Cảnh tỉnh giới tài chính ngân hàng sau vụ bầu Kiên

(PLO) - TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia có uy tín trong lĩnh vực ngân hàng trao đổi với PLVN về những mánh lới của bầu Kiên, qua đó “rung chuông” cảnh tỉnh giới tài chính ngân hàng về “vết xe đổ” của bầu Kiên.
Bầu Kiên thời còn thét ra lửa
Bầu Kiên thời còn thét ra lửa
Bầu Kiên đã bạo gan làm một việc mà trong nền kinh tế chỉ có hai chủ thể  là Ngân hàng Nhà nước Trung ương và Ngân hàng thương mại được phép làm đó là: “tạo tiền”. Với hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỷ đồng vốn ảo tạo ra, bầu Kiên đã ngang nhiên thao túng, lũng đoạn thị trường tài chính ngân hàng nói chung, Ngân hàng ACB nói riêng.
Từ con số 0…
Từng giữ trọng trách lớn trong các ngân hàng nước ngoài và Việt Nam, cảm giác của ông như thế nào khi xảy ra vụ thao túng ngân hàng chưa từng thấy trong lịch sử tài chính ngân hàng Việt Nam?
- Vấn đề của bầu Kiên tôi cho là có yếu tố lịch sử. Bản chất của nó là sở hữu chéo (SHC). Vấn đề này mới nổi lên gần đây nhưng kỳ thực, trước đấy đã có nhưng do mình chưa chú trọng nên trong khuôn khổ nào đó đã để SHC tồn tại. Trước, để phát triển hệ thống tài chính ngân hàng, người ta chấp nhận một cá nhân, tổ chức được sở hữu chủ hoặc cổ đông của nhiều tổ chức tín dụng. 
Nói rộng ra, sau đổi mới, khi cấu tạo hệ thống tài chính ngân hàng, nguồn vốn lớn nhất trong nền kinh tế lúc đó là của Nhà nước, bởi đó là một mô hình mới nên để cấu hình ra nó, Nhà nước phải vươn tay ra, đưa vốn vào tạo lập. Và có thể coi đó là SHC, tuy nhiên lúc ấy là cần thiết. Nhưng dần dà thì mặt trái của nó xuất hiện. Việc Nhà nước SHC nhiều bộ phận trong nền tài chính khiến một số cá nhân, tổ chức có thể do vô tình hoặc cố ý đi theo “công thức” này để sở hữu lẫn nhau, sau đó lợi dụng để thao túng, chi phối… hoạt động ngân hàng. Sự việc bầu Kiên là hệ quả của thời kỳ này. 
Ông có thể nói rõ những mánh lới của bầu Kiên và hệ quả của nó? 
- Bầu Kiên đã làm một việc mà trong nền kinh tế chỉ có hai đơn vị là Ngân hàng Nhà nước nước Trung ương và ngân hàng thương mại mới được phép làm đó là: “tạo tiền”. Về lý thuyết, ngân hàng “tạo tiền” bằng cách huy động tiền gửi từ dân chúng, sau đó dùng tiền đó cho vay và lại huy động ngược trở lại rồi tiếp tục cho vay. Vòng xoay này sẽ làm cung tiền của ngân hàng tăng lên và đó là vốn thật. Nhưng bầu Kiên thì “tạo tiền” từ con số 0, rồi sau đó tiền lại tiếp tục tạo ra tiền! Đến khi ông ta có tiếng nói nhất định trong hệ thống tài chính ngân hàng rồi thì những công ty mà ông ta lập ra có thể phát hành trái phiếu và có người mua, có người thế chấp… Sau đó, ông ta lại dùng những doanh nghiệp có liên quan để bảo đảm, cho vay. Vì không được ngăn chặn sớm nên bầu Kiên đã tự mình tạo ra một khối tài sản ảo, vốn ảo khổng lồ không có nguồn gốc từ sản phẩm của xã hội. Điều nguy hiểm là ở chỗ đó.
Lấn sân - không bị “thổi còi”
Dù chỉ nắm giữ một chức vụ mà pháp luật không thừa nhận là Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB nhưng bầu Kiên vẫn mạnh tay can thiệp, thao túng thậm chí dọa cách chức cả chóp bu của ngân hàng này… mà vẫn không ai xử lý. Ông có nghĩ trong trường hợp này, công tác thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước có gì không ổn? 
