Cảnh báo về đào tạo cho các trường đại học

Giáo dục tại chức, liên thông và các hình thức đào tạo khác ngoài công lập ở nhiều nơi chất lượng chưa cao, nhưng  "tẩy chay" lực lượng tri thức tại chức có phải là một tư duy đúng?. GS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chia sẻ xung quanh vấn đề này. 

Giáo dục tại chức, liên thông và các hình thức đào tạo khác ngoài công lập ở nhiều nơi chất lượng chưa cao, nhưng  "tẩy chay" lực lượng tri thức tại chức có phải là một tư duy đúng?. GS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chia sẻ về vấn đề này. 

GS Nguyễn Minh Thuyết
GS Nguyễn Minh Thuyết
- Thưa GS, quan điểm của GS ra sao về đào tạo đại học tại chức?
- Giáo dục thường xuyên, trong đó có ĐH tại chức (tên gọi chính thức hiện nay là hệ vừa học vừa làm) là một hình thức đào tạo phổ biến ở tất cả các nước. Tuy nhiên, cách tổ chức giáo dục thường xuyên ở các nước khác với nước mình: Kể cả những người có trình độ học vấn cao cũng vẫn học thêm nếu họ thấy cần. Nhiều người đi học không phải để lấy bằng mà chỉ để bổ túc kiến thức phục vụ cho công việc họ đang làm hoặc để đáp ứng nhu cầu hiểu biết của bản thân thôi, không có chuyện thi cử gian lận, học hành qua quýt, cắt xén chương trình.  Đây là hình thức đào tạo hoàn toàn phù hợp với nhu cầu học tập suốt đời.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, chất lượng đào tạo của hệ tại chức không đáng tin cậy. Phần lớn người vào học hệ này là học sinh lớp 12 vừa thi trượt ĐH trong năm. Thi tuyển “ đầu vào” dễ dàng, chương trình học thường “rút gọn”, tình trạng học thuê, học hộ khá phổ biến vì người đi học chỉ cần bằng cấp, chứ không hẳn đã cần kiến thức. Cũng không hiếm trường hợp lớp học được tổ chức tại các địa phương, thầy về dạy được sinh viên bao “vui vẻ”, lại càng “nhẹ tay” trong kiểm tra, thi cử. 
- Vậy để người học tại chức không sa vào tình trạng “học giả, bằng thật”, điều cần thiết là phải làm là gì, thưa GS?
- Theo tôi, cả Bộ GD &ĐT lẫn các trường đều cần phải có sự điều chỉnh. Cần nghiên cứu thay đổi cách đào tạo tại chức. Người học tại chức có thể học chung với sinh viên chính quy, vì bây giờ cả nước có tới 450 trường ĐH, CĐ, chỗ học đâu có thiếu. Ai không có điều kiện học hệ chính quy thì học riêng nhưng khi thi thì phải thi chung. Như vậy sẽ chỉ có một loại chất lượng, một loại bằng. Khi ấy, sẽ không còn sự phân biệt đối xử giữa bằng tại chức với bằng chính quy nữa.  
- Trong Luật Giáo dục và Luật Công chức không phân biệt bằng cấp và không cấm việc tuyển dụng có bằng tại chức. Vậy các địa phương đồng loạt “từ chối” có sai luật không, thưa GS?
- Việc từ chối tại chức ở một số địa phương nếu nói trái luật thì không phải. Trên thực tế, có những cơ quan còn đề ra tiêu chí tuyển dụng cao hơn như người ta có thể nhìn sinh viên dù chính quy nhưng tốt nghiệp ở các trường chất lượng làng nhàng thì họ loại ngay từ sơ tuyển, trong khi có thể tuyển ngay một anh học Haward mà không cần thi cử gì. Quyền đề ra tiêu chí tuyển dụng phù hợp với yêu cầu của vị trí công tác cũng đã được quy định trong Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân. 
Người ta từ chối bằng tại chức nhiều khi cũng là để chặn cửa mấy cô cậu con ông cháu cha học hành láng nháng, cậy thế ông cha choán chỗ những người học thật, bằng thật. 
Quay trở lại trường hợp quyết định của Đà Nẵng, Hà Nội  từ chối nhận người chỉ có văn bằng tại chức và quyết định của Nam Định,Vĩnh Phúc,… từ chối nhận người tốt nghiệp các trường ngoài công lập làm công chức là lời cảnh báo đối với các trường, không chỉ trường ngoài công lập. 
- GS có cho rằng việc tuyển dụng của chúng ta vẫn nặng nề về bằng cấp mà chưa dựa vào năng lực thực tế? 
- Điều này là có thật. Nhưng bằng cấp nhiều khi không tương xứng với năng lực. Đó là chưa kể nhiều trường hợp cha mẹ có quyền, có tiền, con cái chỉ cần trưng cái bằng ra để có cớ tuyển dụng, bổ nhiệm. Nhiều cơ quan, đơn vị công khai thông báo tuyển công chức, viên chức, đề ra tiêu chí này, tiêu chí kia có vẻ khách quan, nhưng thực tế thì thì các tiêu chí ấy đều đã nhắm vào ai đó sẵn rồi… 
Các doanh nghiệp tư nhân hầu như không mắc phải nạn này, vì nếu tuyển phải người kém, họ sẽ phải hứng chịu hậu quả ngay. 
- Theo GS, hiện nay các cơ quan, đơn vị nhà nước đã tổ chức thi tuyển công chức công bằng chưa? 
- Nếu tổ chức thi tuyển được khách quan, công bằng thì chẳng cần phân biệt đối xử giữa các loại bằng làm gì. Nhưng tiêu chí tuyển dụng, cất nhắc phổ biến bây giờ là “nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ”, còn “trí tuệ” thì xếp chót bảng. Có thay đổi cách làm nhân sự như thế này thì giáo dục mới khá lên được và đất nước mới giàu mạnh được.
- Xin trân trọng cảm ơn GS!
Nguyệt Thương (thực hiện)

Đọc thêm