Nghe tin sét đánh
Vài năm trước, trong một lần đi kiểm tra sức khỏe định kỳ trước khi tiến hành phẫu thuật loại bỏ sỏi mật, ông Wang Tong - một người đàn ông góa vợ ngoài 70 tuổi, đang sinh sống tại thành phố Thượng Hải, Trung Quốc - đã gần như ngã gục khi nghe bác sĩ thông báo ông dương tính với HIV.
Ban đầu, Wang không nói gì nhưng sau đó ông buộc lòng phải thừa nhận với bác sĩ rằng ông đã có quan hệ tình dục với 2 người bạn là nữ giới trong vài năm. Ông Wang là một trong số ngày càng nhiều những công dân lớn tuổi ở Trung Quốc, đặc biệt là nam giới, được chẩn đoán nhiễm HIV trong thời gian qua.
Kế hoạch 5 năm về phòng chống AIDS được Hội đồng nhà nước Trung Quốc công bố hồi năm ngoái đã lần đầu tiên đưa người già vào nhóm ưu tiên trong thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm bênh ở nước này.
Năm 2016, hãng tin Tân Hoa xã trong một bài viết cho biết, chỉ trong vòng 9 tháng đầu năm đó đã có khoảng 13.000 nam giới ở Trung Quốc từ 60 tuổi trở lên được chẩn đoán nhiễm HIV. Con số này cao gấp 3,6 lần so với con số của 2010 và gấp gần 6 lần so với con số những người từ 25 đến 24 tuổi được chẩn đoán nhiễm HIV ở cùng giai đoạn.
Mặc dù người già thường được xem là ít hoạt động tình dục nhưng các chuyên gia cho biết việc quan hệ tình dục khác giới là một trong những phương thức lây truyền HIV phổ biến nhất ở người già. Việc nhiều người già không nghĩ rằng bản thân họ có nguy cơ bị nhiễm bệnh cũng là một trong những lý do khiến số ca lây nhiễm HIV/AIDS đặc biệt nhanh ở nhóm đối tượng này.
Sự gia tăng đáng lo ngại
Theo một báo cáo do Bộ Y tế Trung Quốc công bố năm 2012, trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2011, tỉ lệ những người từ 50 đến 64 tuổi bị nhiễm HIV trong tổng số các ca nhiễm virus ở nước này đã tăng từ 1,6 lên thành 13,8% và số người nhiễm bệnh từ 65 tuổi trở lên tăng từ 0,34 lên thành 7,3%.
Ở một số khu vực, số liệu thống kê thậm chí còn đáng kinh ngạc hơn. Ví dụ, theo một nghiên cứu do nhà nghiên cứu Liu Hongjie công bố năm 2012 trên Tạp chí chăm sóc bệnh nhân AIDS và các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, trong số những người đang sống chung với HIV hoặc AIDS ở Nam Ninh, thủ phủ của tỉnh Quảng Tây, số người từ 50 tuổi trở lên đã tăng từ 16,5% ở năm 2007 lên thành 42,7% vào năm 2010.
Theo các khảo sát do ông Pan Suiming – Giáo sư tại viện tình dục và giới tại trường Đại học Renmin của Trung Quốc – thực hiện, người già ở Trung Quốc hiện nay có quan hệ tình dục nhiều hơn so với trước kia.
Theo đó, từ năm 2000 đến năm 2011, trong nhóm những người từ 50 tới 61 tuổi tham gia khảo sát, số người quan hệ tình dục từ 2 lần trở lên mỗi tuần đã tăng từ 1% lên thành 10% và số người được cho là thiếu thốn về tình dục, tức những người có quan hệ tình dục chưa đến 1 lần 1 tháng – đã giảm từ 60% xuống còn 40%.
“Khi mức sống gia tăng, nhiều người già trở nên cởi mở hơn trong việc quan hệ tình dục và có ham muốn tình dục cao hơn trước đây. Tuy nhiên, nhiều người trong nhóm này lại có xu hướng không sử dụng bao cao su và quan hệ tình dục an toàn vì họ không còn lo lắng về việc mang thai. Điều này đã khiến nguy cơ bị nhiễm HIV của họ trở nên cao hơn”, ông Chen Xiaoyu – Giám đốc một dự án về HIV và AIDS tại Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật ở Lạc Sơn thuộc tỉnh Tứ Xuyên ở phía tây nam Trung Quốc – lý giải.
Năm 2015, một cụ bà 91 tuổi ở Yiwu, thuộc tỉnh Chiết Giang của Trung Quốc đã được chẩn đoán mắc bệnh AIDS, khiến bà trở thành người già nhất sống chung với bệnh tại Chiết Giang. Truyền thông địa phương cho biết, cụ bà góa chồng và sống một mình suốt 20 năm trước khi mắc bệnh.
Khi được các nhân viên của trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh hỏi, cụ bà cho biết thi thoảng có đi nhặt rác để kiếm thêm thu nhập và đã có quan hệ tình dục với 2 hoặc 3 người đàn ông ngoài 60 tuổi.