- Khó kết luận cơ quan quản lý nhà nước đã lơ là trong vụ này. Vì ngân hàng hoạt động thì có Hội đồng quản trị (HĐQT) và bên cạnh hội đồng này có thể có Hội đồng cố vấn để tham mưu, tư vấn. Hồi ở Mỹ, khi tôi lập First Vietnamese - American Bank (Đệ nhất Ngân hàng Việt-Mỹ) cũng từng có ý định lập một hội đồng như thế để giúp HĐQT hoạt động tốt hơn. Về bản chất Hội đồng sáng lập (HĐSL) và HĐQT là một và chẳng có gì sai. Nhưng ở ACB thì không đúng vì HĐST đã lấn sân HĐQT, trong khi về nguyên tắc HĐQT có quyền quyết định cao nhất. Ở đây, nếu dồn hết trách nhiệm cho cơ quan quản lý thì cũng không hẳn vì họ đã không thừa nhận hội đồng này rồi. Cái chính ở đây là phải hỏi lại các cổ đồng của ACB xem có trao quyền cho HĐSL, cho bầu Kiên làm những việc trái pháp luật như vậy không. 
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu
 Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu
Sai phạm kiểu như bầu Kiên, ở các nước liệu có dễ tồn tại và che đậy trong một thời gian dài như vậy không, thưa ông?
- Rất khó. Tôi ví dụ ở Mỹ, giới tài chính ngân hàng luôn chịu sự kiểm soát mạnh mẽ bởi 2 cơ quan đó là Bảo hiểm tiền gửi Mỹ (FDIC) và cơ quan quản lý ngân hàng tiểu bang. Chẳng hạn việc cho vay một món nào đó thuộc thẩm quyền của Ban Tổng giám đốc mà HĐQT can thiệp vào việc phê chuẩn cái tín dụng đó là bị xử lý tức thì. Tôi dõi theo hoạt động các ngân hàng ở Việt Nam thì chưa thấy có trường hợp nào Ngân hàng Nhà nước “thổi còi” khi có sự can thiệp quá tay của HĐQT hay Chủ tịch HĐQT xuống phía dưới cả. Ngân hàng Việt Nam, cấp dưới trong Ban điều hành thường rất kính nể mấy ông trên HĐQT.
“Không có bữa ăn trưa nào miễn phí”!
Vậy, nguyên nhân sâu xa của vấn đề này là gì và cách ngăn chặn hành vi lũng đoạn ngân hàng?
- Cái chính là do giới làm tài chính ở Việt Nam hiện nay chưa ý thức đầy đủ chức năng của ngân hàng đó là phải phục vụ đại chúng chứ không phải lập ra để phục vụ lợi ích của gia đình “ông” hay một nhóm lợi ích nào đó. Quan niệm này ở Việt Nam vẫn còn rất ít. Trên thế giới, các chính phủ họ làm mọi cách để bào vệ ngân hàng mỗi khi có tác động xấu, đơn giản vì ngân hàng phục vụ quyền lợi của số đông dân chúng, vì thế họ phải “bơm” thanh khoản vào cứu ngân hàng để nó không đổ vỡ vì nó là huyết mạch của cả nền kinh tế. Ở Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước cũng từng tuyên bố sẽ bảo vệ tối đa hệ thống này, nhưng các “ông” ngân hàng thương mại ở dưới trong khi được hưởng đặc ân này thì lại sử dụng ngân hàng cho chính mình hoặc bảo vệ quyền lợi cho nhóm lợi ích của mình.
Tôi nhớ, người Mỹ có câu “không có bữa ăn trưa nào là  miễn phí cả”, và điều đó cũng đúng vì chúng ta đã phải trả giá đắt sau vụ bầu Kiên, vì nó làm thiệt hại tài sản nhà nước, thiệt hại lòng tin của dân chúng với ngân hàng. Hậu quả không chỉ có vụ bầu Kiên mà tình hình nợ xấu cũng là cái giá mà chúng ta phải trả, và phải tái cơ cấu lại hệ thống ngân hàng.
Trân trọng cảm ơn ông!

Đọc thêm