Cảnh giác với các “chiêu” môi giới học nghề

Cảnh giác với các “chiêu dụ” môi giới học nghề

Thời điểm này, các trường nghề đang rầm rộ tuyển sinh. Nhiều người vì không nắm được thông tin tuyển sinh đã “tiền mất tật mang”. Báo PLVN đã trao đổi với ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo duc Chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo về một số ‘bẫy” trong việc xin học nghề. 

- Thưa ông, thời gian qua dư luận phản ánh một số cơ sở đào tạo Trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) thiếu nghiêm túc trong việc xét tuyển như không thông tin không đầy đủ việc tuyển sinh, không công khai hình thức tuyển sinh khiến học viên dù được xét tuyển vẫn tưởng phải thi, mất tiền chạy chọt để được học nghề. Ông có ý kiến gì về việc này?

Ông Hoàng Ngọc Vinh

Về thông tin tuyển sinh TCCN đã được đăng tải một cách chính thống trong tài liệu “Những điều cần biết về tuyển sinh TCCN năm 2010”. Trong tài liệu này đều nói rõ tên trường, ngành học, trường, địa chỉ, đối tượng học sinh, hình thức tuyển, chỉ tiêu tuyển sinh…Tuy nhiên, vẫn còn một số ít phụ huynh học sinh chưa rõ được các thông tin về tuyển sinh đề cập trong tài liệu nói trên, đồng thời một số kẻ xấu lợi dụng sự cả tin của người dân và có hành vi lừa đảo. Kể từ năm 2007 việc tuyển sinh vào học TCCN đã được thực hiện theo hình thức xét tuyển, không cần phải thi tuyển sinh vào học TCCN nữa. Đối tượng tuyển sinh có cả những học sinh tốt nghiệp THCS (lớp 9), bỏ học THPT, trượt tốt nghiệp THPT (lớp 12), đỗ tốt nghiệp lớp 12 và kể cả một số người đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học nay muốn học thêm TCCN. Ngoại trừ một vài ngành năng khiếu mới cần phải thi năng khiếu để tuyển chọn.

Lợi dụng chính sách xét tuyển này này, một số kẻ xấu tìm đến những học sinh (thường ở những vùng quê hoặc ở những vùng rất thiếu thông tin) móc nối và nói với gia đình bỏ tiền để lo lót cho con cái họ vào học TCCN mà không cần phải thi (thực chất vào học TCCN không cần phải thi theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT), hoặc lừa cả những gia đình có con bỏ học hoặc trượt tốt nghiệp để “xin” cho vào học TCCN.

Ở một số ngành mà nhu cầu người học cao như sư phạm mầm non, điều dưỡng, dược trung cấp…người học càng dễ bị lừa và dễ mất tiền oan.

- Vậy đã có cơ sở nào bị xử lý chưa, thưa ông?

Hiện không thấy cơ sở đào tạo TCCN nào có hiện tượng nêu trên, mà phần lớn ở một số trung tâm có thể là đối tác với cơ sở đào tạo TCCN hoặc ở một số đối tượng chuyên môi giới, móc nối lừa người dân.

Cần tìm đến trung tâm đào tạo có uy tín để tránh ’tiền mất, tật mang"                               Ảnh minh họa

- Nhiều gia đình, học sinh cứ nghĩ rằng học liên thông lên đại học rất dễ, có tiền, có thời gian là học được. Điều đó một phần do các cơ sở  đào tạo quảng cáo “nếu học sinh có nguyện vọng” là được học. Vậy có đúng không, thưa ông?

- Có một số cơ sở đào tạo TCCN nhử cái mồi “được học liên thông” lên CĐ, ĐH để mập mờ câu người học. Mục tiêu đào tạo TCCN là để đào tạo người lao động có trình độ trung cấp, có kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp để có thể có việc làm và thu nhập. Còn việc người học có được học liên thông hay không hoàn toàn không phải tự động cứ học xong TCCN là liên thông lên CĐ, ĐH mà phải có điều kiện về học lực khá, giỏi, có kinh nghiệm làm việc nếu học lực trung bình và còn phải dự thi kiểm tra, nếu đạt yêu cầu thì mới được học liên thông.

Việc liên kết đào tạo TCCN, CĐ và ĐH đang diễn ra cũng khá phức tạp. Những sai phạm chủ yếu là không được phép của Bộ GD&ĐT, liên kết sai đối tượng, điều kiện đảm bảo chất lượng kém (một số không có trang thiết bị, thư viện, môi trường sư phạm…ở nơi đặt lớp liên kết), vi phạm quy chế tuyển sinh, tổ chức đào tạo thì không tuân thủ quy chế đào tạo, lớp đông sai quy định, thi kiểm tra đánh giá thiếu nghiêm túc…

Bộ GD&ĐT hàng năm yêu cầu các sở GD&ĐT tiến hành thanh tra, kiểm tra việc liên kết để kịp thời chấn chỉnh sai phạm, xử lý khi có vi phạm. Đã có cơ sở đào tạo bị dừng tuyển sinh TCCN…

- Hiện nay các trường nghề đang bắt đầu xét tuyển, vậy ông có lời khuyên gì đối với các học sinh đang có ý định học nghề  trong việc như lựa chọn trường học và ngành học?

Tôi khuyên với các học sinh cần tìm hiểu kỹ thông tin trước khi quyết định chọn trường và chọn ngành học. Rất chú ý và cảnh giác với những “chiêu dụ” của những kẻ môi giới. Học sinh cần đặt ra những câu hỏi như học xong ngành học này thì có thể làm được những việc gì, ở đâu, cho ai, cơ hội học liên thông thế nào (với điều kiện gì), chất lượng đào tạo của trường  ra sao (có nhiều người tốt nghiệp có việc làm hay không?), cơ sở đào tạo có khang trang, trang thiết bị học tập thế nào và việc thực hiện công khai mức chất lượng, minh bạc tài chính, chuẩn đầu ra…Đặc biệt những trường vi phạm quy chế, môi trường giáo dục không tốt đã được báo chí phê phán thì không nên đăng ký vào học.

Học sinh chớ vì cái “mồi” liên thông để lăn xả vào học với bất kỳ giá nào bởi vì liên thông không phải là mục đích tối thượng của học nghề mà học nghề là để có việc làm, có thu nhập và thêm điều kiện chăm sóc bản thân, gia đình và cộng đồng.

Xin cảm ơn ông!
Thanh Quý (thực hiện)

Đọc thêm