Cảnh báo những dịch bệnh ở trẻ em đang bùng phát

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sự thay đổi thất thường của nhiệt độ làm cho hệ miễn dịch của trẻ vốn đã yếu nay càng yếu hơn. Bên cạnh đó, khí hậu nóng và ẩm là điều kiện thuận lợi để các virus gây bệnh phát triển và lan nhanh hơn.
Thời tiết thay đổi là thời điểm nhiều loại virus dễ phát triển gây bệnh ở trẻ em. Ảnh: Ngọc Nga
Thời tiết thay đổi là thời điểm nhiều loại virus dễ phát triển gây bệnh ở trẻ em. Ảnh: Ngọc Nga

Sau đây là những loại dịch bệnh ở trẻ em đang bùng phát, các bậc phụ huynh cần lưu ý:

Adenovirus

Thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương, từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã ghi nhận hơn 3.130 ca mắc Adenovirus, trong đó 9 ca tử vong. Đáng lo ngại, trong sáng 3/10, có một bệnh nhi mới 13 tháng tuổi tử vong.

Hiện Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị cho khoảng 300 ca mắc Adenovirus, trong đó hơn 40 ca nặng, nguy kịch với 6 bệnh nhân thở máy, 2 ca ECMO (tim phổi nhân tạo); 2 ca lọc máu, 35 ca thở ôxy. Bệnh nhi nhiễm Adenovirus có triệu chứng sốt cao liên tục 3-4 ngày, kém đáp ứng thuốc hạ sốt. Những trẻ có bệnh lý suy giảm miễn dịch, bệnh nền có nguy cơ viêm phổi, suy hô hấp.

Để phòng bệnh, các chuyên gia khuyến cáo, nên cho trẻ bú sớm, ngay sau sinh, bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, bú kéo dài đến 2 tuổi; Chế độ ăn dặm của trẻ hợp lý, đủ các thành phần dinh dưỡng; Giữ gìn môi trường sống của trẻ sạch sẽ, thoáng mát, không có khói, bụi, khói thuốc lá; Vệ sinh mũi họng cho trẻ thường xuyên: nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý (với trẻ nhỏ), trẻ lớn hơn cho súc miệng nước muối sinh lý.

Vệ sinh thân thể, rửa tay thường xuyên, cho trẻ mặc quần áo phù hợp với nhiệt độ môi trường, tránh để trẻ bị nhiễm lạnh; Cần đeo khẩu trang khi trẻ ra ngoài, tránh tiếp xúc với trẻ em bị ốm, bệnh; Tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.

“Nếu trẻ có biểu hiện bất thường về hô hấp, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra”, PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh, Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo.

Bệnh tay chân miệng tiếp tục gia tăng

Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh, tính đến tuần 40 đã ghi nhận 15.282 trường hợp mắc bệnh Tay chân miệng. Trong tuần 40 (ngày 26/9/2022 đến 2/10/2022), thành phố ghi nhận thêm 532 ca bệnh Tay chân miệng, tăng 22,9% so với trung bình 4 tuần trước đó. Trong đó số ca bệnh tăng ở các trường hợp khám ngoại trú và giảm các trường hợp nhập viện điều trị nội trú.

Tại tỉnh Đắk Lắk, theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, tính đến ngày 28/9, toàn tỉnh ghi nhận 729 trường hợp mắc tay chân miệng tại 15 huyện, thị xã, thành phố. Số ca mắc tay chân miệng tăng 30,2% so với cùng kỳ năm 2021 (560 trường hợp).

Bác sĩ Qui, Phó khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP Hồ Chí Minh) khuyến cáo, phụ huynh, giáo viên và nhà trường cần đặc biệt cẩn thận khi trẻ tựu trường mùa dịch. Cần thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh, phòng dịch. Cho tới nay, bệnh tay chân miệng vẫn chưa có vaccine để phòng bệnh, vậy nên biện pháp phòng ngừa bệnh tay chân miệng vẫn là rửa tay sạch sẽ, vệ sinh nơi ở và đồ chơi của trẻ thường xuyên.

