Giải ngân nguồn lực công để phát triển du lịch địa phương

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Du lịch Việt Nam đã có những bước đột phá trong những năm gần đây. Tuy nhiên, các địa điểm du lịch ở nước ta còn rất nhiều tiềm năng để khai phá trong thời gian sắp tới. Một vấn đề mà nhiều tỉnh, địa phương gặp phải là cần hỗ trợ ngân sách phát huy nguồn lực vốn có.
Cần có nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ các địa phương phát triển du lịch. (Ảnh minh họa: Hồ Tùng Phương)
Cần có nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ các địa phương phát triển du lịch. (Ảnh minh họa: Hồ Tùng Phương)

Tiềm năng du lịch cần đầu tư mạnh mẽ

Mới đây, Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình cho biết đang phục dựng Ninh Bình thành phim trường cổ trang, để trở thành điểm đến điện ảnh hấp dẫn đoàn làm phim và khách du lịch. Tỉnh Ninh Bình có lợi thế về khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, sông núi hùng vĩ, nên thơ. Nhiều chuyên gia đánh giá, cảnh sắc ở Ninh Bình phù hợp với đa dạng thể loại phim từ thám hiểm, hành động đến cổ trang, lãng mạn,...

Thực tế, tỉnh Ninh Bình cũng đã nhiều lần trở thành địa điểm quay các bộ phim điện ảnh “bom tấn” mang tầm cỡ quốc tế, như: “Kong: Skull Island” (đạo diễn Jordan Vogt Roberts), “Hai cô con gái ông chủ vườn thuốc” (đạo diễn người Pháp gốc Trung Quốc Đới Tư Kiệt), “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” (đạo diễn Ngô Thanh Vân), “Thiên mệnh anh hùng” (đạo diễn Victor Vũ)… Vì vậy, ngoài khung cảnh thiên nhiên, tỉnh Ninh Bình có nhiều kinh nghiệm hỗ trợ các đoàn làm phim.

Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình, ông Bùi Văn Mạnh cho biết, mặc dù có tiềm lực phát triển du lịch điện ảnh, nhưng tỉnh còn những khó khăn. Thách thức đầu tiên, là thiếu chiến lược thu hút các nhà làm phim quốc tế, thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ, thậm chí thiếu cả chính sách để phát triển nền điện ảnh ngay tại Việt Nam. Nếu hỗ trợ phát triển tác phẩm điện ảnh trong nước, để chính những tác phẩm này mà đủ giá trị, đủ tầm sẽ trở thành sản phẩm cốt lõi, thông qua đó có thể lan tỏa, quảng bá văn hóa, lịch sử dân tộc.

Không chỉ tỉnh Ninh Bình, vấn đề thiếu ngân sách nhà nước hỗ trợ quảng bá, xúc tiến du lịch đã được nhắc đến nhiều lần. Ông Ngô Minh Đức - Chủ tịch HĐQT HG Group từng chia sẻ trong Hội nghị Công tác xúc tiến du lịch năm 2024. Ông đã nhận thấy trong những hội chợ quy mô, tầm cỡ lớn bậc nhất thế giới như WTM, ITB lại không có gian hàng đại diện của du lịch Việt Nam. Ông Đức đề xuất lãnh đạo Bộ VH,TT&DL, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tìm cách để các gian hàng của Việt Nam có mặt tại các hội chợ du lịch lớn nhằm quảng bá, xúc tiến mạnh mẽ hơn về du lịch Việt Nam.

Cần tập trung đầu tư để phát triển du lịch

Hiện nay, quy định về mức chi, nội dung chi cho quảng bá, xúc tiến du lịch cho các tỉnh, địa phương gần như phải xã hội hóa. Mỗi tỉnh, thành phải kết nối với các doanh nghiệp, liên tục cho ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn để thu hút khách, tạo lợi nhuận cho ngành du lịch địa phương. Việc này một mặt là thuận lợi, nhưng mặt khác là rào cản, gây khó khăn cho các đơn vị, đặc biệt là các đơn vị quảng bá, xúc tiến tại các tỉnh, thành.

Cho nên, mặc dù xã hội hóa nguồn lực kinh tế cho ngành du lịch các tỉnh, địa phương rất quan trọng. Tuy nhiên, cần có sự hỗ trợ từ ngân sách công để du lịch Việt Nam phát triển mạnh mẽ, xếp thứ hạng cao trên trường quốc tế. Như Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Hồ An Phong nhận định, bản chất của quảng bá, xúc tiến là liên kết. Cơ quan nhà nước có trách nhiệm quảng bá điểm đến, hình ảnh đất nước và doanh nghiệp quảng bá sản phẩm. Từ đó, cần có liên kết, tạo ra sự thống nhất, tranh thủ nguồn lực để thúc đẩy phát triển.

Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2024, theo báo cáo của Bộ VH,TT&DL, tổng số thu của Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch ước đạt 139,4 tỷ đồng, đạt 95,5% kế hoạch; tổng số chi ước đạt 83,9 tỷ đồng, đạt 61,6% kế hoạch. Chênh lệch thu - chi năm 2024 ước khoảng 55,5 tỷ đồng. Dự kiến, số dư nguồn của Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch đến cuối năm 2024 ước hơn 365 tỷ đồng, tăng 17,9% (55,5 tỷ đồng) so cuối năm 2023.

Điều này cho thấy, mặc dù nguồn thu của Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch dự kiến đạt đến hơn 300 tỷ đồng, nhưng tổng số chi hiện tại mới chỉ đạt hơn 60% so với kế hoạch đề ra. Lý giải vấn đề này, Bộ VH,TT&DL cho biết, theo quy định tại Luật Du lịch, Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch; ngày 12/12/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 49/2018/QĐ-TTg về việc thành lập và phê duyệt Điều lệ Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch.

Quỹ được hình thành từ các nguồn: Vốn điều lệ do ngân sách nhà nước cấp trong 3 năm đầu; kinh phí hoạt động hàng năm do ngân sách trung ương cấp bằng 10% tổng số thu ngân sách hàng năm từ nguồn thu phí cấp thị thực và các giấy tờ có liên quan đến xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam cho người nước ngoài và 5% tổng số thu ngân sách hàng năm từ nguồn thu phí tham quan khu du lịch, điểm du lịch; nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện, hợp pháp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; tiền lãi từ tiền gửi của Quỹ tại ngân hàng; nguồn từ trích lập sau chênh lệch thu - chi hàng năm; các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Nhiệm vụ chi của Quỹ gồm: Chi hoạt động nghiệp vụ, chi xúc tiến, quảng bá du lịch và hỗ trợ các hoạt động phát triển du lịch khác; chi hoạt động tài chính; chi cho cán bộ, nhân viên; chi phí quản lý Quỹ.

Đọc thêm