Tác động của đại dịch Covid-19 ban đầu bộc lộ rõ nhất trong hoạt động của một số ngành dịch vụ như du lịch, giải trí, giao thông… Nhưng rất nhanh, với việc phong tỏa từng vùng, thậm chí cả quốc gia, khu vực... rõ ràng, chuỗi toàn cầu bị phá vỡ. Không chỉ người tử vong tăng cao, kinh tế thế giới (sau đại dịch này) chưa biết sẽ phục hồi thế nào? Còn các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục tìm hiểu về virusgây nên dịch Covid-19.
Câu hỏi buộc phải suy nghĩ là: Cùng với những biểu hiện cực đoan của tình trạng biến đổi khí hậu, phải chăng những trận dịch ngày nay ít nhiều (chứ không phải tất cả) đều liên quan tới mặt trái của cuộc chạy đua khốc liệt về phát triển dưới tác động của toàn cầu hóa?
Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa dẫn đến đô thị hóa đang tăng tốc, không riêng ở Việt Nam. Các đại đô thị với hàng chục triệu cư dân mọc lên như nấm sau mưa, các ngôi nhà chọc trời san sát như rừng cây, xe cộ tăng nhanh...
Tài nguyên bị khai thác cạn kiệt; rác thải đủ loại ùn ứ, lấp cả sông, thậm chí gây ô nhiễm biển cả đến mức báo động. Môi trường sinh thái bị hủy hoại nghiêm trọng; không khí ô nhiễm. Số người đi lại làm ăn, hội hè, hành hương, cầu nguyện, tỵ nạn… lên tới hàng tỷ lượt/năm…Thế giới đã trong bàn tay. Cửa khẩu, đường biên của các quốc gia luôn “mở toang” cùng hội nhập.
Cuộc chạy đua khốc liệt toàn cầu trở thành “miếng đất” màu mỡ phát sinh dịch bệnh. Mấy chục năm nay đâu đâu cũng tung hô khẩu hiệu “phát triển bền vững”, nhưng xem ra cái ý tưởng ấy còn xa mới trở thành hiện thực.
Ngay ở nước ta, hệ thống luật pháp về môi trường tương đối hoàn thiện, dự án nào cũng phải có “báo cáo đánh giá tác động môi trường” nhưng hãy xem, đa dạng sinh học đã và đang bị bóp chết; môi trường từ ven biển, đồng bằng, miền núi đều đang bị đầu độc bởi chính con người. Cứ đà này, sự sống sẽ tiếp tục bị đe dọa bởi dịch bệnh, thiên tai.
Chiều ngày 25/3, phát biểu tại buổi họp Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND thành phố đánh giá, “cửa an toàn” với Covid-19 ngày càng hẹp hơn. Tuy nhiên, TP vẫn trong “thời gian vàng” nếu người dân đồng lòng phòng chống Covid-19.
Dịch Covid-19 cho thấy “cánh cửa” với bền vững đã “hẹp hơn”, nếu con người không nhận ra “thời gian vàng” để sửa chữa, khắc phục những sai lầm.