Sau những ồn ào vì tuyến đường vừa thông xe đã xảy ra tình trạng lún nứt hồi cuối năm 2014, mới đây, người dân sống ven tuyến này (Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái) đã đồng loạt “kêu” tới Quốc hội vì tình trạng kém chất lượng, thi công không đúng chuẩn hoặc thiếu của hệ thống cống thoát nước, cầu chui dân sinh… khiến cho cuộc sống sinh hoạt và di chuyển của người dân ở ven tuyến đường này hết sức khó khăn.
Thậm chí, có địa phương người dân còn cho biết, đường dù đã khánh thành, xe đã lăn bánh hơn 1 năm nay nhưng những hư hỏng về nhà cửa, công trình, ruộng vườn… vì quá trình triển khai dự án cao tốc này tới nay vẫn chưa được chủ đầu tư giải quyết dứt điểm, thỏa đáng.
“Nhiều cống chui dân sinh qua đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai bị ngập nặng vào mùa mưa bão (đường cao hơn cống) vì vậy, người dân phải băng qua đường cao tốc làm mất an toàn cho các phương tiện giao thông; đất hành lang cao tốc bị xô bồi xuống đất lúa khiến một số hộ dân không canh tác được; các diện tích thu hồi bổ sung do xô sạt cửa cống chưa được bồi thường…
Về những vấn đề này, các địa phương liên quan đã có cuộc làm việc với VEC, VEC đã cam kết thực hiện và tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tồn tại khi thi công tuyến đường, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện”, kiến nghị của cử tri tỉnh Phú Thọ gửi tới Kỳ họp thứ X Quốc hội khóa XIII.
Đáng chú ý, 41km cao tốc chạy qua địa phận tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã để lại cho người dân nơi đây khá nhiều phiền toái khi còn phổ biến tình trạng cống chui ngang tuyến thấp hơn so với quy định, cống thoát nước kém chất lượng, sạt lở đất ven đường gây khó khăn trong sản xuất nông nghiệp của người dân và có nơi vẫn còn tình trạng chậm đền bù, chỉ hứa hẹn.
Theo phản ánh của người dân Yên Bái, một số đoạn chạy qua tỉnh miền núi này do không bố trí đủ đường gom nên chủ đầu tư đã “chữa cháy” bằng cách biến đất chuẩn bị thi công nền đường giai đoạn 2 của dự án (mở rộng 2 làn thành 4 làn) để làm… đường gom.
Do đó, tại khu vực này đang hiện hữu mối lo khi cao tốc tiếp tục được xây dựng theo hướng “ăn” ra hai bên thì đường đi của người dân địa phương sẽ biến mất?
Trong một phản hồi về những kiến nghị nói trên, ông Nguyễn Hồng Trường - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) khẳng định, Dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai đưa vào khai thác sử dụng đã góp phần nâng cao năng lực vận tải, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đối với các địa phương có tuyến đường đi qua.
“Tuy nhiên, sau khi dự án hoàn thành vẫn còn một số tồn tại như đã phản ánh. Để xử lý các tồn tại phát sinh này, Bộ GTVT đã tổ chức nhiều đoàn công tác kiểm tra rà soát thực tế hiện trường và làm việc với chính quyền địa phương để thống nhất phương án xử lý…”, ông Trường nói.
Cụ thể, đại diện Bộ GTVT cũng thừa nhận ở Yên Bái, còn một số vị trí đường gom đến nay vẫn chưa triển khai thi công.
Nhưng lãnh đạo Bộ này khẳng định, tại ví trí hai Gói thầu A5 và A6, các nhà thầu đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành chi trả tiền đền bù, hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng trong quá trình thực hiện dự án.
Nngoài ra còn cho biết thêm, Gói thầu A3 đi qua địa bàn Phú Thọ có 46 cống hộp dân sinh và 121 cống tròn thoát nước, sau khi tuyến đường này đưa vào khai thác đã xảy ra tình trạng ngập nước khiến người dân phải “trèo” lên mặt đường cao tốc để sang đường… tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông.
Về tác động của dự án đối với hoạt động canh tác và đất nông nghiệp của nhân dân ở tỉnh này, Bộ GTVT cho biết đang chỉ đạo VEC khẩn trương đôn đốc nhà thầu chi trả đền bù cho người bị thiệt hại.
Đối với một số hộ dân bị nứt nhà ở huyện Thanh Ba (Phú Thọ), cơ quan tư vấn kiểm định độc lập đã xác định giá trị bồi thường, nhưng các hộ dân bị ảnh hưởng không chấp nhận con số thiệt hại mà đơn vị này đưa ra.
Tại xã Võ Lao (Thanh Ba), chủ đầu tư cho biết nhà thầu POSCO đã chi trả đền bù cho 17 hộ bị nứt nhà, một số còn lại được xác định là không bị ảnh hưởng.