Tác hại tiềm ẩn sau những đĩa thịt nướng giá rẻ

(PLO) - Thịt ế, đông lạnh, thịt kém chất lượng có thể được đẩy về các quán thịt nướng để tiêu thụ. Sau khi qua tẩm ướp, những thớ thịt trở nên hấp dẫn khiến người tiêu dùng không màng đến sức khỏe của bản thân.
Đồ nướng luôn là món ăn được yêu thích dù tiềm ẩn nhiều nguy hại về sức khỏe
Đồ nướng luôn là món ăn được yêu thích dù tiềm ẩn nhiều nguy hại về sức khỏe

Sử dụng chất cấm chế biến thực phẩm?  

Đồ nướng đang là món ăn được ưa thích của tất cả mọi người, đặc biệt là giới trẻ. Nhưng nguồn gốc của các loại thịt được lấy từ đâu mà lại có mức giá rẻ hút khách như vậy thì chẳng mấy ai quan tâm. Chỉ cần bỏ ra 30.000 đồng, không khó để chúng ta có một đĩa đồ nướng thơm ngon ở những quán ăn vỉa hè như lòng, ba chỉ… 

Băn khoăn về giá siêu rẻ và chất lượng của những đĩa đồ nướng vỉa hè, phóng viên đã tìm đến các khu chợ để thu thập lại những thông tin khiến không ít các tín đồ nướng phải rùng mình. Trong vai những người mới mở quán nướng muốn tìm nguồn thịt giá rẻ, PV đã được những những tiểu thương tại đây tiết lộ những bí mật rùng rợn đằng sau những đĩa đồ nướng siêu rẻ được bày bán.

“Nếu lấy về mở nướng thì loại khác cũng được, thịt không được đẹp đâu nhé, nhưng là bán nướng thì lo gì” một tiểu thương bán thịt lợn tại lề đường khu chợ Vồ-Hà Đông cho biết. Khi hỏi về giá người này cho biết thêm: “Cũng còn tùy nhưng tầm 40-50 nghìn một kg em nhé, đa số là do bán không hết nên chị để đông lạnh nên mới có giá vậy thôi”. 

Ngỏ ý muốn mua số lượng lớn hàng ngày, tiểu thương đon đả nhận lời cung cấp ngay. Chúng tôi thắc mắc hỏi sao số lượng thịt bán ế mỗi ngày nhiều thế và chắc chắn là thịt đông lạnh không hay còn nguồn nào khác nữa. Người này thẳng thắn tiết lộ: “Chị sẽ đi gom cho em, ở đây thịt lợn bán ế các nơi đẩy về cũng nhiều, còn thịt khác như thịt lợn chết các mối khác chị vẫn có nhưng tùy từng đợt nhiều ít nhé”.

Giả vờ ngạc nhiên về thịt lợn chết, tiểu thương tiếp tục nói cho chúng tôi yên tâm hơn: “Có sao đâu, thỉnh thoảng có vài con chết, mổ thịt ra cho vào tủ đông bảo quản thì cũng là thịt đông lạnh thôi. Bọn em bán nướng thì lo gì, tẩy đường với tẩm ướp vào là ngon ngay. Chị bán cho đồ nướng các nơi người ta về lấy mà”.

Thực tế cho thấy, vì một chút lợi nhuận mà một số tiểu thương cũng như các quán nướng đã không màng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Sẵn sàng bán và cung cấp những nguồn thịt kém chất lượng ra thị trường. 

Qua lời giới thiệu của tiểu thương, chúng tôi được biết chất tẩy đường, cũng như đồ tẩm ướp được bán tại chợ Đồng Xuân, Hà Nội. Khi chúng tôi đến, tại một sạp đầu chợ, ngỏ lời mua chất tẩy đường để làm tươi thịt lâu, chị chủ sạp đã hỏi ngay: “Em lấy nhiều không?”. Hỏi về tác dụng của chất này, chúng tôi được cho biết sơ qua là dùng để chế biến thực phẩm, đặc biệt là thịt trông hấp dẫn hơn.

