Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong top 10 nhóm sản phẩm hàng hóa có kim ngạch xuất khẩu cao của Việt Nam có 7 nhóm sản phẩm hàng hóa và linh kiện như điện thoại linh kiện, hàng dệt may, hàng thủy sản, giày dép... đều bị sụt giảm nhẹ hoặc giữ ở mức tương đương của năm ngoái.
3 nhóm hàng hóa có giá trị xuất khẩu tăng trưởng đó là nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng sản xuất, nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, cuối cùng là nhóm gỗ và sản phẩm gỗ.
Trị giá kim ngạch xuất khẩu của nhóm sản phẩm máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng sản xuất của Việt Nam tăng đến 27,4% so với cùng kỳ năm trước, đạt 6,78 tỉ đô la.
Trị giá xuất khẩu nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện trong 4 tháng đầu năm đạt tổng kim ngạch đến 12,14 tỉ đô la, tăng đến 26% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhóm gỗ và sản phẩm gỗ dù trong thời gian qua bị ảnh hưởng nhiều về việc nhà nhập khẩu ở thị trường Mỹ và EU tạm ngưng nhận hàng do dịch Covid-19 nhưng kim ngạch 4 tháng qua vẫn tăng 5,1%, đạt 3,29 tỉ đô la.
Nhiều doanh nghiệp cho biết, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vẫn tăng do có những đơn hàng từ trước dịch Covid-19. |
Hầu hết các thị trường nhập khẩu nhóm mặt hàng sản phẩm máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác của Việt Nam đều tăng cao.
Cụ thể thị trường Mỹ với 2,22 tỉ đô la (tăng mạnh 71%); thị trường EU (28 nước) đạt trị giá 1,07 tỉ đô la (tăng 31,7%); thị trường Nhật Bản với 655 triệu đô la (tăng 9,4%); và thị trường Hàn Quốc với 643 triệu đô la (tăng 38,9%) so với cùng kỳ năm trước.
Về nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện theo thống kê ghi nhận Trung Quốc là thị dẫn đầu nhập khẩu nhóm mặt hàng trên của Việt Nam, đạt 3,42 tỉ đô la, tăng 40,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, nhập khẩu nhóm mặt hàng này tăng đột biến phải kể đến thị trường Mỹ đạt 2,67 tỉ đô la, tăng gấp 2,1 lần và thị trường Hồng Kông đạt 945 triệu đô la, tăng 33,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Những thị trường khác như khu vực châu Âu - EU (28 nước) cũng nhập nhóm mặt hàng này của Việt Nam với giá trị cao lên đến 1,55 tỉ đô la, nhưng bị sụt giảm 6,3%; hay thị trường Hàn Quốc đạt 851 triệu đô la, giảm 9,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặc dù vậy, theo giới quan sát hai nhóm mặt hàng nói trên phần lớn là do nhà đầu tư nước ngoài đầu tư sản xuất, gia công... Doanh nghiệp thuần Việt Nam ít tham gia vào chuỗi sản xuất cung ứng này trên thị trường thế giới.
Thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam riêng Mỹ chiếm gần 50% tổng trị giá kim ngạch (1,6 tỉ đô la), tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường Trung Quốc với 450 triệu đô la, tăng 25,2%; Nhật Bản với 437 triệu đô la, tăng 8,9%…
Tính đến hết tháng 4/2020, theo Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 158,94 tỉ đô la, tăng 0,9% (tương ứng tăng 1,4 tỉ đô la) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó trị giá hàng hóa xuất khẩu đạt 80,86 tỉ đô la, tăng 2% và nhập khẩu đạt 78,08 tỉ đô la, giảm nhẹ 0,3%.
Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa trong 4 tháng đầu năm nay của cả nước thặng dư được 2,78 tỉ đô la.