Cánh đồng trồng rau không cần… đất

(PLO) - Với vốn kinh nghiệm tự nhận là “ít ỏi” trong những ngày tháng làm thuê, anh Nam vẫn đưa ra một quyết định táo bạo: vay tiền xây nhà lưới trồng rau thủy canh trên cánh đồng trũng. Nơi vùng đất người dân chuyên làm nông nghiệp truyền thống, ý tưởng đó của anh bị nhiều người cười nhạo. Nhưng vượt qua tất cả, chàng trai không bằng cấp đã gặt hái được những thành công bước đầu.
Rau thủy canh đang được thị trường ưa chuộng
Rau thủy canh đang được thị trường ưa chuộng

Làm nông kiểu mới

Giữa cánh đồng Cồn Tai rộng lớn (nằm trên địa bàn xã Nam Anh, huyện Nam Đàn, Nghệ An) khu nhà lưới trồng rau thủy canh của anh Nguyễn Kim Nam (SN 1981) thu hút sự chú ý của nhiều người đi đường. Trong không gian rộng lớn là màu xanh tươi non, mơn mởn của các loại rau cải lá, xà lách, cải bó xôi, rau muống, dưa lê Hàn Quốc…

Anh Nam cho biết, cơ sở vừa xuất một lứa rau cải lá xuống thành phố Vinh cho chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch. Nhờ liên kết với nơi tiêu thụ nên các sản phẩm rau sạch anh trồng đều bán rất chạy. Thậm chí, có thời điểm không đủ nguồn hàng để cung ứng cho thị trường.

Nhìn hệ thống nhà lưới hiện đại cùng với cách chăm sóc tỉ mỉ, cẩn thận của anh Nam mới thấy hết tâm huyết của ông chủ vườn rau này. Cảm phục hơn khi chủ vườn là lão nông chính hiệu, chưa trải qua trường lớp nào. Chỉ với chút kinh nghiệm dắt lưng trong quá trình làm thuê, anh Nam đã đánh liều làm nông nghiệp theo hướng hiện đại.

Trước khi quay về quê hương lập nghiệp, anh Nam từng lăn lộn nhiều năm ở phương Nam với đủ thứ nghề mưu sinh. Từ nhân công tại các trang trại trồng rau đến những việc tay chân khác. Sau nhiều lần thay đổi việc, năm 2013 anh về quê, sang Hà Tĩnh làm công nhân cho một khu công nghiệp, nhưng “việc chẳng níu chân người”.

Sau thời gian làm thuê tứ xứ, phải xa quê, xa vợ con, anh Nam không khỏi chán nản.Với suy nghĩ phải làm chủ, làm giàu trên chính quê hương mình, anh quyết định nghỉ việc, về quê phát triển kinh tế. Điều đó cộng với việc thường xuyên phải chứng kiến cảnh bố mẹ, bà con hàng xóm cặm cụi làm việc, chăm sóc hoa màu nhưng luôn trong tình trạng được mùa mất giá, hoặc gần đến ngày thu hoạch thì mất trắng vì thiên tai nên anh quyết tâm phải thay đổi từ đây. 

Với ít kinh nghiệm trồng rau sạch thời làm thuê anh bàn với người thân, gia đình vay vốn lập HTX chuyên về rau sạch với điểm nhấn là mô hình rau thủy canh trồng trong nhà lưới. Nghe đến việc trồng rau không cần đất, rồi nhà kính “các kiểu” khiến nhiều người ngần ngại vì vốn bỏ ra nhiều, thành công thì không rõ.

Là người đầu tiên ở địa phương trồng rau không cần đất nên anh Nam phải vừa làm vừa mò mẫm tìm đường. Gần như các công đoạn làm giàn lưới, giàn trồng rau... anh đều phải tự liên hệ, tìm kiếm nơi bán để mua về lắp đặt. Còn kỹ thuật trồng rau thủy canh, ngoài chút kinh nghiệm, anh còn phải “đùm cơm” đi học thêm.

Anh Nam chia sẻ về hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp hiện đại
Anh Nam chia sẻ về hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp hiện đại

Cuối năm 2017, người làng tròn mắt khi thấy anh Nam thuê hẳn xe ô tô chở hàng tấn ống tuýp sắt ra cánh đồng Cồn Tai để làm giàn, rồi mua lưới về phủ kín. Trong nhà lưới, anh cho lắp các giàn để trồng rau thủy canh. Người nông dân nơi đây vốn quen với việc cày ải, lật đất, sử dụng phân bón, thuốc BVTV để sản xuất... nên rất lạ lẫm khi thấy anh Nam trồng rau phủ kín trong lưới mà lại không cần đất. Câu chuyện anh Nam trồng rau không cần đất ngay lập tức lan nhanh khắp làng trên xóm dưới.

Với số vốn ban đầu hơn 300 triệu đồng đổ vào trang trại khiến anh ít nhiều lo sợ. Lo lắng về khí hậu khắc nghiệt nơi đây sẽ khiến mô hình sụp đổ, lại thêm lời bàn lùi của người thân, bạn bè “hay thôi không làm nữa” càng khiến anh Nam đắn đo. “Tôi nghĩ nếu không liều thì không biết đến khi nào mới thay đổi về suy nghĩ làm nông nghiệp của người dân nơi đây. Do đó, tôi quyết tâm xuống giống”, anh nói.

