Thâm hụt làm tăng áp lực tài khoá
Theo báo cáo, nền kinh tế Việt Nam đã vượt qua được biến động toàn cầu một cách ngoạn mục nhờ việc cầu trong nước tăng và thành tích tốt của lĩnh vực sản xuất hướng tới xuất khẩu. Sau 2 năm sụt giảm, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã phục hồi ở mức 6% của năm 2014 và tăng trưởng nhanh trở lại đạt mức 6,7% trong năm 2015.
Báo cáo cho rằng, ổn định và bền vững kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong thời gian qua được duy trì về cơ bản. Tuy nhiên, tình trạng nợ công tăng nhanh trong khi dự trữ ngoại tệ thấp, lại đang có xu thế giảm là vấn đề gây quan ngại. Việc tổng dự trữ ngoại tệ đã giảm xuống mức khoảng 2 tháng nhập khẩu càng làm cho nền kinh tế dễ bị tổn thương hơn trước các cú sốc từ bên ngoài.
Thâm hụt tài khoá ở mức 6,5% GDP trong năm 2015 là kết quả của giảm thu và tăng chi đầu tư cơ bản và chi thường xuyên. Yếu tố này đã làm áp lực tài khoá tăng lên. Ước tính, nợ công và nợ do Nhà nước bảo lãnh (theo quy định của Bộ Tài chính) đã đạt mức 62,5% GDP năm 2015, trong khi năm 2014 con số này là 59,6%. Do vậy, các khoản nợ này có thể sẽ nhanh chóng chạm mức nợ trần do luật quy định là 65%.
Báo cáo cho hay, kết quả tái cơ cấu khá lẫn lộn. Cải thiện môi trường kinh doanh có tiến bộ nhưng cải cách ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước còn chậm. Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã tăng tốc trong năm 2015 nhưng tốc độ chung còn quá chậm (còn xa mới đạt mục tiêu do Chính phủ đề ra cho giai đoạn 2011–2015).
Quá trình củng cố ngành ngân hàng đã đạt được một số tiến bộ, đã thực hiện một số thương vụ mua bán và sáp nhập nhưng vẫn khó có thể đạt mục tiêu giảm còn 15-17 ngân hàng vào năm 2017 từ con số hiện nay là 34. Nợ xấu toàn ngành ngân hàng, theo báo cáo, đã giảm xuống mức 3% tổng giá trị các món vay nhưng chủ yếu do tăng trưởng tín dụng và chuyển các món nợ xấu sang Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam (VAMC). Bên cạnh đó, tuy các ngân hàng bị yêu cầu trích dự phòng dần dần cho khoản tài sản chuyển sang VAMC nhưng khoản tín dụng và các rủi ro liên quan gây tổn hại đến nguồn vốn vẫn chưa được xóa bỏ hoàn toàn.
Triển vọng tăng trưởng mạnh nhất khu vực
Từ các diễn biến trên, báo cáo cho rằng viễn cảnh đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2016 nhìn chung tích cực dù các rủi ro tiêu cực vẫn đáng kể. Tăng trưởng của nền kinh tế trong năm nay được dự báo sẽ giảm còn 6,2% do tiêu dùng cá nhân và tăng trưởng đầu tư chậm lại. Tuy có giảm so với năm trước nhưng đây vẫn là tỉ lệ tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất trong khu vực.
Trong bối cảnh như vậy, WB cho rằng Chính phủ Việt Nam cần đưa ra các biện pháp thích hợp để thực hiện củng cố tình hình tài khoá trung hạn, như tăng tốc độ tái cơ cấu, quan tâm giải quyết các rủi ro tài khoá, chú ý quản lý kinh tế vĩ mô tốt để tránh bị ảnh hưởng của các cú sốc có thể xảy ra, thực hiện ổn định tài khoá, tăng cường linh hoạt tỉ giá và nâng dự trữ ngoại tệ để giảm nhẹ những yếu tố dễ bị tổn thương này.
Báo cáo cũng cho rằng Việt Nam có thể khai thác đáng kể lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do mới ký kết, trong đó có Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo báo cáo, các hoạt động sản xuất của Việt Nam được dự báo sẽ tăng đáng kể khi TPP được thực thi và tổng sản lượng xuất khẩu có thể tăng đến 29%.
Tăng trưởng khu vực Đông Á, Thái Bình Dương tốt
Theo báo cáo của WB, tăng trưởng khu vực Đông Á, Thái Bình Dương vẫn duy trì và dự đoán chỉ giảm nhẹ trong giai đoạn 2016-2018, từ 6,5% năm 2016 xuống còn 6,2% giai đoạn 2017-2018. Song, viễn cảnh tăng trưởng này còn phụ thuộc vào khả năng rủi ro tăng lên. Do đó, các nước cần tiếp tục ưu tiên các chính sách tiền tệ và tài khoá nhằm giảm mức độ tổn thương và tăng lòng tin, đồng thời tiếp tục tái cơ cấu theo chiều sâu. Về dài hạn, báo cáo kêu gọi các chính phủ tăng cường minh bạch và trách nhiệm giải trình, giảm bớt rào cản thương mại trong khu vực…