Nhận thức còn hạn chế
Ông Peng Xiaohui – một giáo sư về ngành tình dục học tại trường Đại học trung ương Trung Quốc ở Vũ Hán – cho biết, một số người già có nhiều đối tác tình dục sau khi bạn đời của họ qua đời. “Sự gia tăng số đối tác tình dục khiến nguy cơ bị lây nhiễm HIV/AIDS của họ cũng gia tăng”, vị giáo sư nhận định.
Theo các chuyên gia, một số người già ở Trung Quốc thường tìm đến các trung tâm khiêu vũ hay các trung tâm thể dục có nhiều người trung niên và người đã nghỉ hưu tham gia sinh hoạt để tìm bạn tình.
Tờ Beijing Times trong một bản tin năm 2016 cho hay, một người đàn ông 52 tuổi đã qua lại với hơn 50 bạn tình mà ông ta gặp ở các câu lạc bộ khiêu vũ. Người đàn ông này và hơn 10 người có quan hệ tình dục với ông ta sau đó đã có kết quả dương tính với HIV.
|
Hình minh họa |
Nhiều người khác, trong đó có những người già không còn người thân bên cạnh, chọn tìm đến mại dâm để thỏa mãn nhu cầu tình dục của bản thân. Vì nhiều người không nghĩ rằng mình có nguy cơ bị bệnh nên họ cũng không có ý thức tự bảo vệ mình khỏi nguy cơ lây nhiễm.
“Hầu hết những người già bị bệnh mà tôi gặp đã mang virus trong người trong nhiều năm trước khi họ được phát hiện có bệnh. Việc phát hiện bệnh cũng thường là do tình cờ qua các sự kiện như kiểm tra sức khỏe định kỳ hoặc khi họ đi điều trị các bệnh khác. Sự thiếu nhận thức về bệnh này cũng là một nguyên nhân khiến nó lây lan nhanh ở người già”, ông Chen nhận định.
Thái độ của con trẻ
Các chuyên gia cho biết, với người già, việc bị chẩn đoán nhiễm HIV/AIDS mới chỉ là sự khởi đầu của những đau khổ mà họ phải chịu. Bởi tiếp sau đó, họ sẽ phải sống với sự kỳ thị và việc phải điều trị kéo dài trong suốt quãng đời còn lại.
Theo ông Chen, đó chính là lý do khiến con cháu của nhiều người già bị nhiễm HIV không nói với họ rằng họ đã bị nhiễm HIV để tránh làm người già buồn hoặc mặc cảm. Một số người khi biết bị bệnh đã chọn không điều trị vì sợ bị kỳ thị vì các loại thuốc điều trị ARV thường được cấp phát cho bệnh nhân thông qua cộng đồng và không dễ để giữ bí mật.
Việc điều trị HIV/AIDS cho người già cũng gặp nhiều khó khăn vì ở tuổi của họ, sức khỏe không còn được tốt nên họ có thể gặp nhiều tác dụng phụ do thuốc hơn các nhóm đối tượng khác. “Những người già dễ bị tổn thương bởi sự phân biệt đối xử trong xã hội hơn.
Thêm vào đó, trong khi người trẻ có thể có được sự hỗ trợ và nhiều kiến thức về bệnh tật thông qua mạng xã hội thì người già thường phải một mình đối phó với bệnh tật”, Cheng Shuaishuai – chuyên gia tại một trung tâm tư vấn về AIDS ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc – phân tích thêm.
Ông Chen cho rằng, trong bối cảnh như vậy, con cái đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa khả năng lây nhiễm HIV/AIDS của người già. Họ có thể giúp cha/mẹ bớt cảm giác cô quạnh, hiểu được về bản thân cũng như có được những kiến thức cơ bản để bảo vệ mình. Các cộng đồng dân cư hay công ty của những người đã nghỉ hưu cũng có thể thực hiện các chiến dịch tuyên truyền về tình dục an toàn để giúp giảm thiểu bệnh.
Năm 2017, truyền thông Trung Quốc đưa tin về vụ việc một cụ ông 90 tuổi được chẩn đoán đã bị AIDS. Con cái của cụ ông góa vợ này nói rằng ông có thể đã bị nhiễm bệnh khi mua dâm một số người ở trong làng.
Song, sau khi biết bệnh của cha, con cái của ông đã quyết định không nói với ông vì sợ ông sẽ mặc cảm. Sau mỗi lần nhận thuốc điều trị cho cha từ cơ quan y tế địa phương, con cái của ông cụ đều vứt hết bao bì rồi đưa thuốc không cho bố.
Một số người chọn đưa cha mẹ bị bệnh tới nơi khác sinh sống và điều trị bệnh để tránh bị nhòm ngó. Những cách xử trí tế nhị như vậy cũng có thể giúp người già có thể có được cuộc sống tốt hơn khi mang trong mình HIV/AIDS./.