Rượu thuốc trôi nổi hô biến thành thuốc trị mụn đặc chế
Mới đây, một cô gái trẻ ở Hà Nội đã lên tiếng tố một spa nổi tiếng ở Hà Nội làm hỏng làn da của mình. Theo đó, cô gái này vì da bị mụn nhiều nên để đến spa S. mua một liệu trình trị mụn với giá xấp xỉ 20 triệu đồng. Sau những liệu trình như tẩy tế bào chết, hút nhờn, chăm sóc da, khách hàng được tư vấn mua sản phẩm chuyên chữa trị về mụn, là một dạng nước lỏng có mùi lên men.
Nữ khách hàng sau khi dùng loại nước này một thời gian thì da ngày càng viêm nặng, sưng tấy, mụn chi chít. Sau đó, khách hàng nói trên cực kì bức xúc khi phát hiện sản phẩm đặc chế của spa này thực chất không khác các loại rượu thuốc bán trôi nổi trên thị trường với giá rẻ, nhưng hậu quả huỷ hoại làn da đã được cảnh báo nhiều.
Điều khách hàng bức xúc là sau khi phản ánh nhiều lần, khách hàng không nhận được thái độ thiện chí khắc phục của spa S. mà chỉ là lời quanh co, khẳng định sản phẩm của mình được Bộ Y tế kiểm chứng (nhưng không đưa được ra giấy chứng nhận), đồng thời miệt thị khách hàng.
Thực chất, không ít spa, cơ sở làm đẹp hiện nay dùng rượu thuốc để điều trị da cho khách hàng. Cũng là loại rượu gạo được ngâm với các rễ cây không rõ nguồn gốc, mỗi một spa lại dán nhãn riêng, quảng cáo là thuốc độc quyền của mình, có nơi loại rượu thuốc này được quảng cáo là “thần dược từ rễ cây quý” có spa quảng cáo là bổ sung thêm bột ngọc trai hoặc các dưỡng chất nuôi dưỡng da.
Thực tế, nhiều người sau khi bị hỏng da bởi loại rượu thuốc này đã thử đưa đi kiểm nghiệm, cho ra kết quả rượu thuốc có chứa số lượng cồn cực cao vượt mức cho phép, ngoài ra năng làm sạch da thì có thêm tác dụng... tẩy da, khiến người dùng ban đầu có thể thấy hiệu quả, da giảm mụn và sáng ra hẳn, nhưng càng xài lâu da càng bị bào mòn, gây mỏng và sưng viêm...
Nhiều ca biến chứng khó phục hồi
Hiện nhiều spa đông y, thảo dược đang dùng loại rượu thuốc này để điều trị da cho khách hàng. Cạnh đó, các spa thiên về thảo dược còn dùng phương pháp lột tẩy da bằng thuốc bắc. Phương pháp này cũng tiềm ẩn những nguy hại khi nguyên liệu “thuốc bắc” không rõ nguồn gốc, chứa thành phần tẩy mạnh.
Bác sĩ, Thạc sĩ Phạm Thị Bích Na cũng chia sẻ về một trường hợp lột da bằng thuốc bắc mà bác sĩ này từng điều trị qua, với hậu quả là gương mặt gần như “biến dạng” vì di chứng của thuốc bắc rởm, với chẩn đoán bệnh nhân bị bỏng cấp độ 2 do hoá chất, nguy cơ sẹo và sạm sau viêm. Bệnh nhân nói trên đã phải trải qua một quá trình điều trị lâu dài, khó khăn mới có thể phần nào phục hồi được làn da của mình.
Bác sĩ Bích Na cũng chia sẻ, nhiều năm trong nghề, nữ bác sĩ đã gặp rất nhiều ca như thế, chỉ vì tin các cơ sở làm đẹp thiếu an toàn mà phỏng da, da bong tróc, tổn thương trầm trọng, có nhiều ca biến chứng khủng khiếp không thể phục hồi.
Ngoài rượu thuốc và các loại thuốc bắc tẩy lột tự chế thì kem trộn cũng là một sản phẩm được các spa làm ăn “chụp giật” sử dụng. Không đào tạo tay nghề cao cho kĩ thuật viên, không có đội ngũ chuyên gia, bác sĩ chăm sóc da, không trang bị máy móc hiện đại, nhưng các spa này vẫn vẽ ra những liệu trình điều trị da cực kì hoành tráng với giá hàng chục triệu đồng.
Cốt lõi của quá trình điều trị luôn là “kem đặc trị độc quyền”, được đóng gói dán nhãn của spa, nhưng thực chất là kem trộn với chất corticoid có khả năng bào mòn, gây thương tổn và ung thư da. Biểu hiện đầu tiên của các loại kem trộn này luôn là da sáng, căng mịn hơn. Chỉ khi dừng dùng thì da bắt đầu sạm, mụn, nên khách hàng bị phụ thuộc vào kem, cứ phải “nộp tiền” cho cơ sở làm đẹp đến khi làn da hỏng nặng.
Thực tế, thời gian gần đây spa và các trung tâm chăm sóc nhan sắc mọc lên quá nhiều, quảng cáo rầm rộ nhưng vàng thau lẫn lộn, người tiêu dùng hoang mang giữa những lời cam kết có cánh. Đã đến lúc cơ quan quản lý cần siết chặt việc cấp phép lập cơ sở làm đẹp, cũng như tăng cường quản lý kiểm tra chất lượng các cơ sở này để dẹp “loạn”?