Cảnh báo ô nhiễm môi trường do đốt rơm rạ

(PLVN) - Thời gian gần đây, không khí ở Hà Nội và nhiều tỉnh, thành Đồng bằng Bắc Bộ liên tục trong tình trạng ô nhiễm nặng ở mức gây hại cho sức khỏe, ô nhiễm bụi mịn tăng cao, trong đó nguyên nhân được xác định do đốt rơm rạ sau thu hoạch.
Đốt rơm rạ lợi bất cập hại, gây ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe người dân.
Đốt rơm rạ lợi bất cập hại, gây ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe người dân.

Thực trạng theo chu kỳ

Theo chu kỳ, cứ sau các vụ thu hoạch lúa, tình trạng đốt rơm rạ lại diễn ra phổ biến. Hiện đang là thời điểm thu hoạch vụ lúa đông xuân (còn gọi là vụ chiêm) ở các địa phương. Sau khi thu hoạch lúa, nông dân thường có thói quen đốt rơm rạ dọn đồng, chuẩn bị cho vụ mới với quan điểm đốt lấy tro bón cho đất cũng như giảm thiểu được chi phí, nhân công xử lý rơm rạ, đồng thời tiêu diệt được mầm mống dịch hại… 

Nhưng trên thực tế, việc này “lợi ít, hại nhiều” khi mà khói rơm khuếch tán bay mù mịt gây ô nhiễm môi trường, ngoài ra còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Thậm chí, đốt rơm rạ còn làm mất chất dinh dưỡng của đất, tiêu diệt các loại thiên địch có ích, dẫn đến phát sinh nhiều bệnh dịch hại lúa. 

Tình trạng người dân phơi rơm, thóc hoặc đốt rơm tràn lan diễn ra tại nhiều tỉnh, thành khu vực Đồng bằng Bắc Bộ như: Thái Bình, Bắc Ninh, Nam Định, Thanh Hóa… thậm chí tại nhiều vùng quê ngoại thành Hà Nội, mỗi khi đến mùa thu hoạch, máy tuốt lúa sẽ được để ngay bên vệ đường, khi xong, thóc được đóng vào các bao tải, còn rơm được chất đống phơi ngoài đường, đợi đến khô mọi người sẽ đem ra đốt.

Chị Nguyễn Thu Thủy ở Mê Linh, Hà Nội cho biết: “Vào mùa thu hoạch người dân đốt rơm rạ ngoài đồng, ở lề đường cũng gây khó chịu, ai đi qua, ở gần cũng nóng bức, thậm chí cay mắt vì khói. Thế nhưng, cũng không ai nói hay lên tiếng. Vì thói quen, sự cảm thông cho nhau, ai cũng tặc lưỡi cho qua vì ngày mùa nên thông cảm. Không ai ý kiến gì cả, thậm chí có ý kiến thì chắc cũng không có cách nào khắc phục triệt để.

Thu hoạch lúa rồi, rơm rạ phát sinh phải xử lý chứ biết làm sao? Trâu, bò giờ không ai nuôi, cũng không ai dùng để đun nấu như xưa. Nói không đốt thì chắc rơm rạ cũng chất đống ở ngoài đồng. Cấm đốt là việc nên làm nhưng chính quyền, Nhà nước cũng cần có biện pháp phù hợp để hướng dẫn người dân cách xử lý khác hợp lý hơn” - chị Thủy bày tỏ quan điểm.

Không khí ngột ngạt vì rơm rạ

Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho biết, từ ngày 7 đến 13/6, chất lượng không khí ở thành phố Hà Nội có xu hướng kém, xấu về đêm và cải thiện dần vào trưa và chiều hôm sau. Chỉ số chất lượng không khí (AQI) dao động từ 17 đến 150. 

Cụ thể, kết quả phân tích chất lượng không khí tại 10 trạm trong nội thành cho thấy, chỉ số chất lượng không khí được cải thiện tích cực nhất là Tây Mỗ, Mỹ Đình, Tân Mai và Hoàn Kiếm. Một số ngày trong tuần khu vực: Hàng Đậu, Phạm Văn Đồng, Minh Khai, Trung Yên 3 và Thành Công nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí có xu hướng tăng cao vào ban đêm và rạng sáng.

Một số khu vực ở ngoại thành, từ 19h hôm trước đến 4h ô nhiễm không khí tăng mạnh. Điển hình như ở thị trấn Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn), khu vực xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai), khu vực Xuân Mai...

Theo Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái, ngoài nguyên nhân do thời tiết, bụi mịn từ phương tiện giao thông, công trình xây dựng, nhiều khu vực trên địa bàn thành phố còn bị tác động bởi khói rơm rạ.

