Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn: Vì sao vừa lo thủ tục vừa thi công?

(PLO) - Liên danh rạn nứt, nội bộ nhà đầu tư thiếu ổn định, vốn liếng khó khăn… là những nguyên nhân khiến một trong những dự án cao tốc có quy mô lớn nhất miền Bắc đến nay vẫn chưa thể đồng loạt thi công.
Năm 2017, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn sẽ hoàn thành?
Năm 2017, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn sẽ hoàn thành?

SCIC nửa chừng bỏ “cuộc chơi”

Tháng 7/2015, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) loan báo, Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn theo hình thức Hợp đồng BOT sẽ được thực hiện bởi một liên danh gồm các nhà đầu tư có “máu mặt” trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng và đặc biệt trường vốn. Thế nhưng, chỉ một tháng sau lễ động thổ, liên danh nói trên có dấu hiệu rạn nứt khi Công ty TNHH MTV Đầu tư SCIC (thuộc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước - SCIC) có đơn xin rút khỏi dự án. 

Sự “tháo chạy” của doanh nghiệp này khiến liên danh sau đó chỉ còn lại 5 nhà đầu tư (Công ty CP Đầu tư UDIC, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành, Công ty CP Đầu tư 468; Công ty CP Giao thông Xây dựng số 1, Công ty TNHH Xây dựng Mỹ Đà). Sau đó, UDIC là đơn vị đứng ra lãnh trách nhiệm “gánh” phần góp vốn góp mà trước đó thành viên của SCIC từng cam kết đầu tư.

Được biết, sau khi các thành viên liên danh được điều chỉnh, Bộ GTVT đã yêu cầu cuối tháng 12/2015 dự án phải hoàn thành việc xin cấp Chứng nhận đầu tư, đồng thời hoàn thành việc ký kết hợp đồng tín dụng trong tháng 12/2015 và phải đảm bảo các thủ tục pháp lý cần thiết khác trước khi triển khai dự án… Tuy nhiên, những yêu cầu trên đến nay vẫn chưa hoàn thành.

“Sự bỏ cuộc giữa chừng của SCIC khiến tiến độ dự án bị kéo lùi tới 5 tháng. Trên thực tế, chúng tôi phải mất khá nhiều thời gian làm văn bản để hỏi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc thay đổi nhà đầu tư trong liên danh, rồi phải trình lại hồ sơ lên Bộ GTVT để Bộ tiến hành thủ tục thẩm định năng lực của các nhà đầu tư còn lại và sau đó mới có quyết định điều chỉnh chính thức đối với liên danh”, ông Đinh Đăng Khánh - Giám đốc Công ty CP BOT Bắc Giang - Lạng Sơn giải thích.

Theo nguồn tin của PLVN, phải trong nửa đầu tháng 3 này (tức sau 9 tháng khởi công), dự án trên mới chính thức được cấp Giấy chứng nhận đầu tư.

“Vừa lo thủ tục vừa thi công”?

Ngoài thủ tục pháp lý, chuyện vốn liếng cũng hết sức quan trọng bởi đây là Dự án BOT có tổng đầu tư lớn nhất miền Bắc, với giá trị khoảng hơn 12 ngàn tỷ đồng, trong đó vốn vay thương mại chiếm 87%, các nhà đầu tư góp 13%. 

Tuy nhiên, đến cuối tháng 2/2016, tiến độ góp vốn chủ sở hữu của các nhà đầu tư mới đạt 30% (tương đương 390 tỷ/1.294 tỷ đồng). Hiện, liên danh nhà đầu tư dự án này vẫn chưa ký kết được Hợp đồng tín dụng với ngân hàng tài trợ vốn cho dự án trong khi mới đây, tại một cuộc họp kiểm điểm tiến độ, Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường “chốt” chậm nhất vào ngày 30/3/2016, nhà đầu tư phải cho triển khai thi công đồng loạt trên cả đoạn cũ (QL1) và mới (cao tốc).

“Chúng tôi đã thu xếp xong và dự kiến cuối tháng 3/2016 sẽ ký kết một khoản vay trị giá 5.000 tỷ đồng với Ngân hàng BIDV. Phần góp vốn chủ cũng sẽ được các bên trong liên danh tiếp tục thực hiện. Hiện nhà đầu tư đang tiến hành phân chia các gói thầu xây lắp trên cao tốc và thực hiện việc rà soát năng lực của các nhà thầu đáp ứng yêu cầu”, Giám đốc Công ty CP BOT Bắc Giang - Lạng Sơn khẳng định.

Ngoài ra, để bù lại tiến độ cho giai đoạn đầu, mới đây đại diện nhà đầu tư Dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn cho biết đã đề xuất Bộ GTVT cho phép vừa triển khai thi công trên hiện trường vừa hoàn thiện các thủ tục còn lại theo quy định như Chứng nhận đầu tư, ký Hợp đồng tín dụng với ngân hàng thương mại và Hợp đồng BOT với Bộ GTVT.

“Phải đề xuất vừa lo thủ tục vừa thi công như thế là để dự án không tiếp tục bị kéo dài thêm nữa, vì nếu cứ ngồi chờ hoàn thiện tất cả các thủ tục rồi mới ra triển khai ngoài hiện trường thì dự án sẽ chậm tới 1 năm. Quan điểm của chúng tôi là những việc nào không nhất nhất phải làm theo trình tự (như kiểm đếm giải phóng mặt bằng, khảo sát thiết kế…) thì nên cho phép triển khai ngoài hiện trường trước hoặc song song với các thủ tục pháp lý khác…”, ông  Khánh nói.

Với đề xuất này, nhà đầu tư có lẽ muốn cam kết với Bộ GTVT là dự án sẽ không còn chậm? Tuy nhiên, việc này còn phải chờ thực tế thi công, bởi trước đây Bộ GTVT từng nhiều lần vạch tiến độ, nhà đầu tư cũng từng cam kết nhưng sau đó nhiều hạng mục công việc đã bị “trượt” tiến độ, thậm chí có việc như đã nêu, đến tận giờ này vẫn chưa thể hoàn thành.

Đề phòng bán chác dự án

“Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đoạn Km45+100 - Km108+500, kết hợp tăng cường mặt đường QL1 đoạn Km1+800 - Km106+500 theo hình thức hợp đồng BOT có tổng mức đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng. Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn có bề rộng nền đường 25m, bao gồm 4 làn xe cơ giới, vận tốc thiết kế 100km/h.

Tuyến QL1 giữ nguyên cấp đường hiện tại, vận tốc thiết kế 60-80km/h. Thời gian thu phí hoàn vốn dự kiến kéo dài 21 năm. Đáng nói, sau khi khởi công, dư luận “xì xào” về việc có sự “sang tay” tại dự án này? Vì vậy, mới đây Bộ GTVT đã chỉ đạo không để xảy ra việc bán chác dự án”.

Đọc thêm