Cạnh tranh công bằng bảo vệ người lao động

(PLO) - Kế hoạch đổi mới toàn diện của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là một yếu tố rất tích cực.
Cạnh tranh công bằng  bảo vệ người lao động

Đó là chia sẻ của bà Maria Helena André - Giám đốc Ban phụ trách Hoạt động Công nhân của ILO, chia sẻ suy nghĩ về chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên của bà trong tháng 3/2017. Theo bà Maria Helena André, Việt Nam đã sẵn sàng để có những chuyển đổi về tiêu chuẩn lao động quốc tế, bao gồm tự do liên kết và thương lượng tập thể. Được biết, Việt Nam đang đẩy mạnh quá trình hội nhập kinh tế thông qua các hiệp định thương mại tự do mà trong đó thường bao gồm các điều khoản về lao động. Và theo bà Maria Helena André, người lao động Việt Nam cũng được hưởng các quyền giống như người lao động tại hầu hết các quốc gia trên thế giới về đối xử công bằng, tự do liên kết, và thương lượng tập thể, có vai trò đặc biệt quan trọng. Đây không chỉ là vấn đề về quyền mà còn là sự bảo vệ dành cho họ, bởi cạnh tranh công bằng có nghĩa là quyền của người lao động không thể bị bán rẻ. Và nó cũng chính là điểm mà người lao động phải giành lấy để được bảo vệ tốt hơn, đặc biệt trong bối cảnh thế giới toàn cầu hóa, nơi mà những nguyên tắc và quyền cơ bản của người lao động không phải lúc nào cũng được đặt trước các lợi ích kinh tế.

Đề cập tới kế hoạch đổi mới toàn diện của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN), bà Maria Helena André cho rằng, bản thân sự tồn tại của một kế hoạch đổi mới đã là một yếu tố rất tích cực. TLĐLĐVN hiểu rằng trong thế giới toàn cầu hóa và một nền kinh tế thị trường mở cửa, thương mại là cốt lõi của phát triển kinh tế. Theo bà Maria Helena André, nếu TLĐLĐVN muốn thúc đẩy phát triển xã hội ngang tầm với phát triển kinh tế, họ sẽ cần phải hoạt động thật sự hiệu quả. Họ sẽ cần phải đặt quyền và lợi ích của người lao động lên hàng đầu trong các chính sách và tìm cách tốt nhất để thực hiện điều đó bởi vì thúc đẩy sự bảo vệ người lao động là nền tảng của một nền kinh tế thị trường vận hành tốt.Việc này có thể đạt được bằng cách đàm phán các điều khoản và điều kiện để người lao động được làm việc trong môi trường tốt, mức lương thỏa đáng, được bảo vệ về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp, cân bằng giữa công việc và cuộc sống... thông qua thương lượng tập thể. 

“Tôi nghĩ rằng TLĐLĐVN hiểu rõ điều này. Tuy nhiên, thực hiện một kế hoạch lớn như vậy không hề đơn giản bởi nó động chạm đến nhiều tầng lớp trong vai trò đại diện của tổ chức công đoàn. Tôi tin rằng các giải pháp đa dạng trong kế hoạch đổi mới hoạt động công đoàn sẽ được thực hiện tốt. Tuy nhiên, sẽ cần có một quá trình chuyển đổi nhất định từ mô hình nhiệm vụ hiện tại sang mô hình mới. Đại diện và lãnh đạo công đoàn cũng như bản thân người lao động có vai trò quan trọng khi triển khai quá trình này. Đây là một thách thức lớn nhưng tôi tin rằng TLĐLĐVN hiểu rất rõ vấn đề” – bà Maria Helena André nhận định. 

Chia sẻ với những người hoạt động công đoàn Việt Nam những bài học quốc tế liên quan đến cải cách công đoàn, bà Maria Helena André đã nhắc đến các quá trình cải cách ở các quốc gia vùng Scandinavia. Theo bà, “Việt Nam đang chuyển đổi từ nền kinh tế nông nghiệp sang nền công nghiệp hóa - một nền công nghiệp dựa trên công nghệ thông tin, tự động hóa, và áp dụng công nghệ mới vào thị trường lao động. Vì vậy bước nhảy của Việt Nam cần phải xa hơn, nhanh hơn trước. Công đoàn phải nắm rõ được điều đó. Và các quốc gia vùng Scandinavia có lẽ là những nước đi đầu trong lĩnh vực này. Đây là một ví dụ tốt để Việt Nam học hỏi”. 

Đọc thêm