Cảnh báo về dự thảo Luật Lao động sửa đổi của Nhật

(PLO) - Trong tuần vừa qua, Hạ viện Nhật Bản đã phê chuẩn một dự luật lao động sửa đổi mà Chính phủ cho là cần thiết để thúc đẩy nền kinh tế, nhưng các nhà phân tích chính trị khác lại cảnh báo dự luật này có thể dẫn đến trường hợp tử vong do làm việc quá sức. 
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Theo AFP, dự luật này loại bỏ việc trả tiền làm thêm giờ theo giờ đối với một số công việc, song cũng lần đầu tiên đưa ra mức trần về thời gian làm ngoài giờ đối với một số ngành nghề. 

Theo đó, điểm chính của dự luật cải cách này là cho phép các doanh nghiệp Nhật Bản thuê một số chuyên gia được trả lương cao, như nhà môi giới tiền tệ hay các cố vấn, theo các hợp đồng không bao gồm điều khoản về trả lương làm ngoài giờ. Tuy nhiên điều khoản này chỉ áp dụng đối với những lao động có mức thu nhập hằng năm từ 10,75 triệu yên (tương đương 97.800 USD) trở lên và phải được người lao động chấp nhận.

Dự luật này cũng là lần đầu tiên đưa ra mức trần về thời gian làm thêm giờ, cho phép làm thêm tối đa 360 giờ/ năm đối với các trường hợp bình thường, còn những trường hợp lao động “thời điểm” hay đặc biệt làm thêm tối đa 720 giờ/năm. Dự luật cũng khuyến khích những lịch làm việc linh hoạt bao gồm làm việc từ xa, cho phép các nhân viên văn phòng mở doanh nghiệp bên ngoài, khuyến khích trả lương bình đẳng cho những lao động làm cùng một công việc song có hợp đồng khác nhau.

Chính phủ cũng nói rằng, biện pháp này sẽ thúc đẩy hiệu quả làm việc và tạo ra sự bình đẳng. Đồng thời trở thành một tấm ván chính của chính sách “Abenomics” của Thủ tướng Shinzo Abe, nhằm khởi động nền kinh tế chậm chạp của đất nước. 

Tuy nhiên các nhà phê bình cho rằng việc nới lỏng giờ làm thêm sẽ chỉ khuyến khích tình trạng làm thêm giờ dẫn đến nguy cơ gia tăng các trường hợp tử vong do làm việc quá sức, theo đó, dự luật này sẽ gây hại cho người lao động khi chấp nhận những hợp đồng bao gồm các điều khoản về làm thêm giờ không có giới hạn mà không được trả lương thêm giờ. Ngoài ra, mức trần cho những lao động vẫn còn quá cao để có ngăn chặn tình trạng làm thêm giờ.