Cảnh báo rủi ro trong xuất khẩu gỗ dán

(PLVN) -Là mặt hàng xuất khẩu (XK) quan trọng của công nghiệp gỗ Việt Nam, tuy nhiên XK gỗ dán của Việt Nam đang đối mặt với các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) mà các nước áp dụng với Việt Nam…
Cảnh báo rủi ro trong xuất khẩu gỗ dán

Thông tin đưa ra tại Hội thảo “Thúc đẩy giao thương gỗ dán và MDF Việt Nam – Cơ hội và thách thức trong bối cảnh đại dịch Covid-19” do Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) Cơ quan Phát triển quốc tế của Hoa Kỳ (USAID) và Cục PVTM (Bộ Công Thương) phối hợp tổ chức hôm 6/7.

Hội thảo “Thúc đẩy giao thương gỗ dán và MDF Việt Nam – Cơ hội và thách thức trong bối cảnh đại dịch Covid-19”.
Hội thảo “Thúc đẩy giao thương gỗ dán và MDF Việt Nam – Cơ hội và thách thức trong bối cảnh đại dịch Covid-19”.

Theo Viforest, khoảng 80% lượng gỗ dán sản xuất ra tại Việt Nam được XK trực tiếp. 

XK mặt hàng gỗ dán của Việt Nam rất tăng nhanh trong 5 năm gần đây. Bình quân, kim ngạch XK tăng trên 20%/năm. Nếu như, năm 2015 giá trị XK đạt trên 205,7 triệu USD, chiếm 3% trong tổng giá trị XK các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam, thì đến năm 2019 giá trị đạt 685,4 triệu USD, tăng 2,5 lần về giá trị xuất khẩ, kim ngạch XK mặt hàng này chiếm trên 7% . Trong 5 tháng đầu năm 2020, mặc dù gặp khó khăn khép do đại dịch Covid-19 và hai vụ kiện chống bán phá giá nhưng XK mặt hàng này đạt 893,4 nghìn m3 ứng với  286,87 triệu USD, tăng 14% về lượng so với cùng kỳ 2019, chiếm trên 7% tổng giá trị XK gỗ và sản phẩm gỗ…. 

Ngày 9/6 vừa qua, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã chính thức đưa ra quyết định điều tra ngành gỗ dán của Việt Nam. Quyết định này được đưa ra dựa trên cáo buộc của Liên minh Thương mại Công bằng về Gỗ dán cứng Hoa Kỳ rằng một số DN xuất gỗ dán từ Việt Nam vào thị trường này đã vi phạm điều luật về chống lẩn tránh thuế trong khuôn khổ của Đạo luật Thuế năm 1930 của Hoa Kỳ. 

Cụ thể, Liên minh này cáo buộc một số DN nhập khẩu (NK) gỗ dán có nguồn quốc từ Trung Quốc vào Việt Nam, sau giai đoạn gia công, sơ chế, lắp ghép tại đây, và mặc dù chưa đáp ứng được điều kiện xuất xứ và nhãn mác của Việt Nam, các công ty này xin chứng nhận xuất xứ (COC) từ các cơ quan chức năng của Việt Nam để XK các sản phẩm này dưới nhãn mác của Việt Nam vào thị trường này.

Quá trình điều tra của DOC diễn ra trong vòng 300 ngày, bắt đầu kể từ ngày khởi xướng điều tra. Trong thời gian điều tra, Chính phủ Hoa Kỳ có thể đưa ra các mức thuế tạm thời áp dụng đối với mặt hàng này mà Việt Nam xuất vào Hoa Kỳ. Dựa trên kết luận điều tra chính thức, Chính phủ Hoa Kỳ sẽ quyết định có áp thuế chính thức hay không, và nếu có mức thuế này sẽ là bao nhiêu và áp dụng cho những nhóm đối tượng DN nào XK từ Việt Nam. 

Trước đo, ngày 3/12/ 2019 Ủy ban Thương mại của Hàn Quốc (KTC) cũng đã chính thức ra quyết định điều tra đối với mặt hàng gỗ dán của Việt Nam XK vào thị trường này. Quyết định điều tra được đưa ra dựa trên cáo buộc 6 DN từ Việt Nam XK mặt hàng này vào Hàn Quốc đã vi phạm quy định về chống bán phá giá.

