Nhiều thủ đoạn giả danh
Chiều 9/10, Phòng Bảo vệ An ninh, Cục Chính trị Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đã phối hợp bắt giữ đối tượng Vũ Quốc Tuấn (SN 1972, quê ở xã Minh Phú, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ), là bảo vệ tại Công ty Dệt Vĩnh Phúc (trụ sở tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, Vĩnh Phúc) có hành vi giả danh cán bộ BĐBP, lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người dân.
Tuấn thuê nhà trọ, sống một mình tại thôn Trung Hậu Đông, xã Tiền Phong, huyện Mê Linh. Nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của những phụ nữ nhẹ dạ cả tin, đối tượng sử dụng nhiều số điện thoại khác nhau để làm quen, tán tỉnh các phụ nữ đã li hôn chồng trên mạng xã hội.
Để lấy lòng tin, Tuấn mua quân phục của BĐBP, 1 bộ quân hàm gồm cầu vai, ve áo ở ngoài thị trường, chụp ảnh rồi đưa lên mạng xã hội khoe mẽ. Ngoài quân phục và quân hàm của BĐBP, đối tượng Tuấn còn sử dụng trái phép nhiều quân hàm của các lực lượng khác trong Quân đội.
Thông qua mạng xã hội, Vũ Quốc Tuấn làm quen với chị Lê Thị Q trú tại Hải Phòng, nói dối với chị Q làm việc tại BĐBP Lào Cai. Giữa tháng 12/2018, Tuấn gọi điện cho chị Q nói mình đang tham gia một chuyên án lớn, bị thương nặng do vây bắt các đối tượng buôn bán ma túy ở khu vực biên giới nên phải nằm điều trị tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Do vết thương nặng nên phải sang Bệnh viện 103 để lọc máu và hỏi vay tiền chị Q. Tổng cộng từ cuối tháng 12/2018 đến tháng 7/2019, người phụ nữ đã 10 lần chuyển tiền vào tài khoản cá nhân cho Tuấn 58,5 triệu đồng. Sau đó, Tuấn cắt đứt liên lạc hoàn toàn với chị Quý. Ngoài ra, đối tượng Tuấn còn lừa đảo, chiếm đoạt tiền của một số phụ nữ ở Vĩnh Phúc, Phú Thọ với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.
Trước đó, ngày 19/9/2019, Lương Đình Diện (SN 1984, ở Điện Biên) đã bị bắt giữ sau khi đóng giả là Nguyễn Văn Hải, sĩ quan cao cấp Quân đội, lừa đảo xin việc làm cho nhiều người ở Điện Biên, Lai Châu, chiếm đoạt tổng số tiền 225 triệu đồng của 5 nạn nhân.
Trưa ngày 16/8/2019, tại khu vực phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội, Cục Bảo vệ an ninh Quân đội, Tổng cục Chính trị đã phối hợp với cơ quan chức năng phát hiện, tạm giữ đối tượng nữ, mặc quân phục sĩ quan, đeo quân hàm Thượng tá, mang biển tên là Nguyễn Trần Vân Anh có nhiều biểu hiện nghi vấn giả danh sĩ quan cao cấp của Quân đội.
|
Đối tượng Đào Thị Uyên giả danh đại tá Quân đội để khoe mẽ. |
Đối tượng khai tên là Lê Thị Phương (SN 8/10/1985, quê ở thôn Bối Liêm, xã Định Tường, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa). Phương đã mua bộ quân phục và quân hàm, quân hiệu tại Thị xã Sơn Tây hơn 1 năm trước và đã có gần 10 lần mang mặc quân phục này để đi lừa đảo tại khu vực TP. Hà Nội. Trước khi bị bắt giữ, đối tượng đã lừa đảo, gặp và nhận của một người 50 triệu đồng.
Có thể bị xử lý hình sự
Một số người vì khoe mẽ nên mặc quân phục sĩ quan cho oai, tuy nhiên việc giả danh sĩ quan quân đội là vi phạm pháp luật, có dấu hiệu của tội giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác.
Ngày 9/9/2019, đối tượng Trần Văn Sáu (SN 1978, trú tại thôn Thanh Lâm, xã Phổ Minh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) làm nghề buôn bán tự do nhưng mặc quân phục, đeo quân hàm đại tá quân đội, tự tin đi xe máy đến trụ sở Công an huyện Văn Yên (Yên Bái) vận động, quyên góp ủng hộ đồng bào Thanh Hóa bị lũ lụt.
Thấy khả nghi, cán bộ Công an huyện Văn Yên phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự huyện kiểm tra, xác minh. Do hành vi của Sáu chưa gây thiệt hại về tài sản nên cơ quan công an lập biên bản tịch thu quân trang, quân hiệu và yêu cầu đối tượng Sáu viết cam kết không tái phạm.
Trước đó, sáng 2/4/2019, Cục Bảo vệ An ninh Quân đội đã phối hợp với Tổng cục 2 và lực lượng Kiểm soát quân sự, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội tổ chức kiểm tra một phụ nữ mặc quân phục với quân hàm đại tá, không có biển tên. Đối tượng khai là Đào Thị Uyên (SN 1974, quê quán thôn Vĩnh Khang, xã Vân Nam, huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội) hiện đang là nhân viên một công ty luật.
Về chế tài xử lý, theo quy định tại Điều 339 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, người nào giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác thực hiện hành vi trái pháp luật nhưng không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Nếu hành vi giả mạo chức vụ, cấp bậc để thực hiện các hành vi phạm tội khác, như “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thì sẽ phải chịu thêm trách nhiệm hình sự về tội đó.
Các cơ quan chức năng cũng khuyến cáo người dân cần nêu cao cảnh giác, nâng cao hiểu biết, tuyệt đối không để các đối tượng xấu lợi dụng hình ảnh, bản chất tốt đẹp của người lính để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.