Dù đã quen với việc đeo khẩu trang và rửa tay, khử khuẩn từ đại dịch COVID-19, nhưng hiện nay, người dân lại quên rằng cần rửa tay thật kỹ. Việc rửa tay kỹ không những giúp chúng ta phòng ngừa được bệnh tay chân miệng mà còn ngăn ngừa được rất nhiều bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP Hồ Chí Minh) chia sẻ thêm, ngay khi phát hiện các triệu chứng bất thường ở trẻ như nổi hồng ban ở tay, chân, sốt, biếng ăn, loét miệng..., cần nghĩ ngay tới tay chân miệng vì đây là một bệnh rất phổ biến ở trẻ em và rất nguy hiểm đối với trẻ. Cần nhanh chóng đưa trẻ tới cơ sở y tế để được hỗ trợ và điều trị kịp thời, tuyệt đối không được tự ý điều trị bệnh khi không có hướng dẫn của bác sĩ.

Người dân không được chủ quan trước dịch bệnh vì trẻ có thể mắc bệnh tay chân miệng nhiều lần trong đời. Ngoài ra, trẻ có thể gặp nhiều biến chứng nặng nề như sốc, viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp thậm chí có thể tử vong khi mắc bệnh tay chân miệng.

Sốt xuất huyết

Tính từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận gần 225.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 92 ca tử vong. Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội, Thủ đô ghi nhận tới 807 ca mắc trong tuần qua (tính từ 24-30/9), nâng tổng số ca ghi nhận từ đầu năm đến nay lên hơn 4.700 ca mắc (gấp 3,8 lần so với cùng kỳ năm trước), 5 ca tử vong.

Còn tại TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay, TP có 62.489 ca mắc sốt xuất huyết và 26 ca tử vong (bao gồm 7 trẻ nhỏ). Tình hình dịch vẫn phức tạp, số ca bệnh nặng, ca tử vong vẫn ở mức cao.

Hà Nội đang trong giai đoạn cao điểm của dịch sốt xuất huyết, nhiều trẻ mắc sốt xuất huyết nặng nhập viện. Tại Khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) thời gian gần đây đã ghi nhận nhiều trẻ mắc sốt xuất huyết, trong đó có một số ca biến chứng nặng.

BS.Vũ Thị Mai, Khoa Nhi, BV Thanh Nhàn (Hà Nội) cho biết: “Trong tình hình dịch sốt xuất huyết đang gia tăng tại Hà Nội, người dân cần cảnh giác khi có nghi ngờ mắc bệnh. Mặc dù bệnh sốt xuất huyết có thể theo dõi tại nhà, bệnh có diễn biến theo chu kỳ và tự khỏi nhưng nhiều ca đã diễn biến nặng. Các ca trẻ bị sốt xuất huyết nặng ở nhà chủ yếu do bố mẹ chủ quan. Đặc biệt, với sốt xuất huyết, hết sốt không có nghĩa là đã khỏi bệnh, giai đoạn này bệnh nhân rất dễ bị giảm tiểu cầu, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng”.

Cũng theo BS. Vũ Thị Mai, với trẻ mắc sốt xuất huyết, cần theo dõi tình trạng mệt, các dấu hiệu bất thường của trẻ. Nếu trẻ đau bụng, nhịp tim nhanh, chảy máu mũi, chảy máu chân răng, đi ngoài phân đen… thì phải đưa ngay đến cơ sở y tế. Đặc biệt, trong giai đoạn ngày thứ 4 của chu kỳ sốt xuất huyết, nên cho bệnh nhân đi xét nghiệm kiểm tra mức độ tiểu cầu để kịp thời có biện pháp chăm sóc, phòng tránh các biến chứng nặng.

Các bệnh hô hấp ở trẻ

Bác sĩ thăm khám cho trẻ mắc bệnh lý hô hấp đang điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội). Ảnh: Ngọc Nga

Bác sĩ thăm khám cho trẻ mắc bệnh lý hô hấp đang điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội). Ảnh: Ngọc Nga

Chỉ tính từ 15 đến 28/9, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP Hồ Chí Minh) đã tiếp nhận 42.329 ca bệnh ngoại trú và 1.257 ca bệnh nội trú điều trị bệnh hô hấp. So với tháng 8, số bệnh nhân thăm khám đã tăng lên gấp rưỡi.

Tại Hà Nội, tình trạng này diễn ra tương tự, số lượng bệnh nhi nập viện do mắc các bệnh về đường hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản cũng gia tăng.