Ngày 24/4/2020, KTC công bố kết quả điều tra sơ bộ, theo đó mức thuế tạm thời được áp dụng đối với tất cả các sản gỗ dán từ Việt Nam XK vào thị trường này sẽ ở mức 9,18 – 10,56% (tuy nhiên 6 công ty nằm trong diện điều tra có mức thuế cao hơn). Mức thuế tạm thời được áp dụng từ 29/5 tới 28/9/2020. 

Vào năm 2015, Bộ Kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ cũng chính thức điều tra mặt hàng này của Việt Nam. Ngày 28/10/2016 Bộ này đã đưa ra quyết định cuối cùng về kết quả điều tra, theo đó, mức thuế 240 USD/m3 được áp dụng cho tất cả DN không phản hồi thông tin cho cơ quan điều tra (Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ áp dụng mức thuế bằng 0 cho riêng 2 DN có phản hồi thông tin)

“Các thông tin trên cho thấy xu hướng rủi ro trong các vụ kiện liên quan đến chống bán phá giá đối với các mặt hàng gỗ XK từ Việt Nam ngày càng gia tăng, đặc biệt trong bối cảnh ngành gỗ Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với thị trường thế giới, và cuộc chiến thương mại Mỹ Trung cũng làm gia tăng các rủi ro này. Trong tương lai, các DN gỗ Việt Nam sẽ tiếp tục phải đối mặt với các rủi ro, không chỉ đối với mặt hàng gỗ dán mà có thể đối một số mặt hàng khác, ở các thị trường XK khác…” - ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích chính sách của Tổ chức Forest Trends, cảnh báo.

Theo chuyên gia đến từ Forest Trends, hình thành và thực hiện các cơ chế giảm thiểu ro trên cả 2 phương diện này là một việc hết sức cấp bách và cần thiết đối với các cơ quan quản lý và cộng đồng DN, các DN trong ngành, đặc biệt là đối với các bên đang trực tiếp tham gia chuỗi cung gỗ dán, cũng như các chuỗi cung có sử dụng gỗ dán làm nguồn nguyên liệu đầu vào…

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Vifores, cho biết, nhằm giảm rủi ro gây ra bởi các vụ kiện, thời gian vừa qua Chính phủ đã đưa một số cơ chế, chính sách quan trọng. như: Quyết định 824/QĐ-TTg ngày 4/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ”. trong đó yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, quản lý các mặt hàng tiềm ẩn rủi ro, bao gồm mặt hàng gỗ dán được NK từ Trung Quốc vào Việt Nam; Nghị quyết 50—NQ/TW  ngày 20/8/2020, Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, nhằm nâng cao chất lượng thể chế và chính sách và hiệu quả, bao gồm cả việc giảm rủi ro, trong các hoạt động đầu tư nước ngoài...

Đại diện Vifores khuyến cáo, các DN cần đánh giá chi tiết thực trạng của việc NK và sản xuất gỗ dán trong nước, cung cấp thông tin đầy đủ cho chuỗi cung ứng nội địa. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các đơn vị NK và các đơn vị sản xuất nội địa, sự chuyển dịch đầu tư… để DN Việt Nam có thể tránh được các rủi ro trong thời gian tới.

Ông cũng lưu ý, bản thân các DN ngành ván và đồ gỗ cần tái cấu trúc lại sản xuất, kinh doanh, áp dụng những giải pháp mới về công nghệ và quản trị để gia tăng được sản lượng lẫn chất lượng sản phẩm nhưng giảm được giá thành. DN cũng cần có tầm nhìn xa trông rộng, liên kết và đoàn kết chặt chẽ hơn nữa để phát triển bền vững…

Thay đổi trong đầu tư FDI vào mặt hàng gỗ dán 

Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài  từ năm 1995 cho tháng 6 năm 2020 Việt Nam tiếp nhận 53 dự án FDI đầu tư mới vào sản xuất gỗ dán, với tổng số vốn đầu tư 276,45 triệu USD. Con số này bao gồm 2 dự án đầu tư mới về sản xuất gỗ dán, với số vốn đầu tư là 14 triệu USD trong 6 tháng đầu 2020. 

Số dự án FDI đầu tư vào sản xuất gỗ dán có độ biến động rất lớn. Cụ thể, trong giai đoạn 1995-2014 (20 năm) chỉ có 11 dự án FDI đầu tư vào sản xuất gỗ dán. Tuy nhiên từ năm 2015 đến hết tháng 6 năm 2020 (khoảng 5 năm), Việt Nam đã tiếp nhận 42 dự án FDI đầu tư vào sản xuất ván dán, với số vốn đầu tư 243,07 triệu USD. Hiện có 11 quốc gia đầu tư vào mặt hàng này. 

Đọc thêm