Người này cũng không ngại hướng dẫn thêm: “Em lên mạng mà đọc, gõ chất tẩy đường là ra”. Thắc mắc về nguy hại của loại chất này, chúng tôi được tư vấn: “Hàng của Trung Quốc, kể cả của Đức, Ý không đề dùng cho thực phẩm, nhưng dân mình thì dùng tất, vì chưa thấy ai bị cấp tính cả nên vẫn dùng, chị bán chủ yếu cho các quán như em thôi, còn về ai dùng như thế nào thì chịu”.

Để làm rõ hơn về sự thật này, chúng tôi tìm đến các quán nướng để mục sở thị. Tại đây, các quán nướng với bảng giá 30 nghìn một đĩa luôn tấp nập khách ra vào. Chủ yếu các quán nướng đều nướng trực tiếp trên than được ngăn cách bằng lớp vỉ đã được sử dụng lại nhiều lần. Trong khi nướng thịt, dầu mỡ sẽ chảy xuống gây nhiều khói, mà khói lại chứa một lượng lớn các chất gây ung thư. Khi ăn đồ nướng, chúng ta đã ăn trực tiếp các chất có thể gây ung thư vào người, tác động xấu lên dạ dày. Đây chính là “họa từ miệng mà ra”.

Mức phạt chưa nghiêm! 

Liên quan đến việc xử phạt vi phạm về an toàn thực phẩm (ATTP), ngày 4/9/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 115/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định 178/2013/NĐ-CP. Vi phạm hành chính về ATTP quy định tại Nghị định này bao gồm: Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn đối với sản phẩm thực phẩm; Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm ATTP trong sản xuất, kinh doanh, cung cấp thực phẩm; Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm ATTP đối với thực phẩm nhập khẩu, xuất khẩu và vi phạm quy định khác về điều kiện bảo đảm ATTP trong sản xuất, kinh doanh, cung cấp thực phẩm; Vi phạm quy định về quảng cáo, thông tin, giáo dục, truyền thông về ATTP; kiểm nghiệm thực phẩm; phân tích nguy cơ, phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về ATTP; truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý đối với thực phẩm không an toàn...

Theo đó, Nghị định quy định sẽ phạt tiền từ 500 ngàn – 1 triệu đồng (quy định hiện hành là 300.000 - 500.000 đồng) đối với một trong các hành vi kinh doanh thức ăn đường phố vi phạm về điều kiện bảo đảm ATTP sau: Không có bàn, tủ, thiết bị, dụng cụ… đáp ứng theo quy định để bày bán thức ăn; Thức ăn không được che đậy ngăn chặn bụi bẩn; có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; Không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay.

Phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Sử dụng dụng cụ chế biến, ăn uống, chứa đựng trực tiếp thực phẩm không bảo đảm an toàn; Người đang mắc bệnh mà theo quy định không được trực tiếp kinh doanh thức ăn; Sử dụng nước không bảo đảm vệ sinh để chế biến thức ăn, vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ phục vụ chế biến, ăn uống.

Ngoài mức phạt tiền nêu trên, người vi phạm có hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm được sang chia, san chiết không phù hợp quy định của pháp luật để chế biến thức ăn còn bị buộc tiêu hủy đối với thực phẩm đó.

Như vậy, hành lang pháp lý đã có, các cơ quan chức năng cần rà soát, kiểm tra cũng như xử phạt nếu các cơ sở kinh doanh đồ nướng không đáp ứng được các tiêu chí về vệ sinh ATTP. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng mức xử phạt nêu trên chưa đủ sức răn đe so với lợi nhuận, vì thế nhiều người sẵn sàng vi phạm. Trong hoàn cảnh đó, mỗi người dân hãy là người tiêu dùng thông thái, đừng vì giá rẻ mà bỏ qua sức khỏe để bảo vệ bản thân và gia đình. 

Đọc thêm