Theo bác sĩ Vũ Thị Mai, Khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn, sau COVID-19, bệnh nhi mắc bệnh về hô hấp đông hơn, nhưng đặc biệt 1 tháng gần đây, số bệnh nhân khám và nhập viện tăng vọt. Nhiều bệnh nhi được gia đình đi hết các Bệnh viện Nhi Trung ương, Xanh Pôn và bệnh viện tư nhưng không còn chỗ nên lại về đây. Hiện khoa có 90 bệnh nhân nhi, trong số đó 2/3 là bệnh nhân nhi mắc các bệnh đường hô hấp, quá tải, phải mượn thêm giường điều trị của khoa phòng khác trong viện.

Về nguyên nhân dẫn đến số lượng bệnh nhi mắc các bệnh hô hấp tăng vọt, bác sĩ Mai lý giải: “Nguyên nhân có thể sau mắc COVID-19 bệnh nhi bị tổn thương đường hô hấp và hồi phục chậm, tạo điều kiện cho những virus, vi khuẩn khác xâm nhập vào hệ hô hấp và gây bệnh, có biểu hiện nặng hơn. Miễn dịch của bệnh nhi có vẻ giảm hơn, tỷ lệ tiêm phòng chưa đầy đủ, thậm chí uống vitamin A cũng chưa đầy đủ”.

Để chăm sóc trẻ trong thời điểm giao mùa, dịch bệnh truyền nhiễm tăng cao, theo khuyến cáo của bác sĩ Mai, chăm sóc tại nhà nên vệ sinh thường xuyên đường hô hấp trên, vùng mũi vùng họng nơi cửa ngõ vi khuẩn, virus bám đầu tiên. Đồng thời, tăng cường miễn dịch cho trẻ, ăn đủ vi chất, sinh hoạt khoa học, đi ngủ sớm, cách ly với các bạn co dấu hiệu bệnh truyền nhiễm.

Đậu mùa khỉ

Sáng 3/10, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ qua giám sát dịch tễ, là ca đậu mùa khỉ đầu tiên tại Việt Nam. Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đang phối hợp các đơn vị liên quan siết chặt phòng chống bệnh đậu mùa khỉ. Và sau 12 ngày điều trị, bệnh nhân đầu tiên mắc bệnh đậu mùa khỉ tại Việt Nam đã hết sốt, các bóng nước ở mặt, tay, chân… đã khô mày, tróc vảy và lên da non, các bóng nước ở họng cũng lành, hết đau. Khi tiến hành PCR dịch tiết 1 số vị trí kiểm tra hiện đã âm tính.

TS Trần Văn Giang, Phó viện Trưởng Viện Đào tạo và nghiên cứu các bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: "Theo WHO, những đối tượng có nguy cơ dễ tiến triển bệnh nặng gồm: trẻ em, phụ nữ có thai, những người mắc bệnh suy giảm miễn dịch: HIV, người đang điều trị hóa chất, người mắc cao huyết áp, tiểu đường… Cần theo dõi chặt đối với những trường hợp này”.

Cũng theo TS Giang, các biện pháp phòng tránh đã được WHO khuyến cáo là sử dụng vaccine, tuy nhiên vaccine chưa được lưu hành phổ biến, phải chờ hướng dẫn của WHO.

Ngoài ra, các biện pháp có thể áp dụng ngay lập tức: thứ nhất là nhận biết của người dân với đậu mùa khỉ. Thứ hai là hiểu biết đường lây của bệnh để có biện pháp phòng chống hữu hiệu nhất. Đường lây là từ động vật sang người, sau đó từ người sang người. Đối với đường lây từ động vật sang người thì chúng ta không nên tiếp xúc hoặc giết mổ những động vật không rõ nguồn gốc, bị ốm, bị chết. Hạn chế tiếp xúc với những trường hợp nghi ngờ hoặc khẳng định là nhiễm đậu mùa khỉ, hạn chế tiếp xúc vật dụng quanh người nhiễm bệnh. Ngoài ra, đậu mùa khỉ còn lây qua đường giọt bắn, vì thế việc đeo khẩu trang thường xuyên, thường xuyên sát khuẩn tay là điều cần thiết. Bệnh có thể lây truyền từ mẹ sang con, cần giám sát những trường hợp mang thai mà có dấu hiệu để có chẩn đoán, điều trị kịp thời để tránh lây nhiễm.

Đọc thêm