Ngành gỗ chinh phục mục tiêu xuất khẩu 12 tỷ USD trong năm nay

(PLVN) -Chủ trì Hội nghị bàn giải pháp khôi phục chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản sau dịch bệnh Covid-19, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường đã nhấn mạnh, cần tập trung các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, phát triển ngành kinh tế mũi nhọn này không những đạt mục tiêu xuất khẩu mà vươn lên trở thành Trung tâm đồ gỗ toàn cầu…
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường và Thứ trưởng Hà Công Tuấn lắng nghe ý kiến của DN ngành gỗ
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường và Thứ trưởng Hà Công Tuấn lắng nghe ý kiến của DN ngành gỗ

80% người mua hủy đơn hàng

Năm 2019 xuất khẩu (XK) đồ gỗ và lâm sản Việt Nam (VN) đạt 11,2 tỷ USD, vượt 107% kế hoạch, tăng 19,2% so với năm 2018. Với tốc độ tăng trưởng hàng năm 2 con số, ngành gỗ đặt mục tiêu XK trong năm nay là 12,5 tỷ USD. Đây là con số trong tầm tay nếu không có dịch Covid-19, đại dịch làm đảo lộn mọi mặt đời sống kinh tế xã hội của tất cả các quốc gia trên thế giới.

Báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp (TCLN) cho biết, tháng 4/2019, giá trị XK gỗ và lâm sản đạt 734,2 triệu USD giảm 19,2% so với cùng kỳ năm 2019. Luỹ kế 4 tháng, giá trị XK gỗ và lâm sản đạt 3,5 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, 5 thị trường XK chính đạt 3,161,5 tỷ USD, chiếm 90,3% giá trị XK. 

Theo ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng TCLN, mức tăng trưởng XK trong 3 tháng đầu năm phù hợp với quy luật của một số năm gần đây, do các đơn hàng luôn được ký kết từ cuối năm 2019 và đầu năm 2020.

Tuy nhiên, đến tháng 4, do dịch bệnh lan rộng tại nhiều quốc gia, giá trị XK gỗ và lâm sản của VN đã giảm mạnh, giảm 19,2% so với cùng kỳ 2019 và giảm trên 20% so với tháng 3/2020.

Theo kịch bản TCLN đưa ra, đà suy giảm XK gỗ sẽ tiếp tục trong Quý II với dự báo tổng giá trị XK sẽ đạt khoảng 2,18 tỷ  USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2019 và giảm 11,3% so với Quý I/2020). Phải từ quý III, tình hình mới bắt đầu khả quan khi tổng giá trị XK được  dự báo sẽ đạt khoảng 3,12 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2019 và tăng khoảng 43% so với Quý II/2020; Quý IV, sẽ là thời điểm tăng trưởng cao nhất, dự kiến giá trị XK sẽ đạt mức 3,82 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2019.

Kết quả khảo sát nhanh của các Hiệp hội, TCLN tại hơn 200 DN cho thấy 80% người mua dừng hoặc huỷ đơn hàng; hầu hết các DN thu hẹp quy mô sản xuất, chỉ có 7% DN hoạt động bình thường, 86% DN bị ngừng sản xuất một phần và khoảng 7% đã ngừng hoạt động toàn bộ do thiếu đơn hàng hoặc thiếu nguyên vật liệu và vốn đầu tư sản xuất.

Trong bối cảnh có nhiều tác động tiêu cực đến ngành chế biến, XK gỗ và lâm sản, TCLN và các Hiệp hội dự báo giá trị XK gỗ và lâm sản năm 2020 sẽ đạt khoảng 11,75 tỷ USD, tăng 3,9% so với 2019, giảm 6,6% so với mục tiêu tăng trưởng đầu năm đề ra.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, nếu khôi phục và đẩy mạnh được sản xuất và XK của ngành gỗ trong thời gian tới sau dịch Covid-19, kim ngạch XK trong năm 2020 vẫn có khả năng tăng trưởng khoảng 5%, với khoảng 12 tỷ USD.

Doanh nghiệp chủ động, nhà nước hỗ trợ bằng chính sách

Đích thân Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường và Thứ trưởng Hà Công Tuấn chủ trì Hội nghị sáng nay, 15/5, để lắng nghe ý kiến từ các Hiệp hội, DN. Bộ trưởng cho biết, Hội nghị này có sự tham gia của 65 đại biểu “bao gồm các thành phần rất quan trọng”- theo lời Bộ trưởng Cường.

