽ; nên phương tiện bay không người lái cũng đồng thời là công cụ hữu hiệu, là một trong số các phương thức được các tổ chức khủng bố sử dụng trong các âm mưu, kế hoạch khủng bố, trong đó có hoạt động khủng bố với hàng không dân dụng. Trên thực tế đã có nhiều vụ khủng bố được thực hiện bằng cách sử dụng phương tiện bay không người lái.

Ngoài các hoạt động khủng bố, cố ý phá hoại, cũng đã có nhiều vụ việc phương tiện bay không người lái uy hiếp đến an toàn hoạt động hàng không, gây thiệt hại lớn đối với hoạt động hàng không dân dụng do thiếu hiểu biết, chủ quan... của người sử dụng.

Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đã xác định hàng không dân dụng tiếp tục là mục tiêu ưu tiên của các tổ chức và đối tượng khủng bố. Trong đó, việc sử dụng phương tiện bay không người lái là một trong các phương thức tấn công có tính khả thi và mức độ rủi ro an ninh ở mức phải áp dụng biện pháp giảm thiểu. Đây cũng là một trong số các phương thức khủng bố được ICAO đặc biệt quan tâm và cũng đánh giá ở mức phải áp dụng ngay các biện pháp giảm thiểu phù hợp. 

Hiện Chính phủ đã có Nghị định 36/2008 quy định về quản lý tàu bay không người lái và thiết bị bay siêu nhẹ. Theo đó, các cá nhân, tổ chức muốn sử dụng flycam để quay phim, chụp ảnh, phải có đơn đăng ký gửi đến Cục Tác chiến (Bộ tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng), cam kết bay đúng độ cao, phạm vi hoạt động, mục đích bay... Mỗi lần xin phép chỉ áp dụng cho 1 lần bay.

Bộ Quốc phòng cũng đang xây dựng một Nghị định mới thay thế Nghị định 36 về quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ, dự kiến trình Chính phủ vào tháng 12/2019. 

Đọc thêm