Cảnh báo của WB và IMF

 Diễn ra từ ngày 12 đến 14/4 tại Washington (Mỹ), Hội nghị mùa Xuân của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đã đưa ra nhiều cảnh báo có thể tác động mạnh đến nền tài chính toàn cầu.

Cảnh báo đầu tiên liên quan tới việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) hay còn gọi là Brexit. Phát biểu tại họp báo, Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde cho biết: "Ít nhất thì Anh chưa rời EU mà không có thỏa thuận vào ngày 12/4". 

Theo bà, việc EU gia hạn Brexit thêm 6 tháng đã giúp tránh được "kết cục khủng khiếp" là Brexit không thỏa thuận, vốn sẽ làm gia tăng sức ép đối với nền kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng chậm. Đồng thời tạo thêm thời gian để thảo luận giữa các đảng phái tại Anh và tạo thêm thời gian cho các doanh nghiệp chuẩn bị tốt hơn cho mọi khả năng, đặc biệt là các nhà công nghiệp và công nhân, để cố gắng đảm bảo tương lai của họ. Nhưng bà Christine Lagarde cảnh báo "(kịch bản) Brexit không thỏa thuận là một kết cục khủng khiếp".

Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh (BoE) Mark Carney nhận định tình trạng bất trắc do Brexit mà giới doanh nhân Anh phải đối mặt đã gây ra phản ứng tức giận, hủy hoại đầu tư, và đặt ra các thách thức dài hạn cho hoạt động sản xuất. Ông cảnh báo dù nguy cơ Brexit không thỏa thuận đã được giảm nhẹ, nhưng vẫn cần chờ xem thời gian gia hạn sẽ được sử dụng như thế nào.

Hai là, nguy cơ đe dọa tương lai đồng euro. Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho rằng, những bất đồng ngày càng tăng về chính sách kinh tế giữa các nước thành viên thuộc Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có nguy cơ gây tổn hại tới đồng euro trong tương lai. Bộ trưởng Le Maire nói: "Các nước thành viên Eurozone chưa có đủ tinh thần đoàn kết". Ông nhấn mạnh những khác biệt về chính sách kinh tế ngày càng tăng giữa các quốc gia thành viên là hết sức đáng lo ngại trong dài hạn và có thể dẫn tới hậu quả là đồng euro sẽ không thể tồn tại.

Ba là, cảnh báo về các khoản vay của các nước nghèo. Phát biểu trong một cuộc họp báo bên lề Hội nghị, tân chủ tịch người Mỹ của WB David Malpass nhắc lại rằng các khoản vay góp phần giúp các nền kinh tế phát triển, nhưng ông cảnh báo ngay: “Nếu việc cho vay không được tiến hành trong minh bạch, nếu việc vay nợ không mang lại kết quả thuyết phục (về mặt phát triển của một quốc gia), thì khối nợ có thể là một gánh nặng đáng kể cho nền kinh tế”. Ông David Malpass nhấn mạnh: “Lịch sử đầy rẫy những tình huống theo đó nợ nần chồng chất đã nhấn chìm các nền kinh tế”.

Chủ tịch WB cảnh cáo rằng “hiện có đến 17 quốc gia châu Phi ở trong tình trạng bị nợ cao đến mức nguy hiểm, và số nước trong diện này ngày càng tăng với các hợp đồng vay mới không minh bạch ngày càng nhiều”. Ví dụ rõ rệt về tính chất thiếu minh bạch là trường hợp nước châu Phi Mozambique chẳng hạn, đang vướng vào tai tiếng hơn 2 tỷ USD nợ nước ngoài mà dân chúng nước này không hề hay biết. Hay tại Montenegro ở vùng Balkan thuộc khu vực châu Âu, nợ công tăng vọt lên mức 70% GDP, sau khi nước này vay được hơn 800 triệu euro từ một ngân hàng nước ngoài để xây dựng một xa lộ trên núi.

Về vấn đề này, bà Christine Lagarde cũng cho rằng mức nợ cao và con số những chủ nợ cho vay không tuân theo các quy luật quốc tế, cũng sẽ làm phức tạp hơn vấn đề trả nợ của một nước.

Bà Lagarde xác nhận: “Cả WB và IMF hiện đang hợp tác để tạo thêm sự minh bạch và để xác định được các món nợ hiện có, từ trị giá món nợ, điều kiện vay nợ, cho đến thời hạn trả nợ”.

Trong khi đó, một bản báo cáo vừa công bố của IMF đã cảnh báo rằng số nợ ngày càng lớn trên thế giới, kể cả của các chính phủ và các công ty, đang là mối đe dọa cho kinh tế toàn cầu.

IMF cũng đã giảm mức dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm nay từ 3,5% xuống còn 3,3%. Đây là lần thứ hai trong vòng 4 tháng, định chế tài chính này giảm mức dự báo tăng trưởng toàn cầu, cho rằng kinh tế thế giới đã mất động lực sau những cú sốc từ việc Anh rời khỏi EU, căng thẳng thương mại gia tăng cũng như các điều kiện tài chính bị thắt chặt hơn.

Đọc thêm