Nhiều hệ lụy
Khi các giao dịch qua mạng xã hội ngày càng phổ biến, những chiêu trò lừa đảo người dùng cũng xuất hiện nhiều hơn. Dù các cơ quan chức năng liên tục cảnh báo, phần lớn du khách cũng tăng cường cảnh giác nhưng nhiều nạn nhân vẫn rơi vào bẫy của các đối tượng lừa đảo.
Thời gian vừa qua, mạng xã hội Facebook xuất hiện nhiều nhóm, fanpage giả mạo thông tin của công ty lữ hành, đại lý bán vé, tour du lịch với mục đích chiếm đoạt tài sản của người dân và du khách có nhu cầu sử dụng các dịch vụ du lịch tại TP Hạ Long (Quảng Ninh). Cụ thể, một số du khách đã báo cáo về việc “mắc bẫy” chiêu trò lừa đảo và chuyển khoản cho các đối tượng giả mạo để đặt trước dịch vụ ở Hạ Long, nhưng sau khi nhận cọc, các đối tượng này đều biến mất và chặn liên lạc của du khách.
Một số công ty du lịch ở TP Hạ Long đã đăng bài trên trang fanpage chính thức để cảnh báo du khách về các trang facebook giả mạo, thậm chí chạy quảng cáo, mua tương tác, lập cả tài khoản ngân hàng có tên tương tự để khiến nạn nhân tin tưởng và chuyển tiền. Một trong các chiêu lừa phổ biến là những tài khoản giả mạo đăng tải bài viết quảng cáo bán tour du lịch, phòng khách sạn giá rẻ trên mạng xã hội với nhiều tiện ích kèm theo, đề nghị nạn nhân chuyển tiền đặt cọc, từ 30 - 100% giá trị, rồi chiếm đoạt tiền. Nhìn chung, hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua mạng xã hội không mới nhưng để lại nhiều hậu quả. Không chỉ ảnh hưởng đến thị trường, hoạt động của các công ty du lịch, hiện tượng này còn ảnh hưởng đến hình ảnh và chất lượng dịch vụ du lịch của TP Hạ Long trong đánh giá của dư luận và du khách.
Nhằm khắc phục bất cập này, UBND TP Hạ Long đã có văn bản đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh phối hợp kiểm tra, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi sử dụng không gian mạng nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhân dân và du khách; đề nghị Sở yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành thực hiện đăng tải thông tin chính thống trên các fanpage, website, công khai các dịch vụ du lịch để du khách lựa chọn và phản hồi khi có hiện tượng lừa đảo.
Trả lời báo chí, Phó Chủ tịch UBND TP Hạ Long Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, UBND thành phố giao Công an thành phố rà soát thông tin và xử lý các đối tượng có hành vi sử dụng không gian mạng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân, du khách. Cơ quan chức năng của thành phố vào cuộc, kiểm tra, xử lý khi có những bằng chứng cụ thể và xử lý hình sự với tội lừa đảo; quyết liệt xử lý để tránh ảnh hưởng tới hình ảnh và gây bất lợi cho du lịch của TP Hạ Long.
Nâng cao cảnh giác
Theo thống kê mới nhất của Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, trong 6 tháng đầu năm 2023, các vụ lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái. Có 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam, nhắm vào các nhóm đối tượng: Người cao tuổi với 15 hình thức lừa đảo thường xuyên; trẻ em có 3 hình thức dẫn dụ trên mạng; sinh viên/thanh niên có 13 hình thức; các đối tượng công nhân/người lao động, nhân viên văn phòng bị dẫn dụ với 19 hình thức lừa đảo…
Trong lĩnh vực du lịch, hoạt động giả mạo, lừa đảo du khách qua mạng nói chung và qua mạng xã hội nói riêng nhằm chiếm đoạt tài sản đã diễn ra nhiều năm nay, tại nhiều tỉnh, thành và các điểm đến du lịch nổi tiếng trên cả nước. Những đối tượng này thường lợi dụng mùa cao điểm khi nhu cầu du lịch tăng cao, nhiều công ty du lịch đưa ra các gói ưu đãi, khuyến mại để kích cầu du lịch. Đáng nói, do khó xác minh danh tính thông qua mạng xã hội, việc xác định đối tượng và điều tra hành vi vi phạm pháp luật, cũng như bảo vệ những nạn nhân bị lừa đảo vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, các chuyên gia an ninh mạng cũng khuyến cáo người dùng phải tự bảo vệ tài sản, không cung cấp thông tin cá nhân hay chuyển tiền khi chưa xác minh người liên lạc.
Đồng thời, nhằm tăng cường nhận thức, kiến thức về lừa đảo trực tuyến, bảo vệ người dân Việt Nam trước những rủi ro tiềm ẩn trên không gian mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa phát động Chiến dịch “Tháng hành động tuyên truyền về nhận diện và phòng, chống lừa đảo trực tuyến” từ ngày 23/6 đến ngày 23/7. Chiến dịch được triển khai trên diện rộng, nhằm nâng cao nhận thức cho người dân thông qua các clip tình huống lừa đảo trực tuyến phổ biến, hướng dẫn nhận diện 24 hình thức lừa đảo, đồng thời cung cấp bộ cẩm nang kiến thức phòng tránh để bảo vệ bản thân và gia đình trên không gian mạng. Trong bối cảnh mạng xã hội trở thành một phần của cuộc sống hiện đại, người dân, du khách cũng cần trang bị cho bản thân những tập kỹ năng số để tránh rơi vào “bẫy” của chiêu trò lừa đảo trên mạng xã hội.