Đầu 2018, vụ rau đầu tiên đã xuống giống trong tâm trạng đầy lo lắng của anh Nam. Nhưng khác với lo lắng ban đầu, nhờ thời tiết thuận lợi, các loại cây trồng như cải, xà lách, bó xôi... phát triển nhanh và cho kết quả khả quan. Giá bán ra lại cao gấp 3 so với các loại rau sản xuất theo hướng truyền thống đã tiếp thêm động lực cho anh Nam.

Hơn hết, anh đã chứng tỏ cho mọi người thấy thành công của cách làm mới. “Trồng rau mà không cần đất, nghe cảm thấy đi ngược với sự thật. Nhiều người nghĩ rằng cây kiểu gì cũng chết vì không có đất thì sống ở đâu? Nay thì họ đã tin tôi rồi”, anh chia sẻ.

Theo anh, trồng rau bằng phương pháp thủy canh có nhiều ưu thế vượt trội so với canh tác thông thường: quá trình trồng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không hóa chất gây hại cho môi trường nên sản phẩm an toàn, đồng nhất, giàu dinh dưỡng, tươi, hạn chế sâu bệnh, rau phát triển nhanh. ngon. Đặc biệt, mỗi vụ rau chỉ mất hơn 20 ngày nên thời gian quay vòng rất nhanh.

Sau khi ươm các hạt giống rau từ 4-5 ngày trong mút xốp, cây con được trồng bằng xơ dừa và đặt trên hệ thống giá đỡ. Hệ thống giá đỡ bao gồm các ống nhựa trồng cây chuyên dụng kết nối với nhau đảm bảo sao cho dung dịch dinh dưỡng khi bơm vào sẽ chảy dọc theo suốt chiều dài của hệ thống ống đến nuôi từng cây trước khi hồi lưu trở về thùng chứa thành một vòng tuần hoàn khép kín.

Ý tưởng táo bạo “vườn rau du lịch”

Vùng Nam Anh là “vựa rau” truyền thống có tiếng của Nam Đàn. Tận dụng lợi thế có sẵn cùng với mô hình trồng rau thủy canh của mình, mới đây anh Nam đã thành lập HTX rau củ quả an toàn với 39 hộ thành viên sản xuất rau, củ, quả theo quy trình VietGAP.

Từ khi thành lập HTX đến nay, quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm được thực hiện theo chuỗi giá trị: rau được liên kết với các cửa hàng, đơn vị để bao tiêu nên nông dân yên tâm. Đặc biệt, với việc tiên phong áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, anh đã tạo ra luồng gió mới đổi thay cách nghĩa, cách làm của bà con nông dân nơi đây.

Đứng trong vườn rau xanh ngắt, anh Nam chia sẻ, người tiêu dùng rất khó tính với những mẫu rau, củ, quả bắt mắt vì họ lo sợ đã được phun chất kích thích, thuốc trừ sâu... Do vậy, để tạo niềm tin cho khách hàng, anh thường đưa cả bầu trồng rau xuống tận nơi bán. Tại cửa hàng mà anh liên kết, người mua có thể tự chọn những cây rau xanh, tươi, ngon với giá cả hợp lý.

Chia sẻ về dự định tương lai, anh Nam cho hay sắp tới sẽ liên kết với bà con nông dân để phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ. 5ha đất tại khi vực đồng Cồn Tai đã được chính quyền quy hoạch để anh có thể thực hiện dự án.

Không dừng lại với việc trồng và bán các sản phẩm nông nghiệp sạch, anh còn có tham vọng sẽ biến cánh đồng rau xã Nam Anh thành khu du lịch sinh thái trải nghiệm. Ý tưởng này của anh dựa trên những nền tảng có sẵn của địa phương. Bởi, ngoài là vựa rau lớn nhất nhì huyện, nơi đây là xứ sở của hồng không hạt được người tiêu dùng khắp nơi ưa chuộng.

Mảnh đất này cũng là nơi tọa lạc ngôi chùa Đại Tuệ nổi tiếng. Du khách đến đây vừa được tham quan vừa trải nghiệm, thưởng thức các loại hoa trái do người dân làm ra,vừa kết hợp du lịch sinh thái, gắn kết với du lịch tâm linh là hướng đi đang được chính quyền xã Nam Anh đầu tư, triển khai.

Một loạt các ý tưởng đang được anh vạch ra nhưng khó khăn lớn trong thực hiện ý tưởng này là vốn. Người đàn ông này chia sẻ, đang kêu gọi để có nhà đầu tư có tầm cỡ cùng bắt tay thực hiện. Anh tin tưởng với mô hình của mình cộng với lợi thế gần quê Bác chắc chắn sẽ thu hút được khách du lịch.

Chia sẻ về mô hình trồng nông nghiệp mới, ông Nguyễn Thúc Quang, Phó chủ tịch UBND xã Nam Anh cho hay, chính quyền đánh giá cao sự táo bạo của anh Nam. Để ủng hộ hướng đi mới ấy, chính quyền đã tạo điều kiện cho anh Nam trong việc quy hoạch đất, đồng thời tạo điều kiện để anh có thể tiếp cận các nguồn để hỗ trợ phát triển mô hình.

Đọc thêm