Ngày 24/2 Nghị định 24 ban hành, quy định chi tiết một số điều trong Luật này, đáng chú ý là phạm vi điều chỉnh có việc “hạn chế sử dụng hình ảnh diễn viên uống rượu, bia trong tác phẩm điện ảnh, sân khấu, truyền hình”. Như vậy, luật điều chỉnh hành vi không chỉ diễn ra trong đời sống thật mà cả trong các tác phẩm nghệ thuật đại chúng có tác động trực tiếp đến người xem. Chính điều này đã gây ra tranh luận.
Ai cũng biết những cảnh trong phim ảnh, sân khấu là giả, người ta chỉ “diễn” thôi và càng “diễn sâu” bao nhiêu thì lại càng lấy được tình cảm (và cả nước mắt) của người xem bấy nhiêu. Đó chính là đặc trưng của môn “nghệ thuật thứ bảy” này! Và, đã là “giả”, là “diễn” thì như nhiều người thắc mắc: Tại sao lại hạn chế, lại “cấm” và điều này ảnh hưởng đến sự phản ảnh đời sống thực và khả năng sáng tạo nghệ thuật như thế nào, đó là điều phải bàn.
Có lẽ là ngây ngô khi biện minh cho cảnh uống rượu, bia trong phim ảnh chỉ là rượu, bia giả để phản đối sự “hạn chế”. Hiển nhiên là chẳng ai uống rượu thật khi diễn cả, cũng như “cảnh nóng” không đạo diễn nào lại cho phép diễn viên “làm thật”.
Điều mà những quy định pháp luật hướng tới là tác động của cái đó đối với công chúng, cảnh uống rượu, bia có thể “khuyến khích” người ta uống rượu, bia và điều đó đi ngược lại pháp luật phòng, chống tác hại của rượu, bia. Và, chỉ thế thôi, giới hạn của sự hạn chế này dừng lại ở đó.
Nhưng, nghệ thuật, bất kể loại hình nào cũng phản ảnh cuộc sống thực, dẫu cả những tác phẩm viễn tưởng, giả tưởng, hư cấu. Cả nhân loại chống lại chiến tranh, bạo lực, cướp bóc, trộm cắp, tham nhũng, bóc lột, hiếp dâm, lạm dụng tình dục... và đó chính là đề tài luôn luôn được khai thác của các tác phẩm điện ảnh, sân khấu, truyền hình.
Dường như những cảnh diễn tả những thứ đó nhiều khi được đẩy đến mức kinh hoàng khiến người xem kinh hãi, thế nhưng, đó lại là tiếng nói của nghệ thuật chống lại bất công và tệ nạn xã hội và mục đích của nghệ thuật là thế, là một cách đề cao giá trị “chân, thiện, mỹ” cuộc đời bằng cách phơi bày đến tột cùng sự xấu xa, tàn nhẫn, phi nhân. Hạn chế cảnh lên án sự bê tha, nhậu nhẹt chưa chắc đã phải là cách tốt để góp phần hạn chế được nạn này, thậm chí là có hiệu ứng ngược lại.
Có một giai thoại nhiều người biết. Đó là một khán giả rút súng bắn chết một nhân vật phản diện trên sân khấu rồi chính mình cũng tự sát. Trên ngôi mộ của hai người khắc dòng chữ: “Nơi đây yên nghỉ một diễn viên vĩ đại”, “Nơi đây yên nghỉ một khán giả vĩ đại”.
Nhưng sau đó, có người đề nghị sửa lại là “diễn viên tồi nhất” và “khán giả tồi nhất”. Ranh giới của nghệ thuật và cuộc sống thực bao giờ cũng có một khoảng cách nhất định và rõ ràng. Không phân biệt được ranh giới đó thì chỉ là những người “tồi” thôi!
Trở lại với câu chuyện của chúng ta về việc hạn chế hình ảnh diễn viên uống bia, rượu. Cái mà người ta lo ngại không phải là không “diễn” được khi thiếu cảnh bia, rượu mà là nỗi lo sợ các nhà kiểm duyệt phim căn cứ vào quy định này mà làm khó dễ cho những tác phẩm nghệ thuật.
Điều này là có cơ sở khi người ta có thể bỏ lọt sự xâm phạm chủ quyền quốc gia nhưng lại soi rất kỹ một lỗi không đáng kể để ngăn trở sự ra mắt của một tác phẩm điện ảnh hay truyền hình. Yêu cầu quy định phải rõ ràng, chi tiết, “hạn chế” hay “cấm” để tránh tình trạng cấm cũng được, cho qua cũng được của kiểm duyệt có lẽ là một yêu cầu chính đáng.
Một mối lo ngại nữa là sự hạn chế sáng tạo nghệ thuật phản ảnh đời sống thực. Đã có những tiền lệ về chuyện này như hạn chế cảnh hút thuốc thì diễn viên tìm một cách thể hiện khác, không còn cái cảnh tâm trạng là rút thuốc ra nữa, một cái gạt tàn đầy mẩu thuốc lúc tàn đêm là đủ. Đối với việc hạn chế cảnh rượu, bia cũng vậy, người ta sẽ tìm cách khác, ví dụ chỉ diễn cảnh Chí Phèo say thôi chứ không quay cảnh Chí Phèo uống.
Nói chung, không ai có thể hạn chế được sự sáng tạo nghệ thuật phục vụ cho mục đích nhân sinh. Việc hạn chế hình ảnh diễn viên uống rượu, bia vẫn có thể thực hiện được mà không ảnh hưởng đến tác phẩm nghệ thuật. Để đi đến trái tim cảm xúc của người thưởng thức, nghệ thuật có những con đường riêng.