“Tinh thần là Bộ mong muốn được lắng nghe những khó khăn, đề xuất kiến nghị của các hiệp hội, DN, đại diện các làng nghề trong ngành gỗ nhằm kịp thời đề xuất Chính phủ kịp thời có các chính sách nhằm khôi phục sản xuất, đẩy mạnh chế biến và XK trong năm 2020 cũng như tạo đà cho những năm tới…” - Bộ trưởng nhấn mạnh. Ông cũng khẳng định, từ ngành chỉ mang khía cạnh môi sinh, đến nay, ngành sản xuất, chế biến gỗ và lâm sản đã là một ngành kinh tế mũi nhọn, và mặc dù khó khăn nhưng đây vẫn là ngành hàng có lợi thế phát triển…

DN ngành gỗ đẩy mạnh bán hàng trực tuyến
 DN ngành gỗ đẩy mạnh bán hàng trực tuyến

Chủ tịch Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) Đỗ Xuân Lập tự tin khi khẳng định, mặc dù trong bối cảnh dịch còn kéo dài, nhưng trong năm 2020 ngành gỗ vẫn có thể tăng trưởng gần 2 con số. Lý do được ông Lập đưa ra là: Thị trường đồ gỗ, đặc biệt là những sản phẩm cốt lõi có doanh số nhiều tỷ USD đang có sự chuyển dịch về VN; Đầu tư nước ngoài đã chuyển dịch mạnh vào ngành gỗ, nhất là khi VN đã cơ bản khổng chế được đại dịch, thế giới đang có chính sách sống chung với dịch và đang mở cửa dần thị trường; Hiện các DN đang tích cực chuyển đổi vào những sản phẩm cốt lõi, những mặt hàng có số lượng lớn và rất nhiều DN đang sản xuất rất rầm rộ, làm không hết đơn hàng dù là đang trong mùa dịch…

Trước dự báo về kim ngạnh XK sẽ tiếp tục sụt giảm trong Quý II, ông Lập cho rằng “không có gì phải lo lắng” vì đó cũng là điều bình thường do hàng outdoor là nghỉ mùa hè, hàng indoor thường cũng giảm 30% trong 3 tháng hè.

Trong bối cảnh dịch còn kéo dài, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, thị trường có sự chuyển dịch, chính sách thương mại có nhiều thay đổi và các hiệp định VN đã ký kết, để ngành gỗ vẫn duy trì tăng trưởng trong năm 2020 và phát triển bền vững trong dài hạn đạt mục tiêu 20 tỷ USD đến năm 2025, theo Chủ tịch VIFOREST, các DN cần tích cực, chủ động tìm giải pháp, mạnh dạn tái cấu trúc, thay đổi công nghệ để nâng cao năng lực quản trị, tìm mọi cách để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng thời, chủ động xây dựng chuỗi cung ứng trong nước (thay thế nguyên, phụ liệu, thiết bị nhập khẩu); Xây dựng các chiến lược về sản phẩm, thị trường khách hàng, nguồn nhân lực, phát triển nguồn nguyên liệu… trong bối cảnh sống chung với đại dịch.

Đặc biệt, Chủ tịch VIFOREST cũng lưu ý các DN cần đa dạng hóa các kênh bán hàng, đẩy mạnh sản xuất cung ứng cho thị trường nội địa, phát triển thương hiệu ngành gỗ…

“Tuy nhiên, để ngành gỗ phát triển bền vững, các DN rất cần sự hỗ trợ tích cực kịp thời của Chính phủ, các bộ ngành và địa phương. Sự hỗ trợ nguồn lực của nhà nước mà các DN cần đó là chính sách!” - Chủ tịch VIFOREST khẳng định

Ông cũng đề nghị các bộ ngành, đặc biệt là bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước và các ngân hàng thương mại có chính sách tài chính với lãi vay hợp lý hỗ trợ các DN cấu trúc lại nhà máy, thay đổi công nghệ, để đầu tư sản xuất những sản phẩm có tính chiến lược nhu cầu cao của thế giới… 

Đọc thêm