Theo PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, gần đây đã xuất hiện một số trường hợp viêm não mô cầu ở TP. Hồ Chí Minh, Sơn La, Hòa Bình, Gia Lai, Nam Định, Lạng Sơn và đã có bệnh nhân tử vong.
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng khuyến cáo: Khi phát hiện dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị. Cục Y rế Dự Phòng cũng khuyến cáo người dân nên đi tiêm phòng.
Đề nghị các Sở Y tế điều tra tất cả các trường hợp mắc bệnh tại cộng đồng và các cơ sở y tế, để báo cáo về Bộ Y tế.
Cảnh báo này của Bộ Y tế được phát đi sau khi một nữ sinh lớp 12 ở Hải Dương tử vong do bị viêm não mô cầu.
Như vậy, sau hơn 10 năm không có bệnh nhân bị viêm não mô cầu, mới đây, Hải Dương đã có một bệnh nhân mắc bệnh này và tử vong rất nhanh sau khi được phát hiện.
Bệnh nhân tên Đỗ Thị X. trú tại khu Thượng Đạt, phường Tứ Minh, TP Hải Dương và là học sinh lớp 12, Trường THPT Lương Thế Vinh.
Trước đó em X. có biểu hiện sốt, đau đầu và được gia đình đưa bệnh nhân đến khám, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương. Khi thấy bệnh nhân có dấu hiệu xuất huyết, các bác sĩ đã chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Quân y 108.
Bệnh viện Quân y 108 tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng sốc nhiễm trùng, suy hô hấp, rối loạn đông máu và đã cấp cứu khẩn trương. Tuy nhiên, do tình trạng bệnh nặng, em X. đã tử vong vào 10h ngày 22-2 vì nhiễm khuẩn huyết/viêm màng não mủ do não mô cầu.
Cũng ngay sau đó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) đã chỉ đạo Sở Y tế Hải Dương khẩn trương xử lý, khoanh vùng ổ dịch.
Lo ngại nhất là có khoảng 50 người đã tiếp xúc trực tiếp, chăm sóc bệnh nhân. Số người này được lập danh sách theo dõi sức khỏe trong vòng 10 ngày, nhằm phát hiện và cách ly kịp thời nếu có trường hợp mắc bệnh.
Được biết, bệnh viêm màng não do não mô cầu tiến triển rất nhanh và khó phát hiện trong giai đoạn sớm. Biện pháp tốt nhất để phòng bệnh là tiêm phòng vaccine khi trẻ được 2 tuổi và người lớn sau đó cứ 3 năm tiêm nhắc lại một lần./.