Cảnh báo vấn nạn "chặt chém" khi du lịch hồi sinh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Khi dịch bệnh được kiểm soát và ngành du lịch đang trên đà tăng trưởng trở lại mạnh mẽ sau hơn 2 năm, tình trạng “chặt chém”, “chèo kéo” du khách tại các điểm du lịch vẫn tiếp diễn.
Hình minh họa.
Hình minh họa.

Đặc biệt, tình trạng này có xu hướng gia tăng trong dịp lễ vừa qua. Không chỉ khách nước ngoài bị “chặt chém” gấp nhiều lần, ngay cả khách nội địa cũng không ít lần “tái mặt” khi thanh toán hóa đơn tại các địa điểm du lịch. Lợi dụng tâm lý khách ngại hỏi giá hoặc quên hỏi giá, nhiều quán ăn, nhà hàng đã tính thêm các khoản tiền vô lý.

Theo phản ánh của một du khách ở Nghệ An, đợt nghỉ lễ vừa qua, gia đình anh có ra biển Sầm Sơn du lịch. Gia đình anh được một phụ nữ lái xe điện mời chào chở đi lên hòn Trống Mái tham quan. “Người phụ nữ này chủ động mời chào với giá 50.000 đồng/chuyến. Khi chở lên tới nơi, người phụ nữ này không lấy tiền luôn mà cho số điện thoại để gọi chở xuống lấy tiền một thể. Đến khi gia đình tôi xuống thanh toán tiền thì người này đòi 100.000 đồng/chuyến và yêu cầu phải trả 200.000 đồng”, du khách phản ánh. Cũng theo du khách này, vì đang đi du lịch nên anh không muốn đôi co, cãi nhau nhiều với người phụ nữ lái xe điện trên.

Tại Quảng Nam, nhiều du khách cũng cho biết tình trạng bị “cò mồi” câu kéo, “chặt chém” khi mua gói du lịch đi thuyền thúng ở rừng dừa Bảy Mẫu. Theo những người dân ở đây, mức giá gốc cho mỗi chuyến du lịch thuyền thúng là 60.000 đồng/người/chuyến. Tuy nhiên, nhiều khách du lịch vì không nắm rõ nên bị “chặt chém” tới 200.000 đồng/người, thậm chí có trường hợp khách du lịch mất tới cả triệu đồng cho trải nghiệm 45 phút.

Với hàng loạt các sự kiện sôi động diễn ra trên cả nước, các địa phương đã triển khai tăng cường kiểm tra, đảm bảo an toàn và đặc biệt đưa ra giải pháp nhằm hạn chế hiện tượng “chặt chém” du khách. Tuy nhiên, để giải quyết tình trạng trên, theo một số doanh nghiệp, cần đến các biện pháp căn cơ.

Ông Nguyễn Trần Hoàng Phương, Tổng Giám đốc Công ty Golden Smile Travel cho biết: “Cần những giải pháp căn cơ để dẹp nạn "chặt chém" như: tổ chức khảo sát, kiểm soát, điều tra để nắm tình hình du lịch, hạn chế những nơi chưa hợp thuần phong mỹ tục hoặc thiếu các yêu cầu đón khách... Cơ quan quản lý về du lịch, chính quyền các địa phương, điểm đến cần tái khởi động hoặc xây dựng mới các đường dây nóng để phản ánh về tình hình du lịch. Thiết lập các trạm thông tin du lịch thực tế, có hoạt động xúc tiến - hỗ trợ cụ thể”.

Đối với du khách, để tránh bị "chặt chém" cần tìm hiểu thông tin và hỏi giá cụ thể trước khi tiêu dùng dịch vụ để tránh bị “hớ”. Khách du lịch cần nắm các số điện thoại đường dây nóng, cơ quan quản lý nhà nước tại điểm đến. Cần lưu ý chọn những quán ăn có đông người địa phương, tránh những người môi giới, “cò mồi” hay quán có sự săn đón bất thường...

Thị trường du lịch nhộn nhịp nhưng các công ty lữ hành vẫn "đói khách", vì đa số du khách đều đi tự túc theo nhóm nhỏ, gia đình. Họ chỉ cần đặt phòng và vé máy bay thông qua các trang online hiện tại hay nhiều du khách theo thói quen, đi đến nơi thì vào thẳng khách sạn. Do đó, để hạn chế tối đa vấn nạn “chặt chém” này, khách du lịch chỉ nên sử dụng những dịch vụ có giá niêm yết công khai, minh bạch, được các cơ quan nhà nước công nhận.

Đọc thêm