Cao Bằng đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cao Bằng đang từng bước đưa chuyển đổi số (CĐS) vào lĩnh vực nông nghiệp để xây dựng cơ sở dữ liệu, quản lý mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc nông sản.
Khu nhà lưới hiện đại phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của HTX Trường Anh.
Khu nhà lưới hiện đại phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của HTX Trường Anh.

Chuyển đổi số (CĐS) trong lĩnh vực nông nghiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng, tất yếu để thay đổi diện mạo cho ngành sản xuất nông nghiệp của tỉnh Cao Bằng, góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả lao động và từng bước đưa nông sản của tỉnh vươn ra thị trường trong nước và quốc tế.

Xác định rõ vai trò CĐS đối với sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương, UBND tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) cùng nông dân áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, xây dựng thương hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, cấp chứng chỉ quản lý chất lượng và các công cụ cải tiến năng suất, chất lượng sản phẩm; hỗ trợ truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu sản phẩm thông qua các chương trình, đề án hỗ trợ tái cơ cấu nông nghiệp, đề án nông nghiệp thông minh, OCOP, phát triển thương mại điện tử (TMĐT) nhằm từng bước đưa CĐS vào nông nghiệp.

Người tiêu dùng Cao Bằng chọn mua nông sản trên sàn thương mại điện tử Postmart.

Người tiêu dùng Cao Bằng chọn mua nông sản trên sàn thương mại điện tử Postmart.

Các hoạt động xúc tiến thương mại trên môi trường TMĐT, nền tảng công nghệ được tỉnh triển khai trên trang web AgrolinkCB, là hệ thống kết nối liên kết, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa 4 nhà: Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và doanh nghiệp.

Thông qua nắm bắt các thông tin về sản phẩm nông sản của địa phương như sản lượng, giá cả, địa chỉ sản phẩm, quy trình sản xuất sản phẩm, các dự án hỗ trợ phát triển nông nghiệp đang và sắp triển khai trên địa bàn tỉnh Cao Bằng được đưa lên trang web, các DN và người dân có thể chủ động kết nối và liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Cao Bằng xây dựng mã số vùng trồng cho thạch đen tại huyện Thạch An để đáp ứng các yêu cầu về chất lượng sản phẩm, phục vụ cho việc thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc; xây dựng và vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa nông sản Cao Bằng thông qua ứng dụng web, di động.

Đến nay, có trên 220 sản phẩm nông sản được gắn truy suất nguồn gốc. Hệ thống góp phần vào minh bạch hóa thông tin sản xuất sản phẩm nông sản, tạo sự tin tưởng của khách hàng, tăng khả năng cạnh tranh giữa các sản phẩm trong và ngoài tỉnh.

Các sở, ngành, UBND các huyện, Thành phố hỗ trợ đưa hình ảnh, thông tin sản phẩm nông sản của địa phương lên môi trường TMĐT như: postmart.vn, caobangtrade.vn...

Nắm bắt được xu thế CĐS trong ngành nông nghiệp, HTX nông nghiệp Trường Anh trên địa bàn đã đầu tư hơn 5 tỷ đồng thực hiện mô hình canh tác nông nghiệp hiện đại trên 4 ha với các loại cây trồng chủ lực gồm dâu tây, ngô ngọt, dưa lưới.

Chủ đầu tư đầu tư trang bị hệ thống máy móc, thiết bị chăm sóc cây trong nhà lưới với đồng hồ cảm biến nhiệt độ, hệ thống phun sương tự động, hệ thống tưới nước nhỏ giọt, hệ thống tưới châm phân với bồn chứa riêng biệt giúp cây trồng tiếp nhận dinh dưỡng đồng đều, sinh trưởng và phát triển tốt hơn cách làm nông nghiệp truyền thống.