Những ngày cuối tuần, khi tình trạng đốt rơm rạ ở ngoại thành và các tỉnh, thành phố lân cận giảm, chất lượng không khí ở nội thành dần ổn định trở lại mức tốt và trung bình. Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội khuyến cáo, người dân hạn chế đốt rác, giảm thiểu đun nấu bằng than tổ ong. Đặc biệt, các khu vực ngoại thành không đốt rơm rạ sau khi thu hoạch.

TS. Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam cho biết, khi đốt rơm rạ, một lượng bụi mịn có đường kính 1/30 sợi tóc sẽ đi sâu vào phổi, máu của người hít phải, gây nên các bệnh về đường hô hấp cấp tính và mạn tính. Nếu như với ô nhiễm bụi bình thường, chỉ cần dùng khẩu trang là có thể ngăn chặn được. Còn với bụi mịn, khẩu trang cũng vô ích.

TS Tùng cũng cho hay, trong khói đốt rơm rạ có các hạt bụi nhỏ, bồ hóng muội than, khí CO, CO2, SO2, NO2... Khói rơm, rạ có tính cay, làm chảy nước mắt, gây kích thích phản ứng ở họng, khiến người hít khói rơm rạ dễ bị ho, hắt hơi, buồn nôn, ngạt thở...

Khói do đốt rơm rạ thường cháy không thành ngọn lửa nên sinh ra rất nhiều khí CO (gọi là khí monoxide carbon). Đây là loại khí rất độc có thể gây chết người. Người hít nhiều và kéo dài có thể biến đổi cấu trúc của bộ máy hô hấp, dễ mắc nhiễm trùng phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi...

Về lâu dài, khói bụi, khí độc hít phải sẽ gây tổn thương khó nhận thấy nhưng nguy hiểm vì nó từ từ phá hủy bộ máy hô hấp. Trước hết là mũi họng, thanh quản bị viêm thường xuyên. Dấu hiệu ban đầu chỉ là hắt hơi, sổ mũi nhưng sau đó dẫn đến viêm mạn tính đường hô hấp trên.

Người bị bệnh sẽ luôn trong tình trạng thiếu oxy, dẫn đến suy giảm sức khỏe và dễ mắc các bệnh khác như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phế quản, viêm phổi và ung thư phổi. Khi đường hô hấp trên bị tấn công và phá hủy dần, sẽ không còn khả năng ngăn chặn những bụi bặm vi trùng tấn công sâu hơn vào phế quản và phổi.

Bị viêm lâu ngày, khí quản phải chống lại bằng cách tăng tiết nhiều đờm gây cản trở lưu thông bình thường ở đường thở. Tắc nghẽn này gây khó thở và ứ đọng đờm dãi, trở thành môi trường cho các vi khuẩn sinh sôi và dần đẩy người bệnh vào suy hô hấp, suy tim, suy nhược cơ thể và tử vong.

Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý

Xung quanh câu chuyện khói rơm, rạ gây ô nhiễm, đã có nhiều kiến nghị gửi tới cơ quan chức năng để tìm giải pháp ngăn chặn, xử lý. Thậm chí thành phố Hà Nội có thời điểm từng ra chỉ thị cấm hành vi đốt rơm rạ, bởi việc làm này đã ảnh hưởng tiêu cực đến bầu không khí của Thủ đô nhiều năm qua.  

Trước hiện tượng ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại Hà Nội và các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ vào buổi tối do đốt rơm rạ, Tổng cục Môi trường khuyến cáo người dân nên hạn chế các hoạt động ngoài trời vào buổi tối.

Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, còn về lâu về dài cần phải có giải pháp tổng thể, kể các các quy định và pháp luật cũng như các giải pháp công nghệ để giải quyết tình trạng này. Đây cũng là một trong những nội dung đáng chú ý trong Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân.

Trả lời truyền thông, ông Lê Hoài Nam - Vụ trưởng Vụ Quản lý chất lượng - Tổng cục Môi trường cho biết, trước đây, các nội dung có liên quan đến bảo vệ môi trường nông thôn nói chung, tận thu phụ phẩm nông nghiệp nói riêng được quy định rời rạc, phân tán tại nhiều điều khoản dẫn đến tình trạng khó khăn trong quá trình thực thi tại chính quyền địa phương các cấp. Chính vì vậy, trong Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi lần này có hẳn một điều luật quy định rơm rạ phải được sử dụng để sản xuất phụ phẩm nông nghiệp. 

Được biết, hiện nay nhiều địa phương đang áp dụng phương pháp vùi lấp rơm rạ. Tuy nhiên, khi áp dụng phương pháp này cần chú ý áp lực của cỏ dại và bệnh lúa có thể gia tăng khi rơm rạ được vùi vào đất và có thể gây hiện tượng ngộ độc hữu cơ. Vì vậy, có thể thay thế một giải pháp bền vững hơn bằng cách dùng rơm rạ là làm thức ăn gia súc nơi mà thức ăn gia súc khan hiếm hoặc bán cho người dùng phủ đất trồng rau màu, làm nấm…

Đọc thêm