Cảnh báo tình trạng ma túy rao bán công khai

(PLVN) - Bán bánh cần sa trên trang thương mại điện tử, bán lá cần sa trên facebook, tem giấy, bồ đà trên các diễn đàn hay bóng cười trên website là chuyện khá phổ biến hiện nay. Vì sao càng cấm, các chất ma túy, gây nghiện này lại càng được rao bán công khai như thế?

Mở gian hàng bán cần sa

Mới đây, trang thương mại điện tử (TMĐT) Shopee đã xóa một gian hàng chuyên bán bánh cần sa và phối hợp với cơ quan chức năng về vụ việc. Trước đó, tài khoản Quantrum2011 đã mở gian hàng và bán các loại bánh có chứa chất cần sa từ cuối năm 2018.

Theo quảng cáo của tài khoản này, các sản phẩm bánh do gian hàng này làm ra như bánh kem, bánh chocolate và nhiều loại bánh làm từ lá cần sa khác có tác dụng chậm và mạnh hơn hít cần sa thông thường, thậm chí có cảm giác như hút 3-4 điếu cần sa một lúc, với ảo giác như đang bị “giật nát người”.

Giá của sản phẩm từ 100-500 ngàn, vốn là giá “trên trời” với những người không biết đến loại bánh này. Thực chất, những người mua đều là những người từng sử dụng sản phẩm hoặc biết đến tài khoản của chủ gian hàng từ các địa chỉ khác như nhóm, website.

Với sự lỏng lẻo trong quản lý của trang TMĐT, gian hàng nói trên đã kinh doanh các loại bánh liên quan đến cần sa trong suốt nửa năm trời, được đơn vị vận chuyển liên kết với Shopee giao hàng giúp, doanh thu không nhỏ cho đến khi bị phát hiện.

Bánh cần sa trên Shopee thực chất không làm các dân chơi quá ngạc nhiên. Trên các trang TMĐT, tuy ma túy hay các chất gây nghiện không được rao bán công khai, nhưng những dụng cụ hỗ trợ cho việc “hút hít” thì được mua bán quá dễ dàng.

Trên một trang mạng chuyên bán hàng khác, các dụng cụ dùng chuyên cho dân hút cỏ, cần sa như boong, tẩu, nõ hay máy xay mini được bày bán vô số kể, đa số là hàng xuất xứ từ Trung Quốc. 

Một gian hàng có tài khoản “phụ kiện 420” ngay từ biểu tượng lá cần sa được để trên avata cũng cho thấy xu hướng kinh doanh của mình: Tất cả các sản phẩm chuyên dùng cho dân chơi cần sa, trong đó có nhiều dụng cụ khá “độc”.

Loạt phụ kiện hút cỏ, cần sa được rao bán trên một trang mạng.
Loạt phụ kiện hút cỏ, cần sa được rao bán trên một trang mạng.

“Rất tiện dụng khi bỏ túi đi ra ngoài”; “Cảm ơn bạn, chúc bạn get high thành công”… là lời bình luận qua lại về một sản phẩm tẩu hút cần sa trên gian hàng này. Và “get high” cũng là từ mà dân hút cần sa thường dùng để chỉ trạng thái “phê cần”.

Đồ chơi vô hại? 

Không chỉ trên trang TMĐT, cần sa cũng được bày bán khá công khai trên Facebook. Một số tài khoản cá nhân đăng, rao bán cần sa công khai, giao hàng tận nơi. Thậm chí, nhiều Fanpage còn được lập ra với tên Cần sa hoặc Cannabis (tên quốc tế của cần sa) để chia sẻ, trao đổi thông tin hay buôn bán loại ma túy này.

Không chỉ có cần sa, hiện nay, nhiều loại ma túy, chất gây nghiện khác như tem giấy, bóng cười cũng được rao bán trên mạng khá ngang nhiên như thế. Tìm kiếm từ “bóng cười” trên Google, có thể dễ dàng tìm ra hàng loạt thông tin trao đổi, buôn bán sản phẩm cấm này.

Thậm chí, nhiều website bán bóng cười còn quảng cáo top đầu google, như “xưởng bóng cười” hay “bóng cười Sài Gòn”, với cam kết giá rẻ và giao hàng tận nơi.

Ngoài ra, một số loại ma túy đang “hot” trong giới trẻ như tem giấy, nấm ảo giác, các loại lá gây ảo giác như lá khát, hoặc ma túy dưới dạng kẹo như kẹo dán, kẹo màu... cũng được phân phối rộng rãi trên mạng thông qua nhiều kênh như nhóm kín, diễn đàn... 

Điều đáng nói, các sản phẩm ma túy trá hình kiểu mới hiện nay được thông tin là những “đồ chơi” gây ảo giác, vui vẻ tức thời chứ không hề gây nghiện, không giống chất ma túy để khiến giới trẻ yên tâm, sử dụng và sa đà.

Như cần sa, có hẳn một số website tiếng Việt nhưng tên miền từ nước ngoài để “minh oan” rằng cần ca không phải ma túy, đã được nhiều nước trên thế giới bỏ lệnh cấm, thậm chí có tác dụng trị liệu tâm lý... Chính vì các thông tin nhiễu loạn này, một bộ phận giới trẻ sử dụng cần sa như thuốc lá, hút hàng ngày và tự hào vì “đi cùng xu thế dân chơi thế giới”.  

Đọc thêm