HTX nông nghiệp Trường Anh chú trọng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, phân bón được sử dụng phân hữu cơ sinh học, phân tự ủ lên men từ trứng, sữa, đậu nành, chuối… giúp tăng hương vị thơm ngọt cho trái. Sản phẩm của HTX được chứng nhận VietGAP, chứng nhận OCOP 3 sao và được thị trường ưa chuộng.

Giám đốc HTX nông nghiệp Trường Anh - Đoàn Thu Trà chia sẻ: "Làm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tuy số vốn ban đầu bỏ ra lớn nhưng về lâu dài sẽ tiết kiệm chi phí nhân công, chủ động về chất lượng sản phẩm. Đặc biệt với hệ thống tưới nhỏ giọt, cây trồng được tưới một lượng nước vừa đủ, không gây lãng phí".

Không chỉ số hóa trong quá trình sản xuất, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm trên các nền tảng số, như: sàn TMĐT, mạng xã hội... mang lại bước nhảy vọt đáng kể cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, HTX, người sản xuất nông nghiệp.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cao Bằng, bắt nhịp với tiến bộ khoa học công nghệ hiện đại, những năm gần đây, nhiều DN, HTX, người sản xuất nông nghiệp mạnh dạn thay đổi nhận thức, chủ động tìm tòi, nâng cao kiến thức, tiếp thu tiến bộ của khoa học kỹ thuật, đổi mới, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để tiếp cận với nền nông nghiệp thông minh gắn liền với CĐS.

Nhờ khuyến khích các địa phương, người sản xuất đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, nhiều thương hiệu nông sản Cao Bằng đã có mặt tại các thị trường trong nước, góp phần tạo đột phá mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đưa nông sản lên sàn TMĐT không chỉ là giải pháp tạo liên kết trực tiếp giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng, mà còn giảm bớt các khâu phân phối trung gian, giúp hạ giá thành sản phẩm. Ngoài ra, việc đẩy mạnh ứng dụng TMĐT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ giúp DN, HTX nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh sản phẩm trên thị trường.

Thông qua việc CĐS, hoạt động sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã và đang giảm thiểu rủi ro từ biến đổi khí hậu, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; người nông dân có thể kết nối trực tiếp với người tiêu dùng. Nhiều DN, HTX, người sản xuất có thể tìm kiếm đối tác, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với nhiều thị trường không hạn chế về khoảng cách. Thậm chí xuất khẩu nông sản sang thị trường quốc tế, mang lại giá trị kinh tế cao.

Tuy nhiên, việc áp dụng CĐS trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu và phát triển khoa học trong lĩnh vực này còn hạn chế; chất lượng nguồn nhân lực có chuyên môn cao về sản xuất, chế biến nông sản, sử dụng, vận hành thiết bị, nhất là thiết bị tự động, số hóa, thiết bị phân tích còn thiếu.

Trong khi đó, nhiều người dân và cả DN đang thiếu vốn, thiếu thông tin để ứng dụng số hóa; cơ sở hạ tầng cho phát triển, ứng dụng các công nghệ mới chưa đồng bộ, kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu.

Để nông nghiệp số thực sự phát triển, thúc đẩy tiêu thụ nông sản, thời gian tới, Cao Bằng tiếp tục phối hợp với các đơn vị, cơ quan liên quan trong đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP trên nền tảng TMĐT, công nghệ số; từng bước hình thành mạng lưới kết nối sản xuất, kinh doanh dịch vụ kết hợp với các hoạt động xây dựng, phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường cho các sản phẩm phát triển bền vững.

Cao Bằng tiếp tục thúc đẩy việc cấp chứng nhận mã số vùng trồng cho các loại hoa quả, nông sản của tỉnh, làm tiền đề cho việc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc; hỗ trợ các sản phẩm của tỉnh trong việc thực hiện truy xuất nguồn gốc, dán nhãn sản phẩm, đảm bảo sản phẩm nông sản của tỉnh đạt chất lượng tốt, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo, tạo vị thế cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường.

